Lai Châu: Phát triển vùng nguyên liệu bền vững

BVR&MT – Hiện nay, tỉnh có 8.539,6ha chè với tổng sản lượng đạt 44.000 tấn/năm. Để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh; các công ty, doanh nghiệp và người trồng chè cần đồng thuận trong việc mua, bán.

Bà Trương Thị Nhàn – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (TT&BVTV) tỉnh cho biết: “Để phát triển vùng nguyên liệu, thời gian qua, Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây chè. Khuyến cáo bà con không sử dụng thuốc BVTV quá nhiều, gây tồn dư khi thu hái chè búp. Từ đó, chi cục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao nhằm khẳng định được thương hiệu chè Lai Châu với thị trường nước ngoài, như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật và Ấn Độ…”.

Nông dân xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) thu hái chè. Ảnh tư liệu

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh ta có nhiều chính sách hỗ trợ giống, công trồng và công chăm sóc cho người dân. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta triển khai trồng mới 737ha chè, trong đó 682ha chè cành và 55ha chè hạt. Đây là năm đầu tiên, tỉnh triển khai trồng chè cổ thụ. Hiện, các huyện trong tỉnh đã trồng 59,8ha chè cổ thụ (vượt 4,8ha so với kế hoạch). Năm nay, người trồng chè gặp không ít khó khăn. Bởi nhiều khu vực trồng chè chưa có đường giao thông, bà con khó khăn với việc vận chuyển giống, vật tư, phân bón. Cán bộ huyện, xã lúng túng trong triển khai trồng chè cổ thụ, như: lựa chọn vùng trồng, chuẩn bị giống và kỹ thuật làm đất. Trước khó khăn trên, Chi cục TT&BVTV tỉnh tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo các huyện, thành phố hướng dẫn người dân tập trung phát triển vùng chè bền vững. Tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó có hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè tập trung và chè cổ thụ. Người trồng chè được tỉnh hỗ trợ 100% giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hái chè. Những hộ khai hoang, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng chè được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn địa điểm, khảo sát, đăng ký trồng, chăm sóc chè. Bà con từng bước nâng cao nhận thức về chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn hiệu quả kinh tế chưa cao sang trồng chè. Một số huyện làm tốt việc trồng mới nhằm phát triển vùng nguyên liệu chè bền vững, như: Phong Thổ, Tân Uyên, Tam Đường…

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi đang là tín hiệu đáng mừng đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Bởi, sản phẩm chè búp sẽ được nâng giá trị, người trồng chè có quyền hợp tác với đơn vị họ tin tưởng. Với sự cạnh tranh trên, đòi hỏi các đơn vị tham gia chế biến chè phải thực hiện phương án “dài hơi” nhằm gắn bó với người trồng chè đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Đặc biệt, các đơn vị chế biến chè đoàn kết, họp bàn, thống nhất giá thu mua chè búp cho người dân ngay từ đầu năm. Từ đó, các đơn vị và người trồng chè hạn chế việc tranh mua, tranh bán, đảm bảo chất lượng đầu vào nguyên liệu.

Bà Nguyễn Thị Loan – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển (CPĐTPT) Chè Tam Đường cho biết: “Khó khăn lớn nhất đặt ra cho Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường hiện nay là sự cạnh tranh vùng nguyên liệu chè do có thêm 3 nhà máy chế biến đi vào hoạt động tại xã Bản Bo. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch, ngay từ đầu năm, đại diện lãnh đạo công ty tham gia họp bàn, thống nhất giá thu mua chè búp với các đơn vị chế biến. Đồng thời, ký kết với người dân về các chính sách thu mua chè búp. Nhờ tạo được sự đồng thuận với các đơn vị chế biến và người trồng chè, năm 2021, công ty ký kết thu mua sản phẩm chè Kim Tuyên chất lượng cao của trên 900 hộ dân ở xã Bản Bo”.

Dạo thăm diện tích chè của xã San Thàng (thành phố Lai Châu), chúng tôi thấy cây chè phủ kín đất trống, đồi trọc, tạo thành một màu xanh non mơn mởn, khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Vùng nguyên liệu chè của xã trải dài, hòa quyện và bao bọc những ngôi nhà khang trang của người dân, tạo cảnh thôn quê tuyệt đẹp, trù phú và thanh bình. Nhờ cây chè, hàng nghìn lao động địa phương có việc làm với thu nhập ổn định. Thời gian gần đây, người dân có thêm cơ hội lựa chọn đơn vị mua chè búp tươi. Các công ty, doanh nghiệp và người trồng chè đồng thuận hơn trong việc đầu tư, chăm sóc cây chè chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Thu nhập ổn định từ vùng nguyên liệu chè, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 12 hộ. Theo người trồng chè ở bản Séo Xin Chải (xã San Thàng) trước đây, người dân ít quan tâm, chăm sóc cây chè do giá thành không ổn định. Hiện nay, nhiều đơn vị ký kết thu mua chè búp với giá thành cao nên người dân đồng thuận với việc kiến thiết vùng nguyên liệu. Bà con tận dụng phân chuồng ủ hoai bón thúc cho cây chè. Đơn vị thu mua chè hướng dẫn người dân thu hái chè 1 tôm, 2 lá, tránh thu hái quá già làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng nguyên liệu chè.

Để phát triển sản xuất chè bền vững, thời gian tới, Chi cục TT&BVTV tỉnh tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng, chăm sóc chè. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chè an toàn (VietGap, hữu cơ). Chi cục phân công cán bộ xuống cơ sở tăng cường thanh, kiểm tra việc chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Phòng NN&PTNT các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các công ty thu mua, chế biến chè quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu. Đơn vị thu mua chè chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến sâu và quan tâm phát triển thị trường chè nội địa.