Lâm Đồng: Kiểm tra vụ việc tự ý phá rừng quốc gia làm đường Trường Sơn Đông

BVR&MT – Ngày 14/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có Báo cáo số 33/BC-SNN về vụ việc xâm hại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà trong những ngày vừa qua.

Cận cảnh 1 vết đục trên thân cây. Ảnh (tư liệu): Quốc Hùng – Đặng Tuấn/TTXVN

Đây là vụ việc liên quan đến Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) tự ý mở đường Trường Sơn Đông, đoạn đi qua Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng giao Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, khám nghiệm hiện trường, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Báo cáo số 33 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Dự án đường Trường Sơn Đông được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tại Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 25/2/2005. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành các thủ tục để thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thi công tuyến đường đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn tự ý mở đường, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng trong khi đây là rừng đặc dụng, thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà.

Ngày 12/2/2022, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức kiểm tra hiện trường thi công đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa giới hành chính của huyện Lạc Dương. Kết quả kiểm tra cho thấy tổng chiều dài tuyến đường đã mở qua Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là 3.321m, bề rộng đường trung bình khoảng 4m. Trong đó, trong ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (ngoài quy hoạch lâm nghiệp) là 2.254m (2.254m x 4m = 9.016m2), nằm ngoài ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (thuộc đất rừng đặc dụng) là 1.067m (1.067m x 4m = 4.268m2).

Ngoài ra có 2 vị trí san ủi khác để làm mố cầu, làm đường với tổng diện tích 8.300m2, gồm trong ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (quy hoạch ngoài lâm nghiệp) là 7.300m2 và ngoài ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (thuộc đất rừng đặc dụng) là 1.000m2.

Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, hiện trường đã bị đào bới, san lấp, rà sửa và đã hình thành tuyến đường xuyên qua Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. Mức độ thiệt hại về rừng là 100%. Dọc theo tuyến đường, hiện nay chỉ còn lại rải rác một số cây rừng bị san ủi, múc bật gốc, bị đất đá san lấp bên mép đường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã tự ý mở đường qua Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chưa có quyết định cấp phép khai thác tận dụng lâm sản của cơ quan có thẩm quyền là không đúng quy định. Quá trình thi công (tự ý mở đường), Ban Quản lý dự án 46 đã thi công ra ngoài phạm vi, ranh giới thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng trên diện tích đã chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Ban Quản lý dự án 46 đình chỉ ngay việc thi công dự án đường Trường Sơn Đông đoạn còn lại đi qua tỉnh Lâm Đồng trên diện tích rừng chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; yêu cầu Ban Quản lý dự án 46 phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng để điều tra, xác minh, xử lý các sai phạm trong việc thi công dự án đường Trường Sơn Đông trên rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà.

Dự án đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài 657km do Ban Quản lý dự án 46, thuộc Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 671km, trong đó tận dụng 42km đường cũ, có 2 hầm và 2 đường đôi lưỡng dụng, 125 cầu các loại… Tuyến đường này chạy qua 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bắt đầu từ Quảng Nam, tới Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và kết thúc ở Lâm Đồng.

Tuy nhiên, do đường đi qua Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) và Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) nên gần 10 năm qua, đường Trường Sơn Đông đoạn qua hai Vườn Quốc gia trên đã phải dừng thi công để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang đất chuyên dùng dành cho giao thông. Tới nay, việc chuyển đổi rừng đặc dụng sang đất giao thông qua Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và Bidoup – Núi Bà vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, gần đây, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tự ý phá rừng để xây dựng đường Trường Sơn Đông.

Trước đó ngày 10/2/2022, phóng viên TTXVN đã đưa tin “Xác minh việc thi công đường Trường Sơn Đông làm thiệt hại hơn 15ha rừng đặc dụng”. Nội dung thông tin nêu sự việc trong quá trình thi công gói thầu D41 (Km618+00 – Km626+00) thuộc Dự án đường Trường Sơn Đông đoạn đi qua Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đắk Lắk, đơn vị thi công là Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã phá trái pháp luật 15.45 ha rừng tại khoảnh 9 tiểu khu 1383 và các khoảnh 1, 2, 5, 6 tiểu khu 1402; trong đó, diện tích đo đếm được là khoảng 12,45 ha và diện tích ước lượng (taluy) khoảng 3 ha; mức độ thiệt hại về rừng là 100%. Chiều dài tuyến đường đã san lấp khoảng 7 km.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Tổng Tham mưu – Bộ Quốc phòng chỉ đạo Ban Quản lý Dự án 46 (đại diện chủ đầu tư) đình chỉ ngay việc thi công công trình đường Trường Sơn Đông đoạn đi qua tỉnh Đắk Lắk, trên đất rừng chưa được quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk điều tra, xác minh, xử lý các sai phạm trong việc thi công đường trên đất rừng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.