Lâm Đồng từ chối dự án trồng 350ha dược liệu trên đất rừng

BVR&MT – Với đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Địa ốc Phú Đông thực hiện dự án trồng dược liệu dưới tán rừng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng bị yêu cầu ‘nghiêm túc rút kinh nghiệm’.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (Công ty Địa ốc Phú Đông) thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Công ty Địa ốc Phú Đông xin đầu tư dự án Quản lý bảo vệ rừng kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Lâm Hà.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị từ Công ty Địa ốc Phú Đông, Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo thẩm định ngày 18/5 gửi UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu đầu tư cho doanh nghiệp này.

Sau cuộc họp của tập thể lãnh đạo, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất từ nay trở đi tỉnh không xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp nếu không thuộc danh mục thu hút đầu tư đã công bố.

Một khoảnh rừng thông ba lá tại xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. (Ảnh: Đoàn Kiên)

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc cho nhà đầu tư thuê rừng và đất lâm nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, quản lý sử dụng tài sản công và lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, đấu giá theo quy định.

Bên cạnh đó, việc ưu đãi đầu tư phải áp dụng đúng quy định của pháp luật, phù hợp với danh mục thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư của tỉnh.

Công ty Địa ốc Phú Đông được biết đến là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản tại tỉnh Bình Dương.

Theo tìm hiểu của PV VietnamNet, dự án do công ty này xin đầu tư có quy mô 350ha, thuộc một phần tiểu khu 263A, xã Mê Linh và tiểu khu 263B, 270 thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.

Trong diện tích đất do Công ty Địa ốc Phú Đông đề xuất triển khai dự án có 90ha, là nơi sinh sống và canh tác nông nghiệp của khoảng 100 hộ dân, nằm rải rác.

Theo quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt điều chỉnh, tiểu khu 270 được định hướng quy hoạch là đất rừng sản xuất. Còn tại tiểu khu 263B là đất quy hoạch du lịch sinh thái.