Lào Cai: Bảo vệ rừng gỗ quý xã Cốc Ly

BVR&MT – Theo kiểm lâm huyện Bắc Hà, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, người lao động địa phương thiếu việc làm nên có xu hướng tìm kiếm nguồn lợi từ rừng, gây áp lực không nhỏ đến rừng gỗ nghiến, gỗ trai tại xã Cốc Ly. Trước thực tế đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã tăng cường nhiều giải pháp bảo vệ rừng.

Rừng gỗ nghiến, gỗ trai tập trung chủ yếu tại xã Cốc Ly, với gần 260 ha, phân bố tại Tiểu khu 164 và 165 trên địa phận 6 thôn: Làng Bom, Làng Đá – Sín Chải, Làng Pàm, Thẩm Phúc, Nậm Ké và Cốc Sâm. Có 827 cây gỗ nghiến, gỗ trai có đường kính từ 30 cm trở lên; quần thể gỗ nghiến có nhiều cây to, cây trên 1.000 năm tuổi.

Lực lượng bảo vệ rừng xã Cốc Ly tuần tra, kiểm soát khu vực rừng gỗ nghiến, gỗ trai.

Lực lượng bảo vệ rừng xã Cốc Ly tuần tra, kiểm soát khu vực rừng gỗ nghiến, gỗ trai.

Trong những năm qua, khu vực rừng gỗ nghiến, gỗ trai được quan tâm bảo vệ, tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, công tác này gặp không ít khó khăn do nhiều người dân vẫn bất chấp quy định của pháp luật, vào rừng khai thác gỗ quý trái phép.

Từ năm 2017 đến năm 2021, lực lượng bảo vệ rừng huyện Bắc Hà đã phát hiện, xử lý 6 vụ với 16 đối tượng vi phạm liên quan đến rừng gỗ nghiến, gỗ trai tại xã Cốc Ly. Đặc biệt, năm 2021, có 9 đối tượng chặt hạ 1 cây gỗ nghiến tại thôn Làng Đá – Sín Chải có khối lượng 15,208 m3. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với lực lượng công an nhanh chóng xác định các đối tượng có hành vi khai thác trái phép, sau đó khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Anh Đặng Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cụm xã Cốc Ly cho rằng, trong khu vực bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống; nhận thức về công tác bảo vệ rừng của một số người dân hạn chế, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, xúi giục vào rừng khai thác gỗ trái phép. Mặt khác, diện tích khoán bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai là gần 260 ha, không tập trung mà rải rác tại 6 thôn, trong đó có 3 thôn giáp ranh với thôn của thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng). Đây là khu vực có nhiều đường mòn, lối mở, đường dân sinh giữa các thôn giáp với rừng gỗ nghiến, gỗ trai, do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà, các địa phương thuộc xã giáp ranh với rừng gỗ nghiến, gỗ trai chưa thực sự quan tâm phối hợp trong tuyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; việc tố giác không kịp thời các hành vi xâm phạm rừng, trong đó có vụ việc công dân vi phạm nhưng chính quyền địa phương không xử lý, cho rằng tang vật vi phạm có nguồn gốc không thuộc địa phương quản lý. Cùng với đó, việc cấp kinh phí thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng chưa kịp thời (quyết định phê duyệt năm trước nhưng đến năm sau mới cấp kinh phí). Kinh phí khoán bảo vệ rừng được đầu tư nhưng thấp khi chia bình quân cho mỗi thành viên tổ nhận khoán…

Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng lực lượng bảo vệ rừng Bắc Hà nói chung và xã Cốc Ly nói riêng vẫn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân địa phương. Cùng với những việc làm cụ thể, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà đã tham mưu cho UBND huyện và tỉnh xây dựng phương án bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai nghìn năm tuổi, quý, hiếm trên địa bàn. Theo đó, ngày 24/12/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 4409 về phương án bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai quý hiếm tại xã Cốc Ly.

Ông Trần Quang Đại, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà cho biết, phương án được phê duyệt sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác trái phép các cây gỗ quý, hiếm, bảo tồn tính đa dạng sinh học, trong đó có cây nghiến di sản nghìn năm tuổi tại xã Cốc Ly; tăng cường trồng rừng trong các nương nằm xen giữa rừng và khu liền kề, tạo cảnh quan môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân xã Cốc Ly. Định hướng đến năm 2030, quy hoạch thành khu rừng đặc dụng bảo tồn loài sinh cảnh theo Khoản 3, Điều 6, Nghị định 156 ngày 16/11/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp. Việc tăng cường phương án trong bảo vệ rừng, trồng rừng sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của người dân, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, góp phần nâng cao đời sống người dân và cộng đồng trên địa bàn.