Lai Châu: Phụ nữ Tam Đường phát triển kinh tế

BVR&MT – Không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang, nhiều hội viên Hội LHPN huyện Tam Đường còn hăng hái lao động sản xuất, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế. Các chị là những tấm gương sáng “giỏi việc nước, đảm việc nhà” để các hội viên phụ nữ trong toàn huyện học tập và làm theo.

Chị Vàng Thị Sua – hội viên Chi hội Phụ nữ bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình) là một trong những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi ở địa phương. Chị Sua chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm vài sào ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ nên cơm không đủ no, mặc không đủ ấm. Để vực dậy kinh tế gia đình, vợ chồng tôi cố gắng bươn trải để mưu sinh. Sau nhiều năm cố gắng đã dành dụm được một khoản vốn nho nhỏ, quyết định mở rộng diện tích lúa, thảo quả, rừng, chăn nuôi lợn, cây ăn quả ôn đới. Đến nay, gia đình trồng 1ha đào chín sớm, hơn 1ha dong riềng, 5ha thảo quả, 7.000m2 lúa chất lượng cao. Ngoài ra, gia đình còn mua ôtô để chở nông sản thuê, chạy máy xay xát, thu mua nông sản, cây dược liệu… chở sang thị xã Sa Pa để bán kiếm thêm thu nhập. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng, kinh tế phát triển gia đình có của ăn của để, có điều kiện lo cho các con ăn học”.

Mô hình nuôi lợn công nghệ cao khép kín của hội viên Phạm Thị Phin, Chi hội phụ nữ bản Hưng Phong (xã Bản Bo, huyện Tam Đường).

Cùng với chị Sua, chị Phạm Thị Phin, Chi hội phụ nữ bản Hưng Phong, xã Bản Bo cũng là một trong những hội viên năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Nhờ đầu tư chăn nuôi lợn công nghệ cao khép kín đã đem lại cho gia đình chị thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Để chăn nuôi đem lại hiệu quả, chị đầu tư xây dựng 3 dãy chuồng trại nuôi lợn công nghệ cao khép kín trên diện tích 1.000m2, đảm bảo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và vệ sinh môi trường. Các dãy được chia thành các ô riêng với đầy đủ hệ thống điện, máng chứa thức ăn, nước uống tự động. Chị nuôi trung bình từ 200 – 300 con lợn thịt, 30 con lợn sinh sản, toàn bộ số lợn con đều được giữ lại để nuôi lợn thịt, khi đạt trọng lượng từ 100-120 kg/con thì xuất bán.

Chị Phin cho biết: “Để đàn lợn phát triển, mạnh khỏe, gia đình chú trọng tới việc lựa chọn giống từ cơ sở uy tín, đối với từng loại lợn sẽ có những chế độ ăn khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. Thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch bệnh, phun thuốc khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần… Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Mỗi năm gia đình tôi xuất trung bình từ 40 – 50 tấn lợn hơi, trừ chi phí cho thu nhập mỗi năm từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng”.

Hiện nay, Hội LHPN huyện Tam Đường có 14 cơ sở hội, 126 chi hội, với tổng số 11.018 hội viên. Xác định giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội tuyên truyền, vận động các hội viên tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Đồng thời, vận động chị em tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về: chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, dệt thổ cẩm, xây dựng các mô hình kết hợp vườn – ao – chuồng – rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa… nhằm nâng cao thu nhập.

Chị Vũ Thị Mỹ Dung – Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Đường cho biết: “Hội đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, các cơ sở Hội đã hỗ trợ 6.653 ngày công, 214 con giống, 5.248 cây giống, 1.026kg thóc gạo ngô, trị giá trên 285 triệu đồng giúp các hội viên phát triển kinh tế. Đồng thời, chúng tôi tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia các lớp học nghề về chăn nuôi, trồng trọt do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tổ chức.

Hội thực hiện có hiệu quả hoạt động ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế với tổng dư nợ trên 97 tỷ đồng, 51 tổ với 2.044 hộ vay. Duy trì, củng cố hoạt động của 51 mô hình tiết kiệm với 2.137 thành viên, số tiền trên 607 triệu đồng. Từ nguồn tiết kiệm đã hỗ trợ 141 hội viên vay số tiền 587 triệu đồng để mua giống, phân bón. Qua đó, đã có nhiều hội viên phụ nữ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ ngày một nâng lên rõ rệt, nhiều hội viên vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương”.