Lào Cai: Dồn lực ‘về đích’ nông thôn mới đúng hẹn

Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có thêm 22 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, nâng tổng số xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” là 84 xã.

Để đạt được mục tiêu này, ngay từ những tháng đầu năm 2024, các địa phương của Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới, sáng tạo trong phương thức thực hiện, đồng thời ưu tiên lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhà của các hộ dân tại Khu tái định cư Cảng hàng không Sa Pa tại xã Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Bảo Yên tăng tốc

Bảo Yên đặt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 với ít nhất 2 xã nông thôn mới nâng cao; trong đó có vùng quê hương cách mạng Nghĩa Đô. Nghĩa Đô cũng đồng thời là 1 trong 12 xã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm mô hình thí điểm thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 – 2025. Phát huy thành quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng bào Tày bên dòng Nậm Luông hôm nay đang từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; trong đó chú trọng hướng phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa…

Bà Nguyễn Thị San ở bản Nà Khương là chủ của “Homestay bà San” rất khang trang và xinh xắn nằm tựa lưng bên đồi chè với lối kiến trúc nhà sàn cổ đặc trưng của đồng bào Tày. Khách đến homestay của bà thường yêu cầu chủ nhà chế biến các món ăn đặc sắc của người Tày như món canh cá suối Nậm Luông nấu với vón vén; nộm thịt trâu sấy ốt ết; vịt lam, cá nướng, xôi nhộng cọ… để thưởng thức.

“Tôi và các chị em phụ nữ trong bản cũng đang khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm để duy trì và phát triển nghề dệt chăn thổ cẩm truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi đang thiết kế những đồ dùng đan lát theo họa tiết truyền thống làm quà tặng cho khách du lịch khi đến Nghĩa Đô”, bà San cho biết thêm.

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô Lý Văn Nội, việc cốt lõi vẫn là vận động người dân khôi phục, phát huy, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, để tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn thu hút du khách đến trải nghiệm, thụ hưởng và cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc. Vì vậy, xã đang hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm khai thác tiềm năng về bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào.

Từ khi đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Nghĩa Đô tiếp tục bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2023, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung sức thực hiện các tiêu chí cơ bản, gồm giao thông, thủy lợi, môi trường, nhà ở dân cư…; huy động người dân đóng góp gần 1.700 công lao động, làm mới hơn 6 km đường trục thôn và vệ sinh đường thôn, xóm; trồng hơn 7 km đường hoa; 40 nhà ở dân cư được chỉnh trang, làm mới…

Nhờ đó, nếu như đầu năm 2023, xã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao thì đến nay, Nghĩa Đô đạt 16/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%, thu nhập bình quân đạt 51 triệu đồng/người/năm. “Đây là động lực để xã phấn đấu đạt các tiêu chí khác, “về đích” xã nông thôn mới nâng cao đúng lộ trình”, ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết.

Nông thôn Bảo Yên khởi sắc từng ngày qua những cách làm sáng tạo với tư duy sản xuất hiện đại của người dân. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng quế hơn 25.000 ha; trong đó có 500 ha đạt chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu; vùng trồng chè 589 ha với 200 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; vùng trồng chuối với 265 ha với 30 ha chuối ngự đạt chứng nhận VietGAP; hơn 260 ha cây ăn quả; toàn huyện có 35 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Những thành tựu đó đã và đang khiến bộ mặt nông thôn Bảo Yên dần thay đổi, tư duy sản xuất và đời sống của người dân đang dần được nâng cao. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn huyện Bảo Yên trung bình đạt 43,32 triệu đồng/người/năm, tăng 3,13 triệu đồng/người/năm so với năm 2022; tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,3% (919 hộ) và giảm 4,5% cận nghèo (960 hộ).

Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Nguyễn Anh Chuyên nhấn mạnh, năm 2024, huyện tập trung ưu tiên, quyết liệt triển khai các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân như giảm nghèo, tăng thu nhập, đẩy mạnh thi đua nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, từng bước vững chắc “về đích” nông thôn mới đúng hẹn…

Lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn

Những nếp nhà sàn người Tày ở Lào Cai nằm xen giữa những mảng màu của ruộng lúa tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. Ảnh: TTXVN

Đến hết năm 2023, bình quân mỗi xã của Lào Cai đạt 12,02 tiêu chí nông thôn mới, tăng so với kết quả rà soát hiện trạng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025 tại thời điểm tháng 6/2023 là 1,46 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt 39,82 triệu đồng/người/năm, tăng 6,38 triệu đồng/người so với năm 2022. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân/năm đạt 4,43% đã góp phần thay đối đời sống của người dân khu vực nông thôn.

Lào Cai phấn đấu trong năm 2024 – 2025, bên cạnh việc duy trì mức độ đạt chuẩn nông thôn mới tại 62 xã đã được công nhận, địa phương có thêm 22 xã nông thôn mới. Đây là mục tiêu được đặt ra tại Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025 vừa được ban hành.

Riêng năm 2024, Lào Cai phấn đấu toàn tỉnh có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thêm 48 thôn nông thôn mới và 36 thôn kiểu mẫu. Bình quân mỗi xã đạt trên 13 tiêu chí. Toàn tỉnh không còn xã dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm khoảng 5%.

Để đạt được mục tiêu đó, Lào Cai đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; trong đó, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là sơ chế, bảo quản, chế biến sâu và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch, giải pháp duy trì và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã yêu cầu các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung giải ngân các dự án phát triển sản xuất được hỗ trợ nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các chương trình này với nguồn ngân sách địa phương và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn, để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Các lãnh đạo được phân công giúp đỡ các xã tăng cường tổ chức các hoạt động giúp đỡ xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời căn cứ vào kết quả giúp xã thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới để đánh giá, phân xếp loại thực hiện nhiệm vụ hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị và địa phương.