Lai Châu: Từng bước nâng cao thu nhập cho người dân

BVR&MT – Phát triển các mô hình kinh tế trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… là những giải pháp đã và đang được xã Pú Đao (huyện Nậm Nhùn) tập trung triển khai thực hiện nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Pú Đao là 1 trong 3 xã về đích trong xây dựng nông thôn mới của huyện Nậm Nhùn. Xã có 4 bản, 247 hộ với 1.395 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Mông, đời sống kinh tế của người dân dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp là chính. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 1.102,59ha/8.594,30ha diện tích tự nhiên, tập quán canh tác lạc hậu, mang tính tự cung, tự cấp là chính, nguồn lợi kinh tế đem lại thấp… Vì vậy, bài toán nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề luôn được cấp ủy, chính quyền xã Pú Đao quan tâm thực hiện.

Ông Vừ A Thề – Phó Chủ tịch UBND xã Pú Đao cho biết: “Trên cơ sở đánh giá điều kiện thực tế về tiềm năng, lợi thế, cũng như những tồn tại, hạn chế, xã đã tập trung xây dựng và lựa chọn các định hướng trong phát triển kinh tế, trong đó chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh để lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi phương thức sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa… để từng bước nâng cao hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân”.

Xác định phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp là định hướng chủ lực trong nâng cao tiêu chí thu nhập, xã tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Vận động người dân cải tạo đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

Người dân xã Pú Đao (huyện Nậm Nhùn) trồng, chăm sóc cây sa nhân tím dưới tán rừng.

Bên cạnh thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng đang được xã Pú Đao chú trọng triển khai trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội phối hợp với các ngành chuyên môn hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vốn vay để mở rộng các mô hình kinh tế, góp phần nâng cao mức thu nhập. Đến nay, ngoài duy trì hơn 64ha lúa nước (1 vụ) và các loại cây lương thực khác, Nhân dân trên địa bàn xã Pú Đao đã tích cực đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế như: xoài 20,2ha, lê 6,6ha vào trồng và chăm sóc. Chăn nuôi có bước phát triển với tổng đàn gia súc 1.642 con và 5.153 con gia cầm các loại, bà con chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung có chuồng trại, theo hướng hàng hóa.

Trong phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, ngoài chăm sóc và thu hoạch 48,7ha cây sa nhân tím (năng suất đạt từ 5-6 tạ/ha), trên cơ sở lợi thế về điều khí hậu, thổ nhưỡng và định hướng, huyện tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp triển khai trồng thí điểm 1ha cây sâm Lai Châu trong thời gian tới.

Điển hình như gia đình chị Sùng Thị Mỷ ở bản Hồng Ngài, cùng với việc tập trung canh tác, đưa các loại giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất; để tăng thêm thu nhập gia đình chị còn trồng hơn 4.000m2 sa nhân tím dưới tán rừng, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, diện tích sa nhân tím đang bắt đầu cho thu hoạch với giá bán dao động từ 30-40 nghìn đồng/kg quả tươi, 250-300 nghìn đồng/kg quả khô; đại gia súc sinh trưởng phát triển tốt với 15 con trâu, bò. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị thu nhập 100 triệu đồng, kinh tế ngày càng khá hơn trước, có điều kiện để lo cho các con đi học.

Việc triển khai, thực hiện các định hướng trong phát triển kinh tế đã đem lại chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của người dân. Góp phần đưa mức thu nhập của xã Pú Đao đạt 25 triệu đồng/người/năm.