Lâm Hà – Lâm Đồng: Yếu tố then chốt trong xây dựng NTM

BVR&MT – Xác định xây dựng Nông thôn mới là mục tiêu để phát triển, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cao và động viên tinh thần của toàn xã hội đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Lâm Hà là huyện miền núi nằm ở phía Tây – Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng được thành lập theo Quyết định số 157 /QĐ- HĐBT ngày 24/10/1987 của Hội đồng Bộ trưởng. Trong hơn 10 năm qua, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Lâm Hà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với kinh tế xã hội phát triển toàn diện, hạ tầng giao thông, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày được nâng lên, tạo nên diện mạo, sức sống mới. 

Mô hình sản xuất hoa công nghệ cao, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Lâm Hà thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các Sở, Ban, ngành của tỉnh. Ở địa phương với nỗ lưc, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tham gia tích cực của các đoàn thể, sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn, chủ động thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ở các xã đã tạo ra sự đồng bộ, rộng khắp. Quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ, phát huy được sự đồng thuận cao cũng như vai trò chủ thể của nhân dân. Nhận thức của phần lớn cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM có sự thay đổi và chuyển biến rõ rệt, dân chủ cơ sở được nâng cao, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được khẳng định, qua đó đã phát huy, sáng tạo được nhiều cách làm hay, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM.

Trong quá trình xây dựng NTM, đối với công tác thông tin tuyên truyền được huyện Lâm Hà đặc biệt quan tâm, là yếu tố, cơ sở để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch đề ra. Góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, sự quan tâm của nhân dân cũng như cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn huyện về chương trình xây dựng NTM, tất cả các xã đều đã phát động Phong trào thi đua xây dựng NTM, với các khẩu hiệu như: “Cùng cả nước, huyện Lâm hà chung sức xây dựng NTM”, “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”,… Các ngành chức năng của huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, thông qua các hội nghị, cuộc họp khu dân cư trên 3.900 đợt, với 200.000 lượt người tham gia, phát hành hơn 10.000 tờ rơi tuyên truyền, tổ chức 14 hội thảo. Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Lâm Hà thường xuyên đưa tin, tuyên truyền về xây dựng NTM với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, nêu gương người tốt, việc tốt trong quá trình thực hiện như tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, các công trình công cộng khác, các mô hình, gương điển hình về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Năm 2014 huyện Lâm Hà vinh dự được Bộ GTVT tặng cờ lưu niệm “Đơn vị xuất sắc trong phát triển giao thông nông thôn miền núi”.

Niềm vui thu hoạch cà phê của người dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Trong 10 năm qua, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đóng góp trên 88.600 ngày công, 261,549 tỷ đồng, hiến trên 15.000 m2 đất để xây dựng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình phúc lợi xã hội khác. Đã vận động với số tiền 14.089 triệu đồng, sửa chữa 117 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất 4.184 triệu đồng, hỗ trợ 30 hộ tại 04 thôn đồng bào dân tộc thiểu số xã Mê Linh trên 100 triệu đồng triển khai thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, hướng dẫn mặt trận cấp cơ sở phối hợp xây dựng 243 mô hình trong xây dựng NTM tại địa bàn dân cư, trong đó có 166 mô hình bảo vệ môi trường, 22 mô hình ANTT, 36 mô hình phát triển kinh tế, 08 mô hình xây dựng đời sống văn hóa, 08 mô hình GTNT, 03 mô hình chấp hành pháp luật… Đối với công tác đào tạo, tập huấn được quan tâm, trong gia đoạn 2010 – 2020 Văn phòng điều phối Chương trình NTM của huyện tham mưu ban chỉ đạo huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chương trình xây dựng NTM cho cán bộ 14/14 xã triển khai, các nội dung về phát triển sản xuất, các cơ chế, chính sách mới về NTM, hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, hỗ trợ và phát triển kinh tế tập thể.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020, theo ghi nhận kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM trên địa bàn huyện với tổng kinh phí là 4.953,957 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương : 147,721 tỷ đồng, chiếm 2,98 %, ngân sách tỉnh 333,155 tỷ đồng, chiếm 6,70 %, nhân dân đóng góp 261,549 tỷ đồng, chiếm 5,28 %, vốn huy động từ nguồn khác (Thành phố Hà Nội và các quận, huyện) :144,709 tỷ đồng, chiếm 2,92 % …. Nhìn chung nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM được phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc và nguồn lực chủ yếu trong đầu tư, hỗ trợ các xã thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ngân sách cấp huyên ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, hệ thống điện nông thôn, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa xã. Đến nay số xã được công nhận đạt chuẩn NTM ; 14 /14 xã , một số tiêu chí đạt và vượt yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới như: Đường giao thông nông thôn trục thôn các xã được bê tông hóa 167 km/183,5 km, đạt 91,01 %/ 70 % yêu cầu, các đường ngõ xóm bê tông hóa, cấp phối sỏi đồi : 671,6/897,9 km, đạt 74,8 /50 % yêu cầu của tiêu chí. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ nhiều nguồn vốn đạt 99 % so với yêu cầu tiêu chí là trên 98%. Trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từ bậc học Mầm non đến THCS 51/60 trường đạt 85,5% so với yêu cầu tiêu chí 70 %,thu nhập bình quân đầu người đạt 44,48 triệu đồng/ năm, lớn hơn 3,48 triệu đồng so với yêu cầu tiêu chí: 41 triệu đồng/người/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,68% so với yêu cầu tiêu chí là dưới 7% , tỷ lệ người có việc làm thường xuyên/ tổng số người trong độ tuổi lao động là 94,44/ 90% yêu cầu về tiêu chí.

Sản phẩm quýt đường canh mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Trong cuối năm 2020, Lâm Hà đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện Lâm Hà đạt chuẩn NTM, xã Tân Hà đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Gia Lâm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện nay, Lâm Hà đang nỗ lực huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn, giữ vững 14/14 xã đạt chuẩn NTM, 02/02 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 96% thôn, tổ dân phố văn hóa, 100% cơ quan, đơn vị đạt cơ quan văn hóa, trên 9 % hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.

Lê Hồng