BVR&MT – Huyện Biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai được ví như mảnh đất “Trường Sa cạn” vì hầu như các xã ở đây đều thiếu nước sinh hoạt và phát triển nông nghiệp. Trước những khó khăn ấy người dân địa phương tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có việc phát triển cây quýt, bước đầu giúp một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên cương này thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Đến thăm mô hình trồng quýt của hộ gia đình anh Tráng Lền Bình dân tộc Pa Dí ở thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, (Mường Khương – Lào Cai) những ngày này mới thấy rõ sự phấn khởi hiện hữu trên khuôn mặt người nông dân khi thành quả của họ được đơm hoa, kết trái. Gắn bó với nghề trồng Quýt hơn 7 năm nay, gia đình anh đã trồng gần 6.000 gốc quýt ngọt, thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 – 200 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tráng Lền Bình cho biết, trước đây gia đình anh chỉ trồng lúa, trồng ngô và chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao, làm cũng chỉ đủ ăn không có dư dật, cuộc sống lúc đó rất khó khăn. Quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, năm 2010 từ bạn bè và học hỏi bên ngoài anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng (từ trồng ngô, lúa sang trồng quýt). Có ít vốn tích góp được, anh đã đầu tư trồng 1.600 cây quýt ngọt, sau ba năm dày công chăm sóc cây đã bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên nhưng hiệu quả không cao vì kỹ thuật chăm sóc chưa được tốt, anh vẫn không nản lòng và tiếp tục tìm tòi học hỏi về kỹ thuật chăm sóc quýt. Đúng là không phụ người trồng, vụ thu hoạch thứ hai anh đã thu về được 40 triệu đồng. Chưa dừng ở đó, anh tiếp tục tìm hiểu về kỹ thuật trồng quýt để đem lại hiệu quả cao nhất, sau những năm tiếp theo cả vườn quýt của anh cây nào cũng sai trĩu quả, thu nhập tăng lên từ 100 – 200 triệu đồng/năm.
Nhận thấy cây quýt đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương, anh Bình tiếp tục nhân rộng mô hình vườn quýt của gia đình mình. Năm 2016 anh đầu tư trồng thêm 4.000 cây quýt ngọt trên đất đồi, anh ước tính sau khi thu hoạch gia đình anh sẽ tăng lên khoảng 400 – 500 triệu đồng/năm.
Hoa quả sạch hiện nay luôn được người tiêu dùng quan tâm, bởi vậy anh Bình cũng đặc biệt chú trọng tới chất lượng của sản phẩm mà gia đình anh làm ra. Nhờ linh hoạt trong, tìm tòi học hỏi cũng như chăm sóc có kỹ thuật, cây quýt của gia đình anh đều sai quả, chất lượng tốt, được mọi người và khách du lịch qua địa phương ưa chuộng. “Vào đầu mùa quýt năm nay, tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các khách hàng trong tỉnh và ngoài tỉnh như Hà Nội, Đắk Nông, Lâm Đồng…. Vườn quýt cũng được rất nhiều du khách ghé qua thăm” anh Bình vui vẻ chia sẻ.
“Trồng cho cây sống thì ai cũng làm được nhưng để cây phát triển tốt, cho quả to, mọng nước, vị ngọt, múi không bị khô, sượng đòi hỏi người trồng phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc từ khâu chọn giống, làm đất, trồng, vun gốc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng thời điểm, liều lượng, ngừa bệnh, sử dụng phân bón sinh học vừa tốt cho đất, hạn chế sâu bệnh hại”, chị Pờ Chín Hương (vợ anh Bình) chia sẻ kinh nghiệm trồng quýt.
Ngoài thành công từ mô hình trồng quýt ngọt, mới đây anh cũng đầu tư trồng hơn 100 gốc ổi Đài Loan, bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, cây lớn nhanh, sai quả, quả to mẫu mã đẹp.
Để có thành quả như ngày hôm nay, Người nông dân trồng quýt như hộ gia đình anh Tráng Lền Bình đã phải cố gắng, kiên trì vượt qua những khó khăn, không ngừng nghỉ tìm tòi học hỏi, lao động miệt mài, tất cả được đánh đổi bằng mồ hôi công sức mà có.
Năng động, sáng tạo, nhạy bén trong sản xuất, thành công nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của hộ gia đình anh Tráng Lền Bình xứng đáng là tấm gương sáng để bà con trong thôn, trong xã học tập và làm theo.
Ông Phạm Xuân Thịnh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Khương cho biết, cây quýt là cây đã được đưa vào quy hoạch là cây trồng của huyện, được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Thanh Bình, Tung Trung Phố, Tả Ngài Chồ và thị trấn Mường Khương. Hiện tại diện tích quýt trên địa bàn huyện là 348 ha, trong đó diện tích quýt cho thu hoạch là 88 ha, năng suất bình quân đạt từ 10-12 tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 16-18 tấn/ha, giá bán trung bình là 20 nghình đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cũng theo ông Thịnh, tới đây (11/11), huyện Mường khương sẽ tổ chức Lễ hội “Quýt Mường Khương” và đồng thời nhận nhãn hiệu “Quýt Mường Khương”.
Chiến Hữu – Hoàng Chất