Lai Châu: Sìn Hồ thiếu giáo viên ở nhiều môn học

BVR&MT – Năm học 2021-2022, toàn huyện có 20 trường tiểu học với 512 lớp, 20 trường THCS với 208 lớp và hơn 1.300 giáo viên tại các cấp học. Hiện nay đã sắp kết thúc học kỳ I, nhưng tại nhiều trường của huyện vẫn đang trong tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học, mỹ thuật… Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của các trường.

Được biết, ngay từ đầu năm học, cấp ủy, chính quyền huyện, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Sìn Hồ đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thu hút giáo viên; đồng thời sử dụng nguồn nhân lực hiện có, bố trí sắp xếp tăng giờ, dạy ghép đối với các bộ môn còn thiếu giáo viên. Nhiều trường cố gắng sắp xếp để giáo viên dạy học đủ 2 buổi/ngày với yêu cầu 23 tiết/tuần, nhưng nhiều thầy cô tại các trường thiếu giáo viên vẫn thường phải dạy từ 28-29 tiết/tuần.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ.

Tại các điểm lẻ của trường tiểu học, thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt, giao thông không đảm bảo… đã gây khó khăn cho các giáo viên tiếng Anh, tin học, khi phải đảm nhận dạy ở các điểm trường này. Lịch giảng dạy của các thầy cô thuộc những bộ môn này thường xuyên không ổn định, nhiều giáo viên phải dạy theo kiểu một thầy 2 trường. Ví như tại xã Lùng Thàng và Ma Quai, việc phải dạy liên trường khiến các thầy cô giáo thêm nhiều áp lực từ công việc, ngoài công tác chuyên môn còn phải tham gia các hoạt động chung. Hiệu quả việc giảng dạy cơ bản không cao, vì phần lớn ở các điểm lẻ số lượng học sinh đều khá ít, nhiều lớp có khoảng 15-20 học sinh và giao thông đi lại không thuận tiện, khoảng cách giữa các điểm trường mà giáo viên tăng cường đều trên 10km.

Ông Phạm Văn Phôi – Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Sìn Hồ cho biết: Hiện nay, toàn huyện chỉ có 41 giáo viên tiếng Anh, 14 giáo viên tin học, ưu tiên bố trí cho các trường chuẩn quốc gia và trường trung tâm huyện. Huyện đang thiếu hơn 32 giáo viên tại các cấp học. Trong đó 8 giáo viên môn tiếng Anh bậc THCS, 24 giáo viên bậc tiểu học; với môn tin học, nhiều trường không đủ cơ sở vật chất để tổ chức dạy học. Điều đáng nói, nhiều năm qua, huyện cho chủ trương tìm nguồn giáo viên như: thông qua thi tuyển dụng, hợp đồng, có nhiều chính sách thu hút… dù vậy vẫn không đáp ứng được nhu cầu của địa phương.

Nguyên nhân chính là các vùng thuận lợi hơn cũng có nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, trong khi đó Sìn Hồ là địa phương không thuận lợi, khó thu hút được nguồn nhân lực. Có những giáo viên tin học phải chuyển sang dạy toán vì nhà trường không có phòng học tin, ảnh hưởng tới quá trình hoạt động nghiệp vụ của các thầy cô giáo và quá trình học tập của các em học sinh trên địa bàn huyện.

Đối với các xã đặc biệt khó khăn như: Tủa Sín Chải, Làng Mô, Căn Co… Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện luôn chủ trương ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho các trường tiểu học, đảm bảo dạy 2 buổi/ngày. Nhưng mới chỉ dừng lại ở con số tính toán, dựa vào tỷ lệ số giáo viên/tổng số lớp, trong khi đó thực tiễn công tác dạy và học ở những địa phương này lại mang tính đặc thù, cần phù hợp với điều kiện khác biệt của từng vùng.

Ông Đoàn Trọng Tuyển – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) THCS Tả Ngảo cho biết: Tình trạng thiếu giáo viên bộ môn tin học, tiếng Anh và các môn năng khiếu của nhà trường không khác nhiều so với các địa bàn lân cận. Ngoài ra nhà trường không có phòng học tin, nên bộ môn này các em phải đổi học môn khác. Thiếu giáo viên khiến nhiều thầy cô phải dạy bù vào buổi chiều, dạy quá số tiết quy định.

Do đặc điểm dân cư trên địa bàn vùng cao Sìn Hồ, người dân sống phân tán, tại các khu vực có địa hình phức tạp, nhiều lớp học hầu như không đáp ứng đủ yêu cầu về sĩ số, nhiều lớp chỉ đạt 70%. Do đó, hiện trạng 1 thầy dạy 2 trường, dù công sức bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả không được như mong đợi.

Thầy Đặng Tiến Long, giáo viên môn tin học Trường Phổ thông DTBT THCS Hồng Thu cho biết: “Tôi học chuyên ngành toán-tin, đã có nhiều năm công tác tại các điểm trường trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Thời điểm tôi công tác tại các xã khó khăn, không đủ cơ sở vật chất để dạy tin học, tôi đã chuyển sang dạy toán. Hiện nay, tôi đang thuộc biên chế của Trường Phổ thông DTBT-THCS Hồng Thu; nhưng lại phải tăng cường ngược về Trường THCS huyện Sìn Hồ. Vì tại trung tâm huyện đang thiếu giáo viên giảng dạy môn tin học, trong khi đó lại là một trong số ít các trường trên địa bàn huyện có phòng học tin.

Việc thiếu giáo viên làm ảnh hưởng lớn tới việc dạy – học và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Để sớm giải quyết vấn đề này, cấp ủy, chính quyền huyện cần có thêm nhiều chính sách, động viên thu hút giáo viên các bộ môn trên, đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày càng tăng tại các trường trên địa bàn.