Lâm Đồng kiên quyết thu hồi những dự án để mất rừng

BVR&MT – Mặc dù diện tích rừng và lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tại Lâm Đồng lại diễn biến ngày càng phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập biên bản 583 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có gần một nửa số vụ chưa phát hiện được đối tượng vi phạm, làm thiệt hại 39ha rừng và lâm sản thiệt hại 1.880m3. Tuy so với cùng kỳ năm ngoái, cả 3 mặt về số vụ, diện tích rừng và lâm sản bị thiệt hại đều giảm lần lượt là 3%, 21% và 45%, song tính chất các vụ phá rừng lại ngày càng phức tạp, tinh vi và liều lĩnh hơn.

Hiện trường một vụ phá rừng có quy mô lớn vừa xảy ra tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng
Hiện trường một vụ phá rừng có quy mô lớn vừa xảy ra tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, điểm nóng xảy ra phá rừng trong tỉnh tập trung tại địa bàn các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đam Rông và Lạc Dương, trong đó phần lớn diện tích rừng bị phá đã được giao cho các doanh nghiệp triển khai dự án.

Để chấn chỉnh tình trạng phá rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng, ngoài tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi các dự án để xảy ra mất rừng.

“Năm 2020 là năm đầy đau xót, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhiều vụ rất phức tạp, số vụ nổi cộm rất nhiều, thậm chí lấy gỗ về làm ngay tại nhà mình, cùng với đó là số vụ không phát hiện được đối tượng vi phạm tăng lên. Do đó, UBND tỉnh đã giao cho đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tất cả các dự án liên quan đến rừng, những doanh nghiệp nào để mất rừng thì tỉnh Lâm Đồng kiên quyết thu hồi”, ông Phạm S nói.

“Giải pháp trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong công tác tuần tra, quản lý, đặc biệt là phân công trách nhiệm đối với công tác quản lý bảo vệ rừng”, ông Phạm S cho biết thêm./.