Lan tỏa bản sắc văn hóa người Thái bằng du lịch cộng đồng

BVR&MT – Tây Bắc được mệnh danh là xứ sở của những cô gái Thái đẹp. Đặc biệt, gần đây họ còn khẳng định được “quyền năng” cũng như ý thức được việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống riêng có.

Đội văn nghệ bản Vặt.

Chiều cao nguyên bảng lảng khói từ những nếp nhà sàn, trên những con đường mòn quanh co dẫn vào bản Dọi, bản Vặt… (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), thấp thoáng bóng thiếu nữ thướt tha dưới tán mận, tán rừng xanh mướt mắt. Xứ này, đúng như lời đồn về phụ nữ Thái, vừa đẹp vừa thanh tú.

Đặc biệt, du lịch cộng đồng ở các bản vài năm gần đây bắt đầu phát triển. Lạ là, trong những mái nhà truyền thống lặng lẽ dưới tán cây trĩu quả ấy, các cô gái Thái đã và đang dần khẳng định được “quyền năng” của mình cũng như ý thức được việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống riêng có.

Phụ nữ bản tự tin “làm dâu trăm họ”

Mặt Trời xuống núi, đầu bản, Lường Thị Hồng Tươi tất tả trở về nhà sau một ngày bán hàng ở thác Dải Yếm cách đó không xa. Gương mặt rạng rỡ ửng đỏ, chẳng biết vì nắng nóng hay do gặp người lạ miền xuôi lên ở homestay nhà mình.

Đôi chân nhanh nhẹn và chiếc miệng duyên, Tươi và rất nhiều chị em trong bản đã khiến tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Mấy năm mới trở lại, người vẫn thế nhưng tinh thần thật khác xưa…

Sớm mai ở quê hương “Tây Tiến,” đâu đó tiếng chim gù văng vẳng, khẽ đẩy cánh cửa sổ bên mái hiên đang he hé, thấy cả khoảng trời thơ mộng trên những tán hồng lúc lỉu. Cũng bên ô cửa gỗ ấy, cô gái miền xuôi vẻ còn ngái ngủ, vươn vai hít căng lồng ngực cả cơn gió mát lành còn đẫm hơi sương.

Cao nguyên Mộc Châu xanh tươi đó, vùng đất của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống nhưng người Thái mới là tộc người tạo nên bản sắc, nức tiếng từ miếng ăn ngon đến con gái đẹp. Về đây mà chưa thưởng thức cá pa pỉnh tộp, nẹm, thịt gác bếp hay xôi ngũ sắc… thì thật phí.

Thiếu nữ với trang phục truyền thống người Thái. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Nhắc đến Mộc Châu, người ta thường nghĩ tới rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, Ngũ động bản Ôn, nông trường chè… chứ ít ai lọ mọ vào mấy bản làng có cái tên lạ lẫm như bản Dọi, bản Vặt với những nếp nhà sàn 5 gian, 7 gian thậm chí 8 gian truyền thống.

Bản ấy, có Lường Thị Hồng Tươi (Homestay Hoa Mộc Miên), Lèo Thị Chơ (chủ Homestay Quốc Khánh), Hà Thị Chiên (Homestay Hà Chiên), Vân (Homestay Vân Dung), Mai (Homestay Mai Thuận), hay Mừng (Homestay Hà Quyết)…, những cô gái Thái mang đôi mắt nâu của núi rừng Tây Bắc, sáng mà sâu thăm thẳm. Xứ này bao đời được “tiếng thơm” cũng một phần nhờ những người như họ, vừa đẹp vừa đảm đang.

Nhưng dăm, bảy năm trước, đa phần các cô ấy chưa được như bây giờ. Cũng như nhiều dân tộc ít người khác, họ giống như cái bóng của chồng, lặng lẽ làm mọi việc nơi góc bếp mà ít được tham gia đại sự. Từ một bé gái lớn lên thành thiếu nữ rồi làm mẹ, làm bà…, tâm thức họ đã quen đàn ông là trụ cột gia đình.

Thế mà nay, cũng những con người ấy nhưng lại mang một tinh thần khác, tâm thế khác, tự tin, xông xáo và đầy quyết liệt, thậm chí có người còn vươn lên làm chủ kinh tế. Ấy là bởi du lịch cộng đồng đã thổi luồng sinh khí và tưới tắm cho bản làng một diện mạo mới mẻ. Đâu chỉ là những hàng rào hoa, homestay đầy khách mà quan trọng là du lịch đã rèn giũa nên những cô gái Thái bản lĩnh và khí thế.

Các cô chẳng còn rụt rè nép mình sau bậu cửa, mà nay đã có thể tự lên thực đơn rồi nấu nướng đón khách, tự hạch toán sổ sách chi tiêu, chụp hình rồi viết quảng cáo trên facebook… Quan trọng hơn, họ đã có thể làm chủ sinh kế để không bị phụ thuộc, để cảm thấy tự tin và… nghĩ lớn hơn.

Những phụ nữ “làm dâu trăm họ”

Homestay Vân Dung ở tận cuối bản Vặt. Ngày cuối tuần, chỉ có Vân ở nhà. Từ tinh mơ cô đã phải lùa con sang nhà ông bà để chuẩn bị đủ thứ nào cá, gà, thịt lợn, thịt bò, nào đồ xôi, hái rau… cho hai bàn khách đặt bữa trưa. Mồ hôi lăn từ trán xuống hai gò má tròn trịa lấm tấm tàn nhang.

Bữa đó, món nào cũng ngon. Phần vì cây nhà lá vườn, cá suối, lợn bản…, nhưng có lẽ phần lớn vì tấm chân tình và thật thà của gia chủ. Nhìn mâm cỗ Vân làm rồi nhẩm tính, không biết thế này có… “lõm” quá không, vì quá nhiều món và đĩa nào cũng có ngọn. Mà, khách Thủ đô ăn uống vốn cảnh vẻ.

Phụ nữ như Vân, một mình chuẩn bị 2 mâm cỗ tươm tất, rồi vào bữa lại mời mỗi khách chén rượu dù tửu lượng thì đôi chén đã thấy Mặt Trời đỏ rực, cứ thi thoảng lại ngượng ngịu anh chị thông cảm nếu món này món kia chưa vừa, mới thấy trân quý những nỗ lực “ốc” chui khỏi “vỏ” của phụ nữ bản Vặt. Bởi nếu là trước đây, sẽ chỉ có người chồng, người đàn ông của gia đình ra mặt.

Ngược lại đầu bản là Homestay Hoa Mộc Miên của vợ chồng Lường Thị Hồng Tươi. Nếp nhà có khung cảnh lãng mạn, một mặt hướng cánh đồng lúa xanh rì, một mặt giáp vườn dâu tây, một mặt hướng ra những vòm bơ trĩu quả.

Tươi bảo, trước chỉ định dựng nhà sàn cho gia đình nhưng sau thi thoảng có khách vào bản hỏi chỗ ở, rồi dẫn khách đi ăn uống thì họ thích, về rồi còn quay lại mấy lần. Nhận thấy dịch vụ du lịch mang lại thu nhập, vợ chồng Tươi mạnh dạn đầu tư làm homestay.

“Ban đầu kinh doanh dịch vụ homestay, gia đình em gặp nhiều khó khăn do không biết tổ chức hoạt động thế nào, không có vốn đầu tư, phải vay ngân hàng và sau được tổ chức AOP hỗ trợ thêm vốn, tư vấn và tập huấn kỹ năng mới tự tin hơn. Thời gian đầu ít khách nhưng đến giờ đông hơn, lượng khách sáu tháng đầu năm 2020 bằng hơn cả năm 2019 dù có dịch COVID-19. Hiện tại, qua kết nối mạng xã hội và người quen, lượng khách đến bản Vặt đã đa dạng hơn, từ hầu hết các tỉnh khu vực phía Bắc,” bà chủ Homestay Hoa Mộc Miên chia sẻ.

Nhìn Tươi, cảm nhận đầu tiên là cô gái quảng giao, nhanh nhẹn, tháo vát và cầu thị. Gặp những vị khách “lắm điều” mà “như bắt được vàng,” bởi Tươi biết cô học hỏi được nhiều từ những góp ý chân thành. Không rõ Tươi tiếp thu được bao nhiêu, nhưng nhìn cách cô giao tiếp, hỏi han thì tin rằng với tinh thần cởi mở đó cô sẽ thành công.

Cũng như gia đình Tươi, vợ chồng Lèo Thị Chơ (chủ Homestay Quốc Khánh, bản Vặt) bắt đầu làm du lịch từ con số không, thậm chí vốn để tu sửa nhà vẫn đang phải vay ngân hàng bằng thế chấp sổ đỏ. Chơ và chồng vừa làm nông vừa tranh thủ hỗ trợ nhau làm du lịch. Tuy là người dân tộc thiểu số và trình độ còn thấp nhưng Chơ đã rất nỗ lực để có chứng chỉ dẫn khách tham quan quanh khu vực Mộc Châu và làm hướng dẫn viên tại Thác Dải Yếm.

Với Chơ, làm du lịch những ngày đầu thực sự vất vả vì thiếu kinh nghiệm. “Hồi đầu em còn bỡ ngỡ nhưng nhờ dự án AOP hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, đưa đi học hỏi và tham quan các mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương khác, nay em đã tự tin giao tiếp với khách rồi, không còn bèn lẽn, ngại ngùng nữa; thói quen nấu nướng cũng như vệ sinh của gia đình cũng thay đổi,” Chơ nói.

Một buổi thi nấu ăn sau lớp tập huấn về ẩm thực của các cô gái Thái. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Làm du lịch như “làm dâu trăm họ” nên với những người dân lần đầu tiếp cận du lịch cộng đồng như Tươi, Chơ hay Vân cái khó nhất là chiều lòng khách. Món ăn người Thái thường đậm đà và thường không thể thiếu gia vị là hạt dổi, không phải ai cũng quen.

Ở bản, mùa Hè chẳng điều hòa, mùa Đông không máy sưởi, nhà sàn có phòng đôi đã khó, đâu sẵn vệ sinh riêng… khách Việt không phải ai cũng thích nghi. Làm nghề dịch vụ khó cả với những người được đào tạo bài bản, huống hồ là với bà con “hai tay hai súng,” vừa làm nông vừa tranh thủ làm du lịch.

Bỡ ngỡ nào rồi cũng qua, phụ nữ Thái ở bản Dọi, bản Vặt giờ trưởng thành nhiều, đã tự tin mời rượu và chuyện trò rôm rả với du khách chứ chẳng né tránh, kiệm lời như trước. Các cô cũng tự hoàn thiện kỹ năng mỗi ngày bởi thấy rõ nguồn thu từ du lịch hơn hẳn làm nông. Nhưng để có được tinh thần và thành quả ấy, ngoài nỗ lực, họ vẫn cần “thủ lĩnh” là những “người hùng” thầm lặng dẫn dắt và đồng hành.