Lâm Đồng: Phát huy hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

BVR&MT – Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một trong những thành tựu nổi bật nhất của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.  Trở thành một chính sách lớn, từng bước đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận lớn của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, nhân dân. Bắt đầu được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011, chi trả DVMTR chuyển hướng từ chỗ dựa vào ngân sách Nhà nước, sang huy động các nguồn vốn xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Tại Lâm Đồng, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thí điểm năm 2009 theo Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là một trong những chính sách quan trọng có bước đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của các chủ rừng và người dân.

Một điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường bằng tiền mặt của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng.

Sau hơn 10 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao như tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2022, chính sách chi trả tiền DVMTR  tại địa phương thu được chủ yếu từ 61 đơn vị. Trong đó gồm 43 nhà máy sản xuất thủy điện; 13 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch; 05 cơ sở sản xuất công nghiệp và 17 đơn vị kinh doanh du lịch. Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được từ 2009 – 2021 là 2.628 tỷ đồng, bình quân: 219 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, nguồn thu từ các nhà máy thủy điện chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 95% tổng thu, số tiền nộp vào ngân sách hàng năm trên 25 tỷ đồng/đơn vị như: Đa Nhim; Đại Ninh; Đồng Nai 4; Trị An; Hàm Thuận – Đa Mi…). Sau đó, đến các cơ sở sản xuất, cung ứng nước sạch chiếm 4,6%. Các đơn vị kinh doanh du lịch  và các cơ sở sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Cùng với đó, diện tích rừng cung ứng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm ước đạt 400.000 ha, chiếm hơn 73% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Với mức chi trả bình quân từ 550.000 – 650.000 đồng/ha/năm, từ năm 2011-2021, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng đã thanh toán cho các chủ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng là 2.126 tỷ đồng, chiếm trên 90% diện tích được chi trả.

Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Từ thực tiễn cho thấy, chính sách chi trả DVMTR là một trong những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung. Nhờ thực hiện một cách hiệu quả mà tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm đang ngày càng được hạn chế đến mức thấp nhất. Ngoài tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được hưởng hàng năm, đã hỗ trợ các đơn vị chủ rừng chủ động về nguồn tài chính, để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng như: chi cho công tác bảo vệ rừng, chi đầu tư lâm sinh, xây dựng các trạm quản lý bảo vệ rừng, chòi canh lửa, đường băng cản lửa, bảng tuyên truyền,… góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng. Công tác xã hội hóa nghề rừng nhờ đó cũng được đẩy mạnh, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhận tiền thông qua giao dịch điện tử.

Qua đó, có thể thấy rằng, nguồn thu từ DVMTR tiếp tục được xem là nguồn tài chính quan trọng để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng hiện có của Lâm Đồng gắn với nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa.

Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng phối hợp với Kiểm Lâm thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng.

Để công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đạt được hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục nghiên cứu chính sách và thông qua thực tiễn triển khai ở địa phương, phát hiện những tồn tại, bất cập từ phía chính sách và hướng dẫn thi hành để kịp thời phản ánh kiến nghị với Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp tình hình thực tế. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ chi trả DVMTR. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả  DVMTR sâu rộng đến người dân để người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình và sử dụng hiệu quả các nguồn tiền chi trả DVMTR, đảm bảo công khai, minh bạch…

Lê Hồng