Làm thế nào để Vành đai – Con đường bảo vệ đa dạng sinh học tốt hơn?

BVR&MT – Trước những tác động bất lợi của các dự án cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), giới chuyên gia kêu gọi BRI cần đầu tư nhiều hơn cho nhiệm vụ bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Năm 1939, một quần thể đười ươi được phát hiện trong rừng rậm Batang Toru ở phía nam Tapanuli thuộc đảo Sumatra. Chúng được cho là đười ươi Sumatra nhưng năm 2017, giới khoa học nhận ra đó là loài hoàn toàn mới: đười ươi Tapanuli.

Đười ươi Tapanuli cực kỳ nguy cấp ở rừng Batang Toru trên đảo Sumatra. (Ảnh: Andrew Walmsley/Alamy)

Trước đó 5 năm, vào năm 2012, Indonesia tuyên bố xây dựng một dự án thủy điện trị giá 1,6 tỷ đô la trên sông Batang Toru. Một vài khu rừng bản đại đã bị chặt hạ để phục vụ dự án (dự kiến hoàn thành năm 2022), đẩy quẩn thể đười ươi Tapanuli vốn cực kỳ nguy cấp do sinh cảnh bị phân mảnh vào tình trạng sụt giảm nghiêm trọng. Tháng 6/2018, 25 nhà môi trường hàng đầu kêu gọi tổng thống Indonesia Joko Widodo dừng dự án.

Các định chế tài chính Trung Quốc có vai trò quan trọng với dự án Batang Toru – một phần của BRI. Và đây chỉ là một ví dụ về tác động BRI lên đa dạng sinh học ở Đông Nam Á được nêu lên trong nghiên cứu mới được các nhà khoa học Malaysia, Myanmar, Australia, Trung Quốc, Anh và Mỹ công bố trên chuyên san Biological Conservation. Dựa trên những phát hiện, các nhà nghiên cứu kêu gọi khâu lập kế hoạch cho BRI phải tính tới việc kết nối các hệ sinh thái bằng cách tạo ra các “hành lang sinh thái” cho những loài động thực vật bị cô lập.

Giảm áp lực lên đa dạng sinh học

Đông Nam Á là khu vực giàu đa dạng sinh học, là nơi sinh sống của nhiều loài độc nhất vô nhị, có tới 4/34 “điểm nóng đa dạng sinh học” của thế giới.

Nghiên cứu trên Biological Conservation chỉ ra rằng xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là “cơ sở hạ tầng tuyến tính” như đường bộ và đường sắt thường gây hại hoặc phá hủy sinh cảnh của động thực vật xung quanh khu vực xây dựng. Các công trình này phân mảnh sinh cảnh, chia rẽ và cô lập các quần thể, đôi khi dẫn đến sự suy giảm hoặc biến mất của loài. Tệ hơn nữa, đường bộ và đường sắt khiến cho việc săn trộm và khai thác tài nguyên trái phép dễ dàng hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các loài xâm lấn xuất hiện nhiều hơn. Tình trạng động vật chết do tai nạn, chẳng hạn như khi băng qua đường cũng trở nên thường xuyên hơn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện những dự án đường bộ và đường sắt BRI (bao gồm cả xây dựng mới và nâng cấp) cắt qua 21 khu bảo tồn ở lục địa Đông Nam Á và một nửa trong số này được bảo vệ vì tính đa dạng sinh học.

Một phần tuyến đường sắt đang được xây dựng ở Bắc Lào. Dự án này thuộc sáng kiến BRI nhằm kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á. (Ảnh: Kaikeo Saiyasane/Alamy)

Các tuyến đường sắt có tác động lớn nhất, ảnh hưởng đến 8/21 các khu bảo tồn đó. Các tuyến đường sắt mới thường được xây dựng ở những vùng chưa mấy phát triển nên đe dọa lớn hơn tới đa dạng sinh học. Một số khu rừng nguyên sinh còn sót lại của Đông Nam Á đang bị đường bộ và đường sắt đã được quy hoạch hoặc đang xây dựng đe dọa, đơn cử như Di sản thế giới khu phức hợp rừng Dong Phayayen-Khao Yai của Thái Lan chỉ cách cơ sở hạ tầng tuyến tính BRI chưa đầy 25 km.

Con số 25 km không phải ngẫu nhiên. Các nhà nghiên cứu đánh giá tác động từ dự án trong bốn khoảng cách: 1 km, 5 km, 25 km và 50 km. Họ phát hiện ra rằng trong phạm vi 25 km, khả năng bị săn trộm, tử vong do tai nạn, ô nhiễm tiếng ồn và phá hủy sinh cảnh cao hơn, tác động cũng gia tăng khi ở gần địa điểm dự án.

Theo nghiên cứu, 126 khu bảo tồn Đông Nam Á nằm trong bán kính 25 km của các dự án đường bộ và đường sắt BRI, có nghĩa là bao gồm 83% động vật có vú, 78% các loài chim, 53% động vật lưỡng cư và 52% bò sát nguy cấp trong khu vực.

Tin tức không khả quan hơn ở biển – nơi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các tuyến đường vận chuyển BRI có thể gây tác động hủy diệt trong bán kính rộng hơn 50 km. 20 khu bảo tồn và 16 khu đa dạng sinh học quan trọng bị ảnh hưởng.

Mặc dù hứa hẹn phát triển kinh tế từ các dự án BRI thường được hoan nghênh nhưng rõ ràng giảm thiểu tác động và bảo vệ hệ sinh thái là vấn đề cấp thiết đối với tất cả các bên tham gia.

Xây dựng các hành lang sinh thái

Một cách tiếp cận khả thi là tăng vốn cho các dự án BRI để chi thêm vào “cơ sở hạ tầng sinh thái” và điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động.

Lí Bân Bân thuộc Trung tâm nghiên cứu môi trường, Đại học Duke Côn Sơn và là một trong những tác giả nghiên cứu chỉ rõ: “Có rất nhiều loại cơ sở hạ tầng sinh thái. Ví dụ nếu đang xây dựng một con đường, bạn có thể tạo một hành lang sinh thái hoặc thiết lập các trạm giám sát đa dạng sinh học cho phép đánh giá tốt hơn tác động của việc xây dựng đang diễn ra”.

“Những thứ này cần đầu tư. Có thêm đầu tư, chúng ta có thể chuyển việc xây dựng cơ sở hạ tầng từ chỗ chỉ tập trung khía cạnh kinh tế sang bền vững và xanh hơn. Khi thiết kế cơ sở hạ tầng, chúng ta phải xem xét tính toàn vẹn của các hệ sinh thái và bảo vệ các loài đặc hữu hoặc nguy cấp bằng cách thực hiện những việc như thiết kế hành lang cho phép các loài di chuyển. Những điều này nên là một phần của giai đoạn lập kế hoạch bởi khi này, việc cân nhắc tránh các vị trí trọng yếu còn dễ dàng”.

Một gia đình voi châu Á ở rìa VQG Khao Yai tại Thái Lan. Đa dạng sinh học ở đây bị một dự án đường sắt thuộc BRI đe dọa. (Ảnh: Fahroni/Alamy)

Năm 2016, Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc về môi trường kêu gọi xây dựng các hành lang sinh thái cũng như mạng lưới bảo vệ đa dạng sinh học để thúc đẩy sự ổn định và “dịch vụ sinh thái” từ các kiểu hệ sinh thái khác nhau. Tháng 8/2020, Hội đồng Hợp tác quốc tế về Môi trường và Phát triển Trung Quốc (CICCED) đưa ra một loạt đề xuất chính sách cho chính phủ, gợi ý rằng nên đưa các mục tiêu về hành lang sinh thái (dựa trên ranh giới đỏ sinh thái và các khu bảo tồn) vào khuôn khổ sau năm 2020 của Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học. Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 15 của các Bên tham gia công ước này vào năm 2021.

Đầu tư tài chính tốt hơn

Đưa vào các biện pháp như hành lang sinh thái khi quy hoạch cơ sở hạ tầng sẽ làm tăng chi phí. Do đó, điều cốt yếu là đảm bảo các nhà phát triển sẵn lòng và có thể chịu thêm chi phí.

Bạch Tôn Văn, Giám đốc tổ chức Greenovation Hub chuyên theo dõi các chủ đề đầu tư và tài chính xanh nói rằng các biện pháp như hành lang sinh thái có thể mang lại lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội lớn đến mức chúng là những khoản đầu tư đáng được thực hiện. Khi các dự án áp dụng những biện pháp này nhưng phải đối mặt với tình trạng thị trường cạnh tranh khiến việc tăng thêm chi phí không thể thực hiện thì có thể áp dụng phương pháp tài chính kết hợp, với tài chính phát triển hoặc tài chính thiện nguyện được thêm vào đầu tư thương mại thông thường.

Hiện Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) đều thiết lập các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội, trong khi đó các tổ chức tài chính Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm trong các lĩnh vực này và cần phải bắt kịp.

“Hầu như tất cả các ngân hàng lớn của Trung Quốc đều đã thiết lập quy trình thẩm định môi trường nhưng họ chủ yếu dựa vào đánh giá tác động môi trường truyền thống và không có khả năng xác định hoặc quản lý rủi ro môi trường xuyên biên giới, liên ngành và dài hạn. Các tổ chức tài chính đa phương và tổ chức quốc tế có rất nhiều công cụ để xác định rủi ro đa dạng sinh học trong khu vực nhưng nói chung các ngân hàng Trung Quốc không sử dụng những công cụ này”, theo Bạch Tôn Văn.

Một ví dụ rõ ràng về việc thiếu quan tâm đến các rủi ro môi trường lớn hơn là dự án thủy điện Batang Toru gây ra rất nhiều tranh cãi ở cả Indonesia và nước ngoài. Tháng 3/2019, Ngân hàng Trung Quốc tuyên bố thể theo quan tâm của các nhóm môi trường, ngân hàng sẽ “đánh giá dự án rất cẩn thận và đưa ra quyết định thận trọng bằng cách xem xét hợp lý việc thúc đẩy tài chính xanh, thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như việc tuân thủ các nguyên tắc thương mại”.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc ban hành một số văn bản về xây dựng “BRI xanh” nhưng hầu hết chỉ là hướng dẫn, không mang tính ràng buộc và cũng không đủ cụ thể để thực hiện được. Ví dụ, một tài liệu năm 2017 về BRI xanh ba lần đề cập đến bảo vệ đa dạng sinh học nhưng không đưa ra các biện pháp cụ thể. Vấn đề tương tự xảy ra trong các tài liệu khác về quản lý các khoản đầu tư của doanh nghiệp ở nước ngoài, về tín dụng xanh và về bảo vệ môi trường trong đầu tư ra nước ngoài. Ngôn ngữ mơ hồ về điều gì “nên” và điều gì được “khuyến khích” hoặc “tập trung vào” khiến chính phủ không thể giám sát.

Sa giông Shan – loài mới được các nhà khoa học Nhật và Trung Quốc phát hiện ở Myanmar. (Ảnh: Alamy)

Theo Bạch Tôn Văn, “những tài liệu này vô dụng” và “chính sách và hướng dẫn hiện tại không mang tính ràng buộc đối với các tổ chức và công ty, cũng không có biện pháp trừng phạt nào đối với hành vi vi phạm”. Các công ty Trung Quốc rất nhạy cảm với chính sách và việc thực hiện các chính sách hiện có sẽ là một cách quan trọng để thúc đẩy bảo vệ đa dạng sinh học ở các quốc gia BRI.

Hợp tác khoa học

Dẫu đa dạng sinh học có thể bị bỏ qua trong hoạt động tài chính ở nước ngoài của Trung Quốc, nước này đang tham gia hợp tác khoa học với các nước Đông Nam Á. Viện Khoa học Trung Quốc thành lập một số chi nhánh ở nước ngoài về bảo vệ đa dạng sinh học, chẳng hạn như Viện nghiên cứu đa dạng sinh học Đông Nam Á.

Viện này do Vườn thực vật nhiệt đới Tây Song Bản Nạp điều hành, ban đầu được thành lập tại Myanmar vào tháng 10/2016, hiện có chi nhánh tại Vientiane, Lào. Viện đã thực hiện một số cuộc điều tra chung ở lục địa Đông Nam Á (bao gồm Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Lào) và phát hiện hơn 150 loài mới.

Nghiên cứu về hệ động thực vật của các quốc gia Đông Nam Á thường bị hạn chế do nền kinh tế kém phát triển, thiếu công nghệ và thiếu các nhà khoa học chuyên sâu đa dạng sinh học. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc cấp học bổng cho các sinh viên tài năng từ các quốc gia BRI theo học lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Học viện Khoa học Trung Quốc.

Lí Bân Bân hoan nghênh các biện pháp này của Viện Khoa học Trung Quốc: “Tôi muốn thấy nhiều điều tương tự xảy ra hơn. Nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện ở Đông Nam Á, nơi mọi thứ bắt đầu muộn hơn ở Mỹ và châu Âu. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc ở đó và hợp tác với các nhà nghiên cứu địa phương. Dữ liệu thực tế sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc”.

Thế Anh (Theo chinadialogue)