Kinh nghiệm PCCC rừng tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

BVR&MT – Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà được thành lập theo quyết định số 1240 /QĐ-TTg, ngày 19 tháng 11 năm 2004 với tổng diện tích là 64.800 ha. Qua quá trình chuyển đổi và tiếp nhận đến nay Vườn quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà quản lý tổng diện tích 70.038 ha, trong đó có khoảng 30.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao bao gồm rừng lá kim, rừng hỗn giao cây lá rộng và lá kim, rừng tre nứa, rừng thông ba lá trồng giai đoạn II.

1. Đặc điểm tình hình

Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà có nhiều loài động, thực vật quý, hiếm nằm trong danh sách cần bảo tồn, là nơi có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, đồng thời còn có nhiệm vụ rất lớn bảo vệ cho các nhà máy thủy điện và Sông Đồng Nai. VQG Bidoup – Núi Bà có vị trí thuận lợi nằm giữa tuyến du lịch Đà Lạt – Nha Trang trên ĐT 723 và tuyến đường 722 Đông Trường Sơn, có khoảng trên 20.000 người dân sống trong và ngoài Vườn, chủ yếu là dân tộc thiểu số, đời sống phụ thuộc vào rừng, chính những điều này đã tạo ra không ít những khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) nói riêng.

Một góc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.

2. Kết quả thực hiện công tác PCCCR qua 15 năm (2004 – 2019)

2.1. Về công tác tổ chức

Hàng năm vào đầu mùa khô VQG Bidoup – Núi Bà lại tiến hành thành lập Ban chỉ huy PCCCR, Giám đốc VQG làm Trưởng Ban chỉ huy PCCCR; Phó Giám đốc làm Phó Ban thường trực Ban chỉ huy PCCCR; Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm làm Phó Ban; các Trưởng phòng và Trạm Trưởng các Trạm kiểm lâm là thành viên. Ban chỉ huy PCCCR có nhiệm vụ:

– Chỉ đạo toàn thể công chức, viên chức của VQG Bidoup – Núi Bà xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của VQG trong suốt mùa khô, là trách nhiệm của Ban Giám đốc, các Phòng, các Hạt kiểm lâm, trạm kiểm lâm trong suốt quá trình chỉ đạo và thực hiện.

– Chỉ đạo cho các Phòng, Hạt kiểm lâm, các Trạm kiểm lâm thực hiện nghiêm túc quy định về PCCCR; tuân thủ lịch trực cháy của Ban chỉ huy PCCCR phân công, khi có yêu cầu Ban chỉ huy PCCCR sẽ huy động toàn bộ lực lượng của VQG cùng tham gia.

– Quán triệt đầy đủ các văn bản, chỉ thị có liên quan đến công tác PCCCR cho toàn bộ cơ quan.

– Chỉ đạo Hạt kiểm lâm thực hiện nghiêm túc các hạng mục công trình PCCCR đã được Chi cục kiểm lâm phê duyệt, tiến hành đốt trước có điều khiển tại những nơi có nguy cơ cháy cao mà không có kinh phí làm giảm vật liệu cháy.

Tại Văn phòng VQG Bidoup – Núi Bà có danh sách phân công rõ trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ trực và từng thành viên trong Tổ. Tổ trực cháy có trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ các Trạm kiểm lâm gửi về, ghi chép vào sổ trực, khi cần thiết phải báo cáo ngay cho Ban chỉ huy PCCCR của Vườn; mỗi Tổ trực 01 ngày, vào thời kỳ cao điểm trực 24/24h; sau khi trực xong bàn giao cho Tổ trực khác bằng biên bản bàn giao mới hết nhiệm vụ.

Tại các Trạm kiểm lâm thành lập Tiểu ban PCCCR do Trạm trưởng đứng đầu, thành viên trong Trạm kiểm lâm và các Tổ trưởng tổ giao khoán quản lý bảo vệ rừng (GKQLBVR) là thành viên của Tiểu ban:

– Căn cứ vào các hạng mục trong Phương án PCCCR đã được phê duyệt, Trạm kiểm lâm tiến hành tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Hạt kiểm lâm, Ban chỉ huy PCCCR của Vườn, nếu để xảy ra cháy rừng thuộc phạm vi Trạm kiểm lâm quản lý.

– Tại các Trạm kiểm lâm lập danh sách các Tổ GKQLBVR, phân công rõ lịch trực, vị trí trực cho Tổ; vào thời gian cao điểm phải cử người trực 24/24h, đồng thời tiến hành tuần tra, kiểm soát các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao; phối hợp tốt với chính quyền địa phương, chủ động tham mưu tốt cho Ban lâm nghiệp xã về PCCCR.

– Khi có cháy xảy ra, Tiểu ban PCCCR của Trạm kiểm lâm huy động toàn bộ lực lượng tham gia, cùng với các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng; trong trường hợp vượt quá khả năng chữa cháy của Trạm kiểm lâm thì phải báo ngay cho Ban chỉ huy PCCCR của VQG. Các Trạm kiểm lâm phải thực hiện tốt Phương châm 4 tại chỗ bao gồm: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

2.2. Quá trình thực hiện

Hàng năm VQG Bidoup – Núi Bà đều tiến hành xây dựng Phương án PCCCR để trình Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình xây dựng Phương án xác định vùng trọng điểm cháy và những vùng có nguy cơ cháy cao để tiến hành làm giảm vật liệu cháy và đốt trước có điều khiển ở những rừng thông lớn. Đây cũng là đặc điểm khác biệt với các tỉnh khác về xử lý vật liệu cháy đối với rừng thông.

Bên cạnh đó VQG thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến cho người dân để nâng cao nhận thức của họ trong việc PCCCR; đồng thời kết hợp với nhà trường tham gia chương trình ngoại khóa để phổ biến đến các em học sinh về bảo vệ môi trường trong đó có bảo vệ rừng và PCCCR; đối với các hộ dân canh tác nương rẫy gần rừng, hàng năm Vườn quốc gia đều tổ chức ký cam kết trong công tác PCCCR, khi đốt nương làm rẫy các hộ phải báo cho chủ rừng, kiểm lâm địa bàn. Nhờ làm tốt công tác PCCCR mà trong nhiều năm vừa qua đơn vị không để xảy ra cháy gây thiệt hại đến rừng, nhiều vụ mới cháy đã được ngăn chặn kịp thời, không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Xây dựng Phương án chữa cháy khi có cháy lớn xảy ra

Làm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về tài nguyên rừng, về phương tiện, trang thiết bị chữa cháy và con người, VQG Bidoup – Núi Bà tiến hành xây dựng Phương án chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra.

a. Mục đích

– Nâng cao năng lực kiểm soát cháy rừng, giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra; Nâng cao năng lực chỉ huy PCCCR của đơn vị, sự phối kết hợp giữa các lực lượng của đơn vị với các Tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng; Nâng cao nhận thức, kiến thức về PCCCR trên địa bàn VQG Bidoup – Núi Bà; Củng cố kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR của đơn vị. Bên cạnh đó, xây dựng công trình PCCCR; đầu tư phương tiện, trang thiết bị, công cụ phục vụ cho các hoạt động PCCCR phát huy hiệu quả cao.

b. Yêu cầu

– Chữa cháy khẩn trương và kịp thời, khống chế và chia cắt đám cháy không để lan rộng.

– Đảm bảo an toàn cho người và phương tiện chữa cháy.

– Giảm thiệt hại thấp nhất tài nguyên rừng do cháy rừng gây ra.

– Thực hiện tốt Phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

c. Tổ chức thực hiện

Trước khi vào mùa khô cao điểm: Đơn vị tiến hành thực hiện các biện pháp làm giảm va đốt trước có điều khiển theo Phương án PCCCR để hạn chế mức thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra.

– Tại thời điểm mùa khô cao điểm:

Các Trạm kiểm lâm bố trí những Tổ GKQLBVR trực cháy ở khu vực có nguy cơ cháy cao.

Thành lập Ban chỉ huy PCCCR của VQG Bidoup – Núi Bà; Giám đốc VQG là Trưởng ban, PGĐ là Phó ban thường trực, Hạt Phó Hạt kiểm lâm làm Phó ban, Trưởng các Phòng, đơn vị là thành viên.

Bố trí lực lượng chữa cháy thường xuyên túc trực vào thời gian cao điểm, phương tiện chữa cháy, bộ đàm thông tin liên lạc, dụng cụ chữa cháy.

Hậu cần chữa cháy: Lương thực, thực phẩm, nước uống, đèn pin đề phòng trường hợp phải chữa cháy rừng cả ban đêm và thuốc men như thuốc bỏng, bông, băng cấp cứu,…

Đám cháy lớn là đám cháy có quy mô diện tích trên 3ha, VQG Bidoup – Núi Bà xây dựng Phương án chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra ( > 3ha) và ở cấp dự báo I, II.

Khi phát hiện có đám cháy, người trực cháy phải xác định rõ vị trí (Tiểu khu, khoảnh, lô hoặc tọa độ bằng máy GPS), quy mô đám cháy, mức độ cháy, cháy loại gì (cỏ tranh, lau lách, rừng trồng,…), thời tiết (khô hanh, hướng gió, tốc độ gió,…) rồi báo về Văn phòng Hạt kiểm lâm (bộ phận thường trực của Ban chỉ huy PCCCR).

Sau khi tiếp nhận thông tin, bộ phận thường trực của Ban chỉ huy sẽ tiến hành kiểm tra và xác định các tọa độ cháy trên bản đồ; bộ phận thường trực sẽ báo cáo với Trưởng ban Ban chỉ huy PCCCR, sau đó nhanh chóng quyết định điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy.

Về nhân lực: Điều động lực lượng các Trạm kiểm lâm, các Phòng, các Tổ nhận khoán (tùy theo diện tích đám cháy, mức độ cháy mà điều động lực lượng).

Về phương tiện, trang thiết bị PCCCR: Huy động xe ô tô tải để trở 02 bồn nước 2000 lít: 01 xe Pajero, 01 xe Uoat, 02 xe bán tải; 35 xe máy; 02 máy bơm. Các công cụ chữa cháy: Dao phát, cào cuốc; bình xịt nước chữa cháy, Can đựng nước.

Thiết bị hỗ trợ để liên lạc thông tin như: Bộ đàm điện thoại, loa, còi,…

– Trưởng ban Ban chỉ huy PCCCR của đơn vị sẽ điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy; Xác định vị trí tập kết, thời gian tập kết (gần khu vực cháy, sau khoảng bao nhiêu thời gian thì có mặt ở nơi tập kết), đồng thời báo cáo về Ban chỉ đạo Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh mà Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng là Cơ quan thường trực.

Sau khi có mặt ở nơi tập kết chữa cháy, Trưởng ban chỉ huy tiến hành khảo sát vùng cháy về các mặt: Diện tích đám cháy, loại thực bì, cường độ cháy, chiều cao ngọn lửa cháy, hướng gió, tốc độ gió, địa hình,… Sau đó Trưởng ban chỉ huy cùng với các thành viên của Ban chỉ huy PCCCR của đơn vị đánh giá sơ bộ về vùng cháy, tính toán khả năng kiểm soát đám cháy với lực lượng sẵn có của mình và đưa ra quyết định cụ thể về phương án chữa cháy:

+ Chữa cháy trực tiếp bằng phương pháp thủ công như dùng cào, cuốc, cành cây dập lửa, sau đó dùng bình xịt nước, can nước, thùng đựng nước (áp dụng cho vùng cháy có thực bì ít, cường độ đám cháy nhỏ, chiều cao ngọn lửa dưới 0,5 m).

+ Chữa cháy bằng phương pháp đốt chặn, đốt vòng cung: Do đám cháy lớn, cường độ đám cháy mạnh, thực bì dày, ngọn lửa cháy cao thì phải sử dụng phương pháp đốt chặn hoặc đốt vòng cung. Sử dụng phương pháp đốt chặn có thể dựa vào địa hình địa vật như giáp khe suối, con đường cắt qua, băng trắng đốt trước,….

– Trong quá trình chữa cháy phải đảm bảo thông tin liên lạc, đảm bảo rằng mọi hiệu lệnh của Trưởng Ban chỉ huy PCCCR đưa ra mọi thành viên phải nắm bắt và hiểu rõ. Luôn luôn nhấn mạnh và nhắc nhở với các thành viên rằng an toàn về người và phương tiện chữa cháy là tuyệt đối.

– Song song với việc chỉ huy chữa cháy cũng cần phải có đội quân lực lượng dự phòng chữa cháy. Lực lượng này phải sẵn sàng có mặt khi cần thiết.

Khi đám cháy quá lớn, không kiểm soát được thì Ban chỉ huy PCCCR phải báo với Ban chỉ đạo Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh mà Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng là Cơ quan thường trực để huy động lực lượng hỗ trợ như Công an, Quân đội, người dân,…

Sau khi chữa cháy xong, Trưởng ban chỉ huy PCCCR giao nhiệm vụ cho Trạm kiểm lâm và Tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng cử người canh gác để dập tắt kịp thời những ngọn lửa bùng phát; Điều tra, xác minh nguyên nhân gây cháy và truy tìm thủ phạm gây cháy.

Sau mỗi buổi chữa cháy xong cần đánh giá, rút kinh nghiệm để lần sau khi thực hiện chữa cháy đạt hiệu quả cao.

3. Những bài học kinh nghiệm trong công tác PCCCR

Thành lập Ban chỉ huy PCCCR của Vườn quốc gia mà Giám đốc Vườn quốc gia làm Trưởng ban, để thấy rằng công tác PCCCR trong mùa khô là rất quan trọng. Ban chỉ huy phân công rõ trách nhiệm từng người, từng bộ phận, thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCCR; Quán triệt đầy đủ các Văn bản, Chỉ thị của Trung ương, địa phương cho toàn thể công chức, viên chức của Vườn quốc gia như Nghị định số 09/2006/NĐ-CP, ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy chữa cháy rừng, Chỉ thị 75/2005/CT-BNN, ngày 15/11/2005 về việc tăng cường công tác PCCCR, Quyết định 195/2005/QĐ-BNNPTNT về hướng dẫn xây dựng Phương án PCCCR cấp tỉnh, Thông tư liên tịch 144/2002/TTLT-BNN-BCA-BQP; các Văn bản, Chỉ thị của địa phương: UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở NN&PTNT, Chi cục kiểm lâm, UBND huyện Lạc Dương.

Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hậu cần sẵn sàng tham gia chữa cháy khi cần, hàng năm tổ chức diễn tập về PCCCR với các tình huống giả định, phù hợp với thực tế hoặc cử người tham gia tập huấn do Chi cục kiểm lâm tỉnh tổ chức.

Xác định được những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trong mùa khô của Vườn quốc gia để đưa vào Phương án PCCCR trình Chi cục kiểm lâm phê duyệt.

Xác định thời điểm phát thực bì tốt nhất vào khoảng tháng 11 – 12 và thời gian xử lý vật liệu cháy vào lúc 16 giờ đến 9 giờ hôm sau, tùy theo độ ẩm của vật liệu cháy mà chọn thời gian đốt cho thích hợp, không nên để vật liệu cháy quá khô mới đốt. Khi đốt tiến hành chia nhỏ diện tích cần đốt, đốt ít một, khi đốt luôn luôn có người canh, khống chế ngọn lửa bùng phát cao không quá 1,5 m, quá trình đốt phải làm băng ngăn cách giữa đám đốt và đám chưa đốt, đốt đám nào xong đám đó mới được đốt tiếp.

Diện tích cần xử lý vật liệu cháy bằng 60 – 70% diện tích cần bảo vệ, diện tích xử lý vật liệu cháy phải được giải đều toàn bộ.

Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sống trong và ngoài Vườn quốc gia đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng nói chung và công tác PCCCR nói riêng là việc làm có hiệu quả cao, đây là công việc phải được thực hiện thường xuyên liên tục, nhất là trong mùa khô; Kết hợp với việc tuyên truyền lồng ghép trong các trường học, nội dung tuyên truyền phải phong phú và đa dạng, mang tính thiết thực; đồng thời tổ chức ký cam kết bảo vệ và PCCCR, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội.

Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã, củng cố hoạt động của Ban lâm nghiệp xã là công việc cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và PCCCR nói riêng trên địa bàn các xã.

Thực hiện các hạng mục trong Phương án PCCCR với các giải pháp kỹ thuật, sử dụng biện pháp đốt trước có điều khiển và quy trình kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy trong phòng cháy rừng thông ở Lâm Đồng (Quyết định số 31/2007/QĐ-UBND, ngày 10/9/2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành quy định về kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy trong phòng cháy rừng thông ở Lâm Đồng) vẫn là biện pháp tốt nhất. Tuy nhiên việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật này trong thực tế cần phải thực hiện đầy đủ và linh hoạt. Thực hiện tốt Phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); khi có cháy xảy ra phải chủ động dập tắt kịp thời, nếu đám cháy không thể dập tắt được thì phải báo cáo ngay về Văn phòng Ban chỉ huy PCCCR của VQG Bidoup – Núi Bà.

Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công an và các đơn vị quản lý rừng, chính quyền cấp xã trong công tác PCCCR.

Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát rừng, xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, bố trí tổ trực 24/24 h.

Thường xuyên nắm bắt tình hình thời tiết, cấp dự báo cháy rừng của Cục kiểm lâm để từ đó có biện pháp đối phó kịp thời.

Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hàng ngày về Văn phòng vườn quốc gia: Số người trực, điểm trực, vị trí trực, số người tuần tra, thời tiết, độ ẩm vật liệu cháy, khối lượng vật liệu cháy. Khi có cháy xảy ra phải khẩn trương dập tắt, trường hợp đám cháy lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của Tiểu ban PCCCR thì lập tức báo cáo ngay về Ban chỉ huy PCCCR của Vườn quốc gia, đồng thời vẫn phải cố gắng kiểm soát, khoanh vùng đám cháy. Trường hợp đám cháy vẫn chưa kiểm soát được thì phải báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo PCCCR của tỉnh và các lực lượng chức năng để huy động tổng lực chữa cháy.

Hoàng Đình Quang
Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng