Làm giàu bằng liên kết, ứng dụng công nghệ mới

BVR&MT – Nhờ có mối liên kết chặt chẽ, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhiều hộ dân ở các vùng đất cằn sỏi đá như Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Bình, Ninh Bình… hay khu vực miền trung, Tây Nguyên đã có thu nhập cao, vươn lên làm giàu.

Đại diện doanh nghiệp kiểm tra mô hình trồng dứa liên kết tại xã Quang Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình).

Thu nhập tiền tỷ

Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trồng dứa liên kết sản xuất với nông dân tại đội Khe Gồi, xã Quang Sơn, TP Tam Ðiệp (Ninh Bình), Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (Công ty Ðồng Giao) Phạm Ngọc Thành chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, diện tích đất đồi cằn cỗi tại đây đã được phủ xanh bằng những cánh đồng trồng dứa. Từ việc liên kết trồng dứa với công ty, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng sau mỗi vụ thu hoạch”. Tại đội sản xuất Khe Gồi, xã Quang Sơn, anh Nguyễn Văn Giang phấn khởi cho biết, năm nay người dân trong xã lại thêm một mùa dứa bội thu nữa. Hiện nay, gia đình tôi trồng 10 ha dứa với hai giống chủ đạo là Cayen và Queen, tất cả đều liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Từ nhiều năm trở lại đây, do áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật từ khâu làm đất, nhân giống, chăm sóc và thu hái cho nên sản lượng và chất lượng dứa ngày càng nâng lên. Vụ dứa chính năm nay, gia đình anh Giang thu hoạch được vài trăm tấn dứa các loại để bán cho công ty. Trừ chi phí, mỗi héc-ta cho thu nhập từ 130 đến 140 triệu đồng/vụ. Với vùng đồi núi tại Quang Sơn, không có cây trồng nào phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây dứa. Có thời điểm giá dứa thị trường rớt mạnh, công ty vẫn thu mua với giá trong hợp đồng cam kết, thậm chí hỗ trợ thêm cho nông dân để bù vào chi phí sản xuất.

Ngoài phát triển mạnh cây dứa mang lại thu nhập cao cho người dân ở nhiều địa phương, hiện nay, Công ty Ðồng Giao cũng đang tập trung sản xuất, mở rộng liên kết những loại cây trồng khác như chanh leo, chuối, rau chân vịt… Theo thống kê, sau khi hợp tác sản xuất với doanh nghiệp, giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta các loại cây trồng đã tăng lên đáng kể. Theo đó, một héc-ta trồng chanh leo đạt doanh thu 800 triệu đồng với mức chi phí 101 triệu đồng đạt lợi nhuận gần 700 triệu đồng, gấp 16 lần so trồng lúa; trồng dứa Cayen, doanh thu 430 triệu đồng , chi phí sản xuất 125 triệu đồng, lợi nhuận 305 triệu đồng, gấp bảy lần trồng lúa; rau chân vịt doanh thu 600 triệu đồng, chi phí sản xuất 334 triệu đồng, lợi nhuận 265 triệu đồng, gấp sáu lần trồng lúa; chuối doanh thu 280 triệu đồng, chi phí sản xuất hơn 80 triệu đồng, lợi nhuận gần 200 triệu đồng, gấp năm lần trồng lúa…

Mở rộng liên kết

Nhiều công ty rau, củ, quả đang khẳng định được vị thế của mình qua mở rộng sản xuất, liên kết với nông dân giúp người dân làm giàu ngay chính trên những mảnh đất khó khăn canh tác. Thí dụ, Công ty Ðồng Giao đã xây dựng mô hình tương đối hoàn chỉnh với chuỗi cung ứng khép kín từ khâu nguyên liệu, thu mua, chế biến, đến kinh doanh sản xuất trong và ngoài nước. Công ty có diện tích quản lý và canh tác là 3.420 ha; số công nhân ký hợp đồng giao khoán là 1.570 người; hệ thống tưới tiêu tự động là 500 ha. Các cây trồng chính là dứa với 3.350 ha, chanh leo (50 ha), gấc (13 ha), vải (7 ha). Ngoài ra, vùng nguyên liệu hợp tác phát triển với diện tích 3.500 ha với 62 hợp tác xã (HTX). Vùng nguyên liệu hợp tác tiêu thụ với diện tích 6.750 ha, số đơn vị hợp tác là 16 tổ chức. Trong đó, với vùng nguyên liệu hợp tác, công ty sẽ đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi giám sát quá trình phát triển và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó, các HTX sẽ thực hiện quy hoạch đồng ruộng và cây trồng theo cam kết với công ty; thực hiện chăm sóc, trồng trọt cây trồng theo đúng quy trình; cung cấp sản phẩm theo đúng hợp đồng đã ký. Các vùng nguyên liệu hợp tác của công ty là Hà Giang với chanh leo, dứa; Sơn La với chanh leo, mơ, xoài; Hải Dương là gấc, vải; Bắc Giang là vải; Nghệ An là ngô ngọt, đậu tương rau; Thái Bình với ngô ngọt, đậu, rau chân vịt; Thanh Hóa là ngô ngọt, rau chân vịt; khu vực Tây Nguyên là bơ, chanh leo,
sầu riêng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, dứa là cây trồng truyền thống của người dân trên địa bàn với hàng trăm héc-ta, tập trung chủ yếu ở huyện Ða Krông. Tuy nhiên, do người dân trồng quảng canh, chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật về giống, phân bón, chăm sóc cho nên năng suất, chất lượng đạt thấp. Việc trồng dứa chưa có liên kết sản xuất, tiêu thụ nên hiệu quả chưa cao. Ðể nâng giá trị loại cây trồng này, tỉnh đã liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng chồi giống dứa, phân bón cho nông dân và khấu trừ tiền sau khi thu mua sản phẩm. Ðến nay, Quảng Trị có hơn 144 ha dứa trồng theo hình thức liên kết, một số diện tích đã cho thu hoạch.