Lai Châu: Đồng lòng giữ “lá phổi xanh”

BVR&MT – Có dịp về Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) trong những ngày trung tuần tháng 11, chúng tôi dễ dàng gặp những cánh rừng tự nhiên xanh ngút tầm mắt. Trong cái màu xanh bạt ngàn ấy, tôi nghe đâu đó tiếng gió reo từ đại ngàn cổ thụ. Tiếng reo ấy dường như là sự vui mừng của những cánh rừng khi được người dân nơi đây đồng lòng bảo vệ, gìn giữ cho con cháu mai sau.

Đồng chí Lò Văn Lục – Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững xã Phúc Khoa chia sẻ: Những năm gần đây, rừng Phúc Khoa được bảo vệ rất tốt. Tính hết năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của đạt 70,43%. Bây giờ bà con Nhân dân trong xã đã hiểu rừng không chỉ là “lá phổi xanh” gìn giữ môi trường, bảo vệ nguồn nước mà còn mang lại thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nên việc chăm sóc và bảo vệ rừng ngày càng có hiệu quả hơn”.

Như để chứng minh điều mình nói, anh Lục giới thiệu chúng tôi đến thăm cánh rừng do bản Nậm Bon quản lý và bảo vệ. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là những cánh rừng tự nhiên xanh ngút tầm mắt với nhiều cây gỗ quý như: nghiến, lát, pơ-mu… Điều đó, khiến chúng tôi có cảm giác như đang thăm một khu rừng nguyên sinh hay khu bảo tồn ở các vườn quốc gia.

Trong lúc thăm rừng, tình cờ gặp anh Sần Văn Viên – Trưởng bản Nậm Bon cùng một số thành viên trong tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng đi tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản. Anh Viên kể: thời điểm vào mùa khô, hầu như tuần nào chúng tôi cũng cử vài thành viên kiểm tra rừng để phòng tránh kịp thời những rủi ro bất trắc khi rừng bị xâm hại. Vì Nậm Bon là một trong những bản có diện tích rừng lớn và có nhiều cây gỗ quý đã được tái sinh, nên nhiều kẻ xấu dòm ngó và có ý định khai thác trái phép. Do vậy, chúng tôi phải thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng bởi rừng còn là cuộc sống của chúng ta còn”.

Cán bộ hạt kiểm lâm, thành viên tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng bản Nậm Bon (xã Phúc Khoa) phát dọn thực bì bảo vệ rừng.

Được biết, bản Nậm Bon hiện có hơn 1.000ha rừng được chi trả DVMTR, hàng năm bản được nhận hàng tỷ đồng. Vì vậy, việc bảo vệ rừng được người dân thực hiện nghiêm túc. Bản thành lập 1 tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng với 62 thành viên. Đồng thời, tổ có trách nhiệm không cho bà con lấy củi, đốt nương, làm rẫy khi chưa được phép của trưởng bản và kiểm lâm cắm địa bàn.

Các hộ muốn đốt nương, làm rẫy thì phải báo với tổ trưởng, kiểm lâm để được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nương rẫy gắn với phòng chống cháy rừng và ký cam kết không để cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó, vào các cuộc họp bản, sinh hoạt đoàn thể, bản cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tới mỗi người dân, hộ gia đình.

Hiện nay, bản Phúc Khoa có hơn 300ha được chi trả tiền từ DVMTR, mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Để diện tích rừng luôn phát triển tốt, tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng bản thường xuyên tuần tra nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp xâm hại, làm tổn hại đến diện tích rừng. Đặc biệt khi vào mùa khô, tổ đi kiểm tra rừng nhiều hơn với quyết tâm không để tình trạng cháy rừng nhất là những cánh rừng bản được chi trả tiền.

Theo đồng chí Lò Văn Lục – Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững xã Phúc Khoa cho biết: Toàn xã hiện có 5.846,94ha đất có rừng, trong đó diện tích cung ứng được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là 5.800,90ha, tổng số tiền được chi trả mỗi năm gần chục tỷ đồng. Để giữ cho những cánh rừng mãi xanh tươi, hàng năm cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với cán bộ kiểm lâm cắm địa bàn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp xã, tu sửa 3 chốt bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các cửa rừng của bản: Hô Bon, Nậm Bon, Hô Be.

Cùng với đó, kiện toàn và thành lập 6 tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng cấp bản, 1 tổ chuyên trách cấp xã. Các tổ chuyên trách có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững xã vận động các bản xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng để gắn trách nhiệm giữ rừng cho bà con. Do đó, nhiều năm nay xã không có vụ cháy rừng, cháy thảm thực vật xảy ra.

Rời Phúc Khoa khi mặt trời đã xuống núi, chúng tôi không khỏi khâm phục tinh thần đoàn kết, đồng lòng bảo vệ rừng của người dân nơi đây. Tin rằng, tinh thần ấy sẽ ngày càng được phát huy, để giữ những cánh rừng ở Phúc Khoa ngày một thêm xanh.