BVR&MT – Giữa tiết trời lạnh buốt của núi rừng những ngày giáp Tết, bỏ lại nơi đô thị phồn hoa, ở nơi chốn mờ sương, mây phủ mới thấm thía hết được niềm khát khao một cái Tết sum vầy bên gia đình, người thân của những con người ngày đêm thầm lặng gìn giữ bình yên cho những cánh rừng nguyên sinh.
Phút giao thừa giữa thâm sơn cùng cốc
Men theo vết đường mòn in hằn trên những con dốc rẻo cao, chiếc xe máy rồ ga leo hết quả đồi này đến quả đồi khác, cuối cùng tôi cũng đến được khu rừng nơi các chiến sĩ của trạm kiểm lâm Pù Huống, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An) đang ngày đêm canh giữ. Cái lạnh của mưa rừng, của màn sương giăng kín trước mặt thấm vào da thịt, lạnh buốt. Cả chặng đường dài không khí hoang vắng bao trùm, không thấy một bóng người. Thế nên, khi điểm trạm kiểm lâm Pù Huống hiện ra trước màn sương của núi rừng heo hút khiến tôi bất giác giật mình. Suốt gần năm tiếng đồng hồ căng sức vật lộn với con đường lầy lội, người đã mỏi rã rời, chân đã chùn bước, cuối cùng cũng đến được nơi mà tôi muốn đến để viết những số báo cuối năm.
Điểm trạm Pù Huống nằm ngay gần ngã ba huyết mạch của xã miền núi Bình Chuẩn, một đường dẫn ra trung tâm thị trấn, còn lại là những lỗi mòn nối giữa những cánh rừng xanh với các bản làng với nhau. Trạm cách trung tâm của thị trấn huyện Con Cuông chừng gần khoảng 40 km đường bùn đất rất khó đi, nếu không muốn nói rằng không thể đi khi gặp phải tiết trời mưa gió. Chia sẻ với cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường Trạm trưởng Trần Đức Long đang trực trong trạm cho biết: “Con đường anh vừa đi là trục giao thông chính. Đường từ đây vào trung tâm xã còn gian nan hơn nhiều, cứ vài tiếng đồng hồ mới đi được 15 km. Cứ mưa xuống là bà con trong này coi như bị cô lập với thế giới bên ngoài”.
Các anh là những người trông nom cả khu rừng rộng lớn của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và cũng đảm nhiệm việc nằm vùng giữ gìn an ninh trật tự cho xã vùng sâu Bình Chuẩn.
Bỏ qua cái không khí công việc, các anh niềm nở tiếp khách bằng ly trà nhạt đã qua nhiều nước. Bởi ở nơi “khỉ ho cò gáy” này, hiếm người qua lại, mà nếu có người thì cũng chẳng mấy ai dừng lại uống được ly trà cùng các anh. Một kiểm lâm viên tâm sự: “Có mấy anh em cứ nhìn nhau mãi đến mòn cả mặt rồi cũng chán. Ở đây núi rừng vốn sẵn các loài chim nên những khi chúng tôi tuần tra, chim là người bạn trên những rẻo núi cao”. Chẳng nói chẳng rằng, các anh bèn đi nhóm bếp. Trong cái cay xè vì khói, tôi chộp lấy tờ báo “Bảo vệ Rừng và môi trường” đã nhàu nát mà trạm trưởng Long nói là mới nhất, tờ báo mà các anh đã đọc đi đọc lại đến nỗi thuộc lòng không sót chữ nào.
Bếp than hồng đã tắt, bữa cơm ấm cúng nhanh chóng được dọn ra giữa khoảng đất trống trong trạm, mấy anh em ngồi xổm, xúm lại bên nồi cơm. Bữa cơm nóng với ly rượu cay nồng thấm đậm tình người cùng các chiến sĩ kiểm lâm nơi giữa rừng sâu những ngày mưa cận Tết khiến mắt tôi cay xè.
Bên hông trạm kiểm lâm Pù Huống, gốc mai già đã hé nụ, mai trong rừng nhiều cây vội vã nở hoa vàng. Trạm trưởng trạm kiểm lâm Pù Huống Trần Đức Long với nhiều năm gắn bó với rừng, với những mùa xuân cùng anh em đồng đội ăn tết trong rừng, tâm sự “dù không được ăn tết bên gia đình, nhưng anh em kiểm lâm ở trạm vẫn có những thời khắc đón xuân theo cách riêng của mình. Đêm giao thừa năm nào anh em trong trạm cũng nổi lửa nấu nồi bánh tét, bánh chưng, bày biện mâm ngũ quả và nhánh mai rừng đón Tết”. Để kịp gửi lời chúc năm mới về cho gia đình, các kiểm lâm viên trẻ lặng lẽ rời trạm, ngược lên con dốc tìm khoảng yên bình hiếm hoi gọi về người thân. Ngày tết của những người làm nhiệm vụ giữ rừng ở đây vừa dạt dào cảm xúc đồng nghiệp, vừa bâng khuâng nhớ nhà như thế. Phút đón giao thừa của họ chỉ diễn ra trong chốc nhoãng, rồi ai nấy cũng phải ngậm ngùi rời xa để làm nhiệm vụ.
Tết đến xuân về, ngày ngày các anh vẫn lặng lẽ, vẫn thường trực với bao nguy hiểm. “Lâm tặc” ngày càng manh động, nguy hiểm, nên cuộc chiến giữ rừng không “chảy máu” của các anh dường như không cân sức. Nhiều khi đi vào rừng sâu, các anh còn bị lạc đến đêm mới tìm được đường về. Muỗi, rắn rết,… như những “người bạn” thân thiết bất đắc dĩ với các chiến sĩ thầm lặng này.
Những ngày cận kề tết, độ ẩm không khí càng xuống thấp, cái khô hanh của tiết xuân càng về trưa càng làm cho những người giữ rừng thêm cảnh giác. Chỉ cần một thông tin báo động, cảnh báo cháy rừng, tất cả lực lượng kiểm lâm đang túc trực tại rừng, kể cả những người được phép về nhà vui tết đều phải tức tốc quay về trạm hợp sức, triển khai công tác dập lửa. “Ngày tết, các trạm đều chia thành 2 ca trực. Mỗi ca trực do trưởng hoặc phó trạm phụ trách một nửa quân số. Các ca trực được nghỉ 1 ngày và tùy theo tình hình mà anh em về nhà vui tết cùng gia đình, hay ở lại trạm ăn tết. Ngày đầu tiên của năm mới, các kiểm lâm viên vẫn không quên nhiệm vụ tuần tra một vòng các “điểm nóng” về cháy, trộm cắp lâm sản, săn bẫy thú rừng; luôn tiện tạt vào thăm các hộ dân thường sát cánh cùng các anh trong công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng”. – Trạm trưởng Trần Đức Long cho biết thêm.
Mong bình yên cho những cánh rừng
Thật khó mà tìm được có nơi nào bình yên hơn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Chính sự bình yên đó đã giúp cho tôi dần dần khám phá được sự kỳ bí của thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng!
Giữa cái nắng heo hắt của những ngày giáp tết, chuyến tuần tra cùng các chiến sĩ kiểm lâm ngắn ngủi thôi mà tôi cảm nhận được bầu không khí ở đây trong lành, mát rượi. Một không gian yên lặng và có một chút gì đó hoang sơ, thơ mộng, đã tạo cho tôi cảm giác như bước vào một “thế giới” khác.
Trên chuyến vượt bộ qua các cánh rừng, các anh ở kiểm lâm Pù Huống nửa đùa nửa thật: “Ưu tiên cho nhà báo đấy nhé! Lẽ ra chúng tôi phải đưa anh đi “phượt” bằng xe máy, nhưng trong rừng không có đường, vả lại “du ngoạn” giữa thâm sơn bằng chuyến “cuốc bộ” thế này đỡ gây tiếng ồn làm ảnh hưởng tới sự cư trú của các loài chim và thú”. Thế là chuyến đi của chúng tôi cứ túc tắc dạo quanh những cánh rừng “sơn thủy hữu tình”…
Những con suối mùa này không đục mà trở nên trong xanh. Trên một chặng băng rừng vượt suối không dài lắm, chúng tôi vẫn “khái niệm” được một không gian rất bình yên với những cánh rừng nguyên sinh, những cánh rừng tre nứa, những ghềnh – thác, những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ…
Khi màn đêm vừa rủ, mấy anh em chúng tôi ghé lại ở bản. Ngoài kia, lũ côn trùng thi nhau trỗi “nhạc”. Bên bếp lửa nhà sàn đêm xuân, bà con bản xiềng, bản túng tọng hiền hòa đón khách làm cho không khí đêm xuân càng thêm vui nhộn, tiếng cồng chiêng của các già làng càng vọng xa hơn giữa ngút ngàn cánh rừng Phù Huống bình yên này.
Gió rừng những ngày cận tết càng làm xao xuyến trái tim xa quê, xa gia đình của những kiểm lâm viên trẻ. Trạm trưởng Trần Đức Long kể lại, tết ở đây không phải như dưới xuôi, anh em vừa tuần tra, vừa ghé chúc tết bà con dân bản. Có những năm anh em quây quần bên tấm bạt ni-lông dưới cái lạnh như cắt trải giữa rừng khiến chúng tôi rơi nước mắt. “Vì sợ lâm tặc lợi dụng giây phút đón năm mới làm việc xấu với rừng nên anh em chúng tôi mới phải cảnh giác tuần tra giữa rừng trong thời khắc giao thừa” – Anh Long bộc bạch.
Qua những giây phút trải nghiệm, lương tâm không cho phép tôi dừng viết về các anh. Những chiến sĩ kiểm lâm đã bỏ lại bao nhiêu biến động sôi nổi ngoài kia, để lặng lẽ gìn giữ bình yên cho những cánh rừng nguyên sinh .
Đình Nguyên