Làng nghề Thạch Xá (Hà Nội): Chắp cánh chuồn chuồn tre!

BVR&MTXanh, đỏ, tím, vàng. Những màu sắc rực rỡ dưới ánh nắng cũng mang theo nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ khi được cầm trên tay những người bạn chuồn chuồn của mình. Và những ai đã từng có tuổi thơ gắn với chuồn chuồn tre thì giờ đây đã trở thành một góc nhỏ hoài niệm.

“Mất ngủ” vì chuồn chuồn tre

Làng nghề làm chuồn chuồn tre tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội nằm ngay dưới chân chùa Tây Phương. Thạch Xá là một trong rất nhiều làng nghề truyền thống ở Hà Nội với hơn 20 năm làm nghề chuồn chuồn với những sản phẩm tinh tế được làm nên từ chính đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân dân gian.

Dưới đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của nghệ nhân làng Thạch Xá, những chú chuồn chuồn tre xinh xắn được cất cánh. Với đặc điểm thú vị mũi nhọn, phần đầu giữ thăng bằng, chuồn chuồn tre trở thành một món đồ chơi hay vật trang trí truyền thống gợi lên hình ảnh làng quê Việt Nam thân thuộc.

Từ những cây tre xanh, một trong những biểu tượng đẹp của làng quê Việt Nam. Các nghệ nhân dân gian Thạch Xá đã cho ra đời những chú chuồn chuồn tre độc đáo.

Những tưởng chuồn chuồn tre là món đồ chơi nhỏ xinh đơn giản nhưng để làm ra được một sản phẩm này lại mất khá thời gian và nhiều công sức. Đặc biệt, nguyên liệu sử dụng phải là tre khô tự nhiên, không được sử dụng tre ngâm, bị mối mọt… Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái – một trong những người đầu tiên làm thành công và mở rộng hình ảnh chuồn chuồn tre Thạch Xá ra thị trường quốc tế, cho biết: “Hiện nay trên thị trường quốc tế cũng rất ưa chuộng sản phẩm chuồn chuồn tre. Các sản phẩm không chỉ được bán ở trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Khi sản phẩm xuất ngoại đòi hỏi rất cao về mặt kỹ thuật và chất lượng. Cụ thể, nguyên liệu để làm thành sản phẩm không được ngâm thuốc mà hoàn toàn từ tự nhiên”. Theo anh Nguyễn Văn Tái, để có con chuồn chuồn tre phải qua nhiều công đoạn: Cào tinh tre, phơi khô, cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ, vót thân uốn mỏ cong, lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn vẽ. Khó nhất là khâu chắp cánh vào thân làm sao để con chuồn chuồn đậu lên cây vững vàng, cân đối. Lực đối xứng phải chuẩn, con chuồn chuồn đậu được mới đạt yêu cầu. Khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, chính xác. Để có thể tạo ra sản phẩm đẹp, độc, lạ, những chú chuồn chuồn còn được quét sơn và vẽ họa tiết trang trí trên thân, cánh. Những họa tiết này đều do người thợ vẽ tay, lấy cảm hứng từ đời sống làng quê…

Chuồn chuồn tre vươn cánh bay xa

Trước đây, những ngày tháng dịch Covid-19 ập đến, các điểm du lịch phải tạm ngừng đón khách để phòng dịch khiến đầu ra của chuồn chuồn tre gần như bị cắt hẳn. Cũng bởi lí do đó, vài năm trở lại đây đa số người dân ở làng có xu hướng bỏ nghề truyền thống và chuyển sang các công việc có lợi nhuận tốt hơn.

Khó khăn dồn dập, nghệ nhân Nguyễn Văn Tái cho biết nghề này mang lại thu nhập không cao. Mỗi chú chuồn chuồn bình thường được bán ra, người nghệ nhân cũng chỉ lãi vài nghìn bạc ít ỏi. Trong khi việc làm thủ công lại tốn nhiều công sức, lấy công làm lãi, nếu không kiên trì, ắt hẳn khó có thể duy trì được. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái cho biết: “Nếu như không tính khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 căng thẳng thì đầu ra của sản phẩm chuồn chuồn tre có rất nhiều kênh phân phối như: Công ty, doanh nghiệp và lái buôn… Nhưng phải chia sẻ thật những đầu ra này không ổn định. Có những khi rất nhiều mối để bán hàng, có khi lại rất thưa”.

Chưa kể, khi nhắc tới sự truyền nghề để tránh bị mai một khi thế hệ sau thường bị lãng quên bởi sự truyền thống vốn có, nghệ nhân Tái luôn đau đáu và có nhiều trăn trở. “Làm nghề gì cũng phải có đam mê, nếu không xuất phát từ điều đó thì rất dễ chán việc và không thể duy trì được. Bản thân tôi luôn đón nhận các bạn có sự học hỏi và nỗ lực vì nghề này”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tái bày tỏ.

Hiện nay chuồn chuồn tre không chỉ là những món quà trong những lễ hội truyền thống hay những món quà lưu niệm mà chúng còn được xuất sang nhiều nước như: Pháp, Mỹ, Nhật…

Thạch Lam