Lai Châu: Phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng

BVR&MT – Hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), người dân xã Mù Cả (huyện Mường Tè) ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc rừng. Nhờ đó, những cánh rừng trên địa bàn xã ngày càng phát triển xanh tốt.

Đặt chân đến các bản trên địa bàn xã Mù Cả, chúng ta không khó để nhận thấy màu xanh của những cánh rừng. Hiện, xã có tổng diện tích rừng là 38,404,34ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 77,92%. Để nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, xã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

Cùng với đó, ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng đến 100% gia đình. Các bản đều xây dựng quy ước về bảo vệ và phát triển rừng, đưa ra chế tài xử phạt cụ thể với từng hành vi vi phạm; thành lập các tổ tuần tra, bảo vệ rừng. Đồng thời, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ, phát triển rừng theo từng năm và giai đoạn; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Đặc biệt, trước mỗi mùa hanh khô, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn đẩy mạnh vận động người dân không đốt rừng làm nương, làm đường băng cản lửa để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng… Nhờ đó, thời gian qua trên địa bàn xã Mù Cả không xảy ra cháy rừng, tình trạng khai thác lâm sản trái phép không còn.

Bản Mù Cả được giao quản lý, bảo vệ 4.084,30ha rừng. Nhờ đó, trung bình hàng năm, bản được nhận hơn 4 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR, mỗi hộ được nhận từ 40 – 45 triệu đồng/năm. Từ đó, người dân có thêm thu nhập, đầu tư mua cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình… Được chi trả DVMTR, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân trong bản, hàng năm, vào mùa khô hanh, bản phân công các hộ trực phòng cháy rừng 24/24h và thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng.

Bà Khoàng Chùy Pư – người dân trong bản cho biết: “Trung bình hàng năm gia đình tôi được chi trả trên 40 triệu đồng tiền DVMTR. Đây là số tiền rất quý, giúp chúng tôi có thêm vốn để phát triển kinh tế, thay đổi tập quán canh tác du canh, tập trung thâm canh tăng vụ, năng suất. Vừa qua, được chi trả tiền DVMTR, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi lợn đen, đến nay đàn lợn đã phát triển thành 10 con, được xuất bán 2 lứa lợn giống, đem lại thu nhập cho gia đình hơn 10 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống gia đình”.

Người dân xã Mù Cả (huyện Mường Tè) chăm sóc rừng.

Người dân các bản không chỉ chú trọng làm tốt công tác bảo vệ, việc phát triển rừng cũng được chính quyền và Nhân dân xã Mù Cả quan tâm thực hiện. Ngay từ khi được giao diện tích trồng rừng, xã tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về cơ chế chính sách nhận giao khoán, trồng và chăm sóc rừng, hướng dẫn bà con đăng ký diện tích trồng. Phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện xây dựng kế hoạch và phương án trồng rừng đúng thời vụ; thực hiện đúng chính sách hỗ trợ đối với người dân. Nhờ đó, công tác trồng rừng của xã được thực hiện tích cực, từ đầu năm đến nay xã trồng mới được hơn 10ha rừng quế.

Anh Lỳ Gò Xè – Phó Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho biết: “Hàng năm, Nhân dân trong xã hưởng lợi khoảng 29 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR. Số tiền đó giúp người dân có thêm vốn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 26 triệu đồng/người/năm. Đời sống của bà con được cải thiện rất nhiều nhờ giữ rừng.

Do vậy, người dân có ý thức cao trong công tác giữ gìn, bảo vệ tốt rừng giao khoán, không còn tình trạng đốt, phá rừng làm nương như trước. Hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR không chỉ mang đến nguồn lợi kinh tế cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, chống biến đổi khí hậu; đặc biệt, khi mùa mưa đến sẽ làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán”.

Thời gian tới, xã Mù Cả tiếp tục đẩy mạnh phổ biến những quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng đến tất cả các bản; vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng. Qua đó, nâng cao nhận thức, đồng thời, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, xóa đói nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của Nhân dân.