Lai Châu: Tăng thu nhập nhờ bảo vệ rừng

BVR&MT – Những năm qua, từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã giúp hàng trăm hộ dân xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn có nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân trong xã.

Trên cung đường từ huyện Nậm Nhùn vào xã Nậm Manh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi màu xanh ngút ngàn của rừng cây bao phủ khắp các sườn đồi, ngọn núi. Dẫn chúng tôi vào thăm xã, ông Khổng Văn Thành – Bí thư Đảng uỷ xã chia sẻ: Bà con ở xã Nậm Manh giữ rừng tốt lắm, nhiều năm qua không xảy ra các vụ cháy rừng lớn hay khai thác rừng trái phép. Nhờ chính sách chi trả DVMTR mà đời sống của nhiều hộ dân nơi đây có thu nhập cao hơn, ý thức bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt, người dân coi rừng như tài sản của mình để bảo vệ.

Được biết, địa hình xã chia cắt, nhiều đồi núi với độ dốc cao, rừng của xã Nậm Manh phân bố không tập trung, người dân sống rải rác, do đó việc triển khai bảo vệ và phát triển rừng gặp không ít khó khăn. Những năm trước đây, do ý thức của người dân còn hạn chế, việc lén chặt cây lấy gỗ, đốt nương gây cháy rừng vẫn xảy ra. Trước thực trạng đó, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, “mưa dầm thấm lâu” bà con đã hiểu tác dụng, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển rừng.

Công tác tuyên truyền luôn được cán bộ kiểm lâm địa bàn và xã quan tâm thực hiện. Ảnh tư liệu

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Vàng A Mua ở bản Nậm Pồ, rót chén nước mời khách anh Mua tươi cười tâm sự: Những năm 2004, 2005 khi mới thực hiện chính sách chi trả DVMTR, gia đình tôi chỉ nhận được gần 10 triệu đồng/năm. Những năm gần đây, số tiền nhận được từ DVMTR ngày càng tăng lên, bà con trong bản và gia đình tôi rất phấn khởi. Năm 2020, gia đình tôi và nhiều hộ dân trong bản được chi trả gần 15 triệu đồng/hộ từ DVMTR. Nhờ đó, chúng tôi có thể trang trải cuộc sống, mua trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đời sống cũng khấm khá hơn.

Giống như bao gia đình khác ở bản Huổi Chát, năm 2020, gia đình anh Mùa A Thống được nhận gần 10 triệu đồng/năm nhờ việc cùng bà con trong bản bảo vệ hơn 1.600ha rừng. Anh Thống cho biết: Trước đây gia đình tôi thuộc hộ nghèo của bản, thu nhập chủ yếu dựa vào việc trồng lúa và ngô, diện tích đất lại ít nên thu nhập bấp bênh, đời sống rất khó khăn. Những năm gần đây, từ việc tích cực bảo vệ và phát triển rừng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ được chi trả tiền DVMTR. Từ số tiền đó, chúng tôi đã đầu tư mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, đời sống dần được cải thiện và thoát được hộ nghèo.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, bản Huổi Chát là một trong những bản đầu tiên của xã Nậm Manh xây dựng mô hình bản du lịch cộng đồng phần lớn nhờ nguồn vốn do bà con đóng góp từ tiền DVMTR. Bảo vệ tốt diện tích rừng được giao hàng năm đem về cho các hộ trong bản hơn 1 tỷ đồng. Đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với hình thành bản du lịch cộng đồng, 5 năm qua, các hộ đóng góp hàng trăm triệu đồng từ tiền chi trả DVMTR xây dựng, kiến thiết bản. Từ số tiền đóng góp, bản đã đầu tư xây dựng 3 sân chơi chung cho bản với tổng diện tích 7.800m2, lắp 42 đèn chiếu sáng trên các tuyến đường nội bản, mua giống hoa về trồng, hỗ trợ 9 hộ gia đình xây dựng chòi dừng chân ngắm cảnh. Bên cạnh đó, bản còn thành lập quỹ chung để chi trả tiền điện và tu sửa các hạng mục khi bị hỏng.

Để người dân sử dụng hiệu quả số tiền được nhận, chính quyền xã, bản luôn quan tâm làm tốt công tác giám sát, định hướng người dân sử dụng tiền để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, sinh lời từ tiền chi trả DVMTR. Tích cực phát triển rừng để hưởng lợi từ rừng. Đến nay, toàn xã Nậm Manh có gần 10.000ha rừng, trong đó rừng phòng hộ có hơn 4.000ha, hơn 5.000ha rừng sản xuất. Năm 2020, toàn xã có 576/576 hộ được hưởng tiền DVMTR với tổng số tiền được chi trả gần 4 tỷ đồng.

Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, với số tiền nhận được người dân dần có ý thức chi tiêu đúng đắn, có kế hoạch, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập. Thời gian tới, xã tiếp tục chú trọng thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về lâm nghiệp, đặc biệt là chính sách chi trả DVMTR nhằm đảm bảo quyền lợi, nâng cao thu nhập từ rừng cho Nhân dân. Từ đó, giúp người dân ngày càng gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.