Lai Châu: Nhộn nhịp chợ chuối Phong Thổ

BVR&MT – Những tháng cuối năm, chợ chuối ở thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) hoạt động nhộn nhịp đã mang lại niềm vui cho người nông dân, lao động, thương lái trên địa bàn khi có thu nhập ổn định. Qua đó, tạo động lực, niềm tin cho Nhân dân tiếp tục duy trì chăm sóc, khai thác chuối; đồng thời, giúp huyện phần nào giải bài toán về việc làm cho lao động nông thôn.

Gần 3 tháng qua, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm cho đến chiều muộn, những xe máy, ôtô tải chở đầy chuối quả nối đuôi nhau từ khắp các ngả đường về ngã ba Pa So, lối rẽ vào thôn Đoàn Kết của thị trấn Phong Thổ tấp nập, đông vui. Người dân để xe chuối ngay ngắn, khuôn mặt háo hức chờ thương lái đến chọn lựa, trả giá để bán. Còn những người thương lái, xem xét từng buồng chuối rồi mới đưa ra quyết định mua.

Chị Chang Thị Dung – bản Sàng Giang, xã Bản Lang cho biết: “Tôi thường hay bán cho thương lái đến tận xã để thu mua nhưng giá có 5 nghìn đồng/kg thôi. Nghe mọi người nói ở chợ chuối thu mua giá cao nên tôi chở ra đây bán. Quả thực cao hơn mấy giá so với bán ở xã. Năm nay, quả chuối không được đẹp như mọi năm, nhưng thương lái vẫn thu mua. Tôi mừng lắm”.

Bà con tấp nập chở chuối vào cân cho thương lái.

Ở chợ chuối này, không chỉ có riêng người nông dân huyện Phong Thổ mang đến bán, người dân và thương lái ở các huyện khác trong tỉnh (Nậm Nhùn, Sìn Hồ) và ngoài tỉnh như: Điện Biên, Sơn La cũng đến đây bán chuối.

Chúng tôi gặp anh Vàng A Lự – bản Ngài Trồ, xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ) với khuôn mặt rạng rỡ tươi vui. Anh Lự phấn khởi khoe: Tôi vừa cân chuối bán cho thương lái ở đây được 1,3 triệu đồng. Gia đình tôi trồng 500 gốc chuối từ hơn 3 năm trước. Hiện tại, một tuần, tôi chở 2 chuyến chuối quả xuống chợ bán. Chuyến nào thấp nhất cũng được 700 nghìn đồng, chuyến nào chở nhiều thì được như hôm nay. Thời điểm này, giá chuối quả cao hơn so với mấy tháng trước. Tôi rất vui, mong là tới đây giá chuối tiếp tục tăng, bà con có thêm nguồn thu, chuẩn bị đón tết cho tươm tất, đầy đủ trước thời buổi dịch bệnh. Tính từ đầu năm đến giờ, vợ chồng tôi bán chuối, thu gần 30 triệu đồng.

Từ tháng 8 đến nay, mặc dù cửa khẩu Ma Lù Thàng đóng biên do tình hình dịch Covid-19, nhưng một số cửa khẩu khác như: Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), các cửa khẩu ở tỉnh Lào Cai đã hoạt động trở lại. Tận dụng cơ hội này, các thương lái thu mua chuối của xã Ma Li Pho, Huổi Luông, thị trấn Phong Thổ… đã thuê mặt bằng đất của các chủ đất trên địa bàn thị trấn Phong Thổ dựng nhà xưởng, thu mua chuối, đóng chuối và chở đi các cửa khẩu khác xuất sang nước bạn láng giềng. Hiện tại, chợ chuối này có hơn 10 thương lái tham gia hoạt động.

Anh Hoàng Vần Phà – thương lái thu mua chuối ở chợ cho biết: Tôi ở trong bản Thèn Sin của xã Ma Li Pho ra đây thuê đất được 2 tháng. Mỗi một ngày tôi thu 20 tấn chuối quả đủ cho 1 chuyến xe chở đi xuất khẩu sang bên kia qua cửa khẩu Tân Thanh. Hiện tại, giá chuối quả chúng tôi thu mua là 12 nghìn đồng/kg đối với quả đẹp; chuối quả xấu hơn từ 7-8 nghìn đồng/kg. Tôi thuê 20 nhân công để đóng chuối và bốc hàng lên xe. Mỗi chuyến xe trừ chi phí, tôi lãi được 7 triệu đồng. Mức lương lao động làm việc ở đây nhận được từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Ở phía ngoài đường tấp nập xe chở chuối bao nhiêu thì trong mỗi khu xưởng của các thương lái sôi động, nhộn nhịp bấy nhiêu. Các lao động làm việc luôn chân luôn tay; người cân chuối, xếp từng buồng ngay ngắn; người cắt từng buồng chuối thả vào thùng nước, người rửa chuối với đôi tay nhanh thoăn thoắt; người đóng chuối cẩn thận lựa chọn từng nải chuối, vặt bỏ những quả hỏng xếp ngay ngắn vào trong hộp carton. Phía bên xưởng khác, các lao động đang bốc hàng lên xe. Họ vừa làm việc, vừa nói chuyện vui vẻ với nhau. Dường như, với họ, những công việc này là niềm vui mỗi ngày. Chỉ đứng một lúc xem mà chúng tôi toát mồ hôi theo cường độ làm việc của mọi người.

Chị Phàn Thị Lan – bản Sòn Thầu 1, xã Ma Li Pho tươi cười: Ai làm việc ở đây cũng vậy hết, chúng tôi thành quen rồi. Bởi lương nhận được dựa trên số lượng đóng chuối một ngày. Vì thế, mọi người đều hăng say làm việc từ 8 giờ sáng cho đến 8 giờ tối; tùy thuộc vào lượng chuối ông chủ mua có thể nghỉ sớm hoặc muộn hơn. Cơ bản công việc nhàn, lương ổn định; vì thế nên cả mẹ chồng, mẹ đẻ của tôi dù ngoài 60 tuổi rồi vẫn đi.

Để chợ chuối hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, UBND thị trấn Phong Thổ đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, linh động. Đồng chí Nguyễn Văn Tuyển – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ cho biết: Đơn vị thường xuyên cử người xuống tuyên truyền các chủ thương lái thu mua chuối không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; hàng ngày thu gom phế phẩm nông nghiệp sạch sẽ, không để bừa bãi ô nhiễm môi trường; xả nước thải theo đúng quy định; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhắc nhở bà con để xe chuối đúng nơi quy định, tránh tình trạng tràn lan ra lòng đường gây ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông.

Được biết, khu chợ chuối đang hoạt động nằm trong quy hoạch chợ nông sản của huyện Phong Thổ giai đoạn từ nay đến năm 2025. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản cho người nông dân; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cửa khẩu. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng hàng hóa thị trường gắn với kinh tế cửa khẩu như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phong Thổ đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.