Lần đầu tiên diễn ra buổi giao lưu giữa các nữ Tổng biên tập tại Hội báo toàn quốc 2018

BVR&MT – Ngày 17/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2018, lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Báo chí và Bộ Thông tin truyền thông tổ chức “Giao lưu các nữ Tổng biên tập và tặng quà gia đình các nữ nhà báo liệt sỹ” với sự tham gia của nhiều nữ Tổng biên tập các báo.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trao đổi, chia sẻ cùng các nữ Tổng biên tập trong buổi giao lưu.

Tại buổi giao lưu, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết hiện nay trong số 825 cơ quan báo chí chỉ có 86 Tổng biên tập là nữ, trong khi số lượng nhà báo, phóng viên, biên tập viên là nữ ở các cơ quan báo chí không dưới 50%. Họ không chỉ chịu áp lực trong công việc, mà còn mang trên vai vô vàn trách nhiệm cũng như phải làm tròn thiên chức đáng quý của người phụ nữ. Để trở thành người đứng đầu cơ quan báo chí, các nữ tổng biên tập lại càng phải nỗ lực nhiều hơn để cân bằng, dung hòa giữa công việc và gia đình. Hơn nữa, do xã hội hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại nhiều quan điểm bất bình đẳng đối với phụ nữ, do đó những định kiến về phụ nữ làm lãnh đạo vẫn là những rào cản đối với các chị em. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê và bản lĩnh nghề nghiệp, những nhà báo nữ vẫn đang ngày một khẳng định khả năng cũng như vị trí của mình trên cương vị lãnh đạo.

Cũng theo ông, báo chí có tác động mạnh mẽ đến dư luận với khoảng một nửa dân số Việt Nam là nữ giới. Chính vì vậy, những vấn đề được báo chí phản ánh dưới góc nhìn của các nhà báo nữ có thể được phân tích kỹ càng với sự thấu hiểu của công chúng nữ, có thêm tiếng nói của mọi tầng lớp trong xã hội là nữ. “Điều này sẽ tạo nên một nền báo chí là diễn đàn của nhân dân, vì sự phát triển tiến bộ và dân chủ của xã hội”.

Trao đổi về những cơ hội và thách thức đối với nữ lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo Nguyễn Thục Hạnh, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, trong thời điểm hiện nay, dù là nam hay nữ, tổng biên tập vẫn đang gặp thách thức nhiều hơn cơ hội, đặc biệt là với những tòa soạn tự chủ 100%. Ngoài đòi hỏi cập nhật liên tục các dòng thông tin, định vị cách xử lý và triển khai thông tin sao cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích mà vẫn hấp dẫn bạn đọc, tổng biên tập còn gặp thách thức khốc liệt trong kỹ năng quản trị kinh doanh, quản trị con người. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư, hỗ trợ phát triển cho các chị em là nữ Tổng biên tập như mở các lớp đào tạo riêng góp phần thúc đẩy kỹ năng, nâng cao trình độ cho các chị em.

Nhà báo Nguyễn Thùy Dương – Tổng biên tập Tạp chí Thương Gia khẳng định, hãy trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ.

Nói về vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực báo chí để mở thêm cơ hội cho nhà báo nữ, phóng viên nữ, nhà báo Nguyễn Thùy Dương – Tổng biên tập Tạp chí Thương Gia khẳng định, hãy trao quyền cho phụ nữ để họ có thêm cơ hội thể hiện tài năng. Họ là những người có đam mê, lòng yêu nghề và sức mạnh không thua kém bất cứ ai nên khi được trao quyền, họ nhất định sẽ tỏa sáng.

Trong xã hội hiện nay, ít nhiều vẫn còn tồn tại một số quan điểm bất bình đẳng với phụ nữ. Để trở thành nữ Tổng biên tập chèo lái con thuyền của một cơ quan báo chí trong thời đại hội nhập với sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các nhà báo nữ phải có niềm đam mê lớn lao, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Nhà báo Nguyễn Thùy Dương, Tổng biên tập Tạp chí Thương gia chạnh lòng: “Nếu các anh làm việc muộn, chắc chắn sẽ nhận được từ người vợ của mình một ly nước cam hoặc một ly sinh tố. Nhưng nếu phụ nữ chúng tôi làm việc muộn, chắc không nhiều người nhận được sự quan tâm như vậy”.

Cùng với đó, buổi giao lưu cũng tập trung trao đổi, thảo luận vào các nội dung quan trọng khác như: Vai trò của nữ lãnh đạo trong xu thế toàn cầu hóa; những cơ hội và thách thức đối với các nữ lãnh đạo trong các cơ quan báo chí; một số đề xuất để tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong các cơ quan báo chí…

Với những giá trị và vai trò quan trọng như vậy, có thể thấy việc các nữ nhà báo, nữ phóng viên có thể trở thành các nữ tổng biên tập, phần nào thúc đẩy họ tạo nên các giá trị và lan tỏa các giá trị đó vào xã hội chính là điều hoàn toàn cần thiết để phát triển toàn diện nền báo chí. Trao đổi về vấn đề này, nhiều nữ tổng biên tập của các tờ báo trên địa bàn Thủ đô đã bày tỏ góc nhìn đa chiều và sâu sắc.

Ban tổ chức tặng quà tri ân cho thân nhân gia đình các nhà báo – liệt sĩ đã hi sinh.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã trao quà tri ân cho thân nhân gia đình 8 nhà báo liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.

Thạch Thảo