BVR&MT – Tính đến thời điểm này, Lai Châu có 12 dự án được UBND tỉnh phê duyệt, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có 9 dự án thủy điện và 3 dự án khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Các dự án trên được UBND tỉnh xây dựng phương án trồng rừng thay thế đạt kết quả cao.
Được biết, UBND tỉnh Lai Châu giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố triển khai trồng 2.437 ha rừng thay thế. Các chủ dự án thực hiện nghĩa vụ nộp đủ số tiền hơn 123 tỷ đồng về Quỹ Bảo trợ và Phát triển rừng tỉnh. Từ nguồn kinh phí trên, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách trồng rừng thay thế như: hỗ trợ 100% giống, xử lý thực bì, đào hố trồng và chăm sóc năm đầu. Mục tiêu của UBND tỉnh là tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác. Bà con chủ động đăng ký việc trồng rừng thay thế với xã, phường, thị trấn. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương vận dụng việc trồng rừng thay thế theo thực tế, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân nhằm gắn việc trồng rừng thay thế với việc cơ cấu ngành Nông nghiệp thông qua việc hình thành các vùng tập trung, cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh trồng hơn 5.336 ha rừng (vượt 2.899 ha rừng đã chuyển mục đích sử dụng). Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Thời gian qua, tỉnh luôn nhận được sự ủng hộ của Nhân dân về việc tham gia trồng rừng thay thế. Bà con đăng ký thực tế diện tích trồng rừng, mua cây giống trồng rừng và làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng mới trồng. Đến nay, 95% diện tích rừng thay thế mới trồng sinh trưởng, phát triển ổn định”.
Trong tháng 8, tháng 9 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường và Sìn Hồ. Đồng thời, làm việc với UBND tỉnh và một số Sở, Ngành liên quan đến việc triển khai trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh. Từ thực tiễn, đồng chí Tống Thanh Bình – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận các cấp chính quyền địa phương làm tốt công tác trồng rừng. Tiêu biểu, Than Uyên là huyện có diện tích trồng rừng thay thế tương đối lớn. Năm 2015, toàn huyện rà soát, trồng mới 263,1ha rừng thay thế (gồm: cây quế, lát hoa, sơn trà) tại 3 xã: Tà Hừa, Mường Mít và Tà Mung, trong đó diện tích nghiệm thu được thanh toán 236,7 ha. Năm 2016, huyện Than Uyên thực hiện trồng 115,9 ha rừng thay thế, trong đó diện tích nghiệm thu được thanh toán 76,08 ha. Năm 2017, huyện tiếp tục trồng 417,43 ha rừng thay thế tại các xã: Mường Mít, Tà Hừa, Mường Kim, Khoen On và Ta Gia… Hiện nay, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ rừng mới trồng. Đối với diện tích rừng thay thế mới trồng tại bản Gia (xã Ta Gia), tỷ lệ cây sống chỉ đạt 60%, huyện chỉ đạo xã thống kê, lập danh sách, dự trù giống, trồng dặm vào mùa trồng rừng năm 2018.
Hay như huyện Tân Uyên đang tích cực vào cuộc chăm sóc rừng thay thế. Từ huyện đến các xã, thị trấn phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, kế hoạch trồng rừng thay thế cho bà con. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng diện tích Nhân dân đăng ký trồng rừng đáp ứng đủ giống, quy trình kỹ thuật và tiến độ. Đến nay, 100% hộ dân trong huyện tham gia trồng rừng thay thế đảm bảo đúng mật độ, diện tích và địa điểm theo thiết kế. Theo một số hộ dân ở xã Nậm Sỏ, ngay sau khi hoàn thành trồng rừng, bà con chủ động đào hào phòng chống gia súc phá hoại. Hiện nay, diện tích rừng mới trồng của xã đang bám rễ, hồi xanh, nảy chồi. Trồng rừng thay thế giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Trồng rừng thay thế ở Lai Châu bước đầu đã thành công nhờ sự quan tâm của chính quyền, người dân đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng. Hiện nay, tỉnh Lai Châu đã hoàn tất việc thanh quyết toán Dự án trồng rừng thay thế, chi trả tiền trồng, chăm sóc và bảo vệ cho người dân. Nhờ đó, bà con có thêm thu nhập, có động lực để quản lý, bảo vệ rừng mới trồng tốt hơn. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng mới trồng; sẵn sàng triển khai việc đăng ký trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác năm 2018.