Lai Châu: Chuyện vận động học sinh ra lớp ở các xã vùng biên

BVR&MT – Tuần đầu của năm học mới, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần 3 cấp bậc học ở các xã vùng biên huyện Phong Thổ đạt bình quân trên 96%. Có được kết quả này là sự vào cuộc quyết liệt của Ban Giám hiệu các nhà trường phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương và những cố gắng không ngừng nghỉ, vượt khó của đội ngũ thầy, cô giáo đam mê với nghề, yêu thương học sinh.

Chúng tôi đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) Tiểu học và THCS xã Tung Qua Lìn vào ngày cuối tuần của tuần đầu tiên sau khai giảng. Từ sân trường, chúng tôi đã nghe những tiếng đồng thanh đọc bài trong trẻo, ngộ nghĩnh của các em lớp 1, lớp 2. Ghé qua một số lớp, chúng tôi thấy các lớp đều đông đủ học sinh, khuôn mặt bạn nào cũng vui tươi, rạng rỡ.

Cô giáo Lù Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS xã Tung Qua Lìn cho biết: Trường có 20 lớp học với 550 học sinh, trong đó bậc tiểu học có 14 lớp, 381 học sinh. Các năm về trước, tỷ lệ học sinh ra lớp bậc tiểu học đạt 96%, THCS đạt 83%. Từ năm học trước đến đầu năm học này, học sinh bậc tiểu học ra lớp duy trì ở mức trên 98%, bậc THCS 90%; không có học sinh bỏ học. Ở một xã biên giới đặc biệt khó khăn như Tung Qua Lìn thì đây là kết quả đáng tự hào, niềm vui đối với nhà trường, cấp ủy, chính quyền xã trong công tác vận động học sinh ra lớp.

Các thầy, cô giáo Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS xã Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ) đến từng hộ vận động học sinh đến trường.

Để tìm hiểu thêm về những giải pháp mà cô giáo Lan Hương chia sẻ, chúng tôi và một số công chức của xã theo chân các cô giáo trong trường đến từng hộ có học sinh đang độ tuổi đến trường. Ghé thăm hộ gia đình chị Chu Tả Mẩy ở bản Tung Qua Lìn – một trong những hộ nghèo của bản. Được biết, gia đình chị có 5 người con, hiện tại có 2 con độ tuổi học tiểu học, 1 con học mầm non. Hoàn cảnh của chị Mẩy thật éo le khi chồng chị sau cơn bạo bệnh đã qua đời cách đây hơn 1 tháng trước. Tài sản lớn nhất của gia đình là căn nhà xập xệ, có chỗ phải quây bạt làm nơi trú nắng, trú mưa. Bằng sự thương cảm, tấm lòng chân tình, các cô giáo đã thuyết phục được chị Mẩy tiếp tục cho các con đến trường.

Cô giáo Hoàng Thị Doan (giáo viên dạy văn, sử khối THCS) chia sẻ: Tôi công tác ở xã này đã 16 năm. Với chúng tôi, vận động học sinh ra lớp là công việc, trách nhiệm của người giáo viên. Không có học sinh đến lớp thì chúng tôi không thể đứng lớp được. Vì thế, bằng mọi cách, chúng tôi phải vận động học sinh ra lớp học duy trì tỷ lệ chuyên cần. Với các em thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, chúng tôi vận động phụ huynh; hỗ trợ học sinh về đồ dùng học tập và cả những bữa ăn sáng, trưa. Có những em ở xa, chúng tôi luân phiên vào buổi sáng đi xe máy về nhà đón lên trường học. Vẫn biết sự nghiệp “trồng người” còn dài và gian nan vất vả nhưng vì học sinh thân yêu, tình yêu với nghề, chúng tôi sẽ vượt qua.

Rời Tung Qua Lìn, chúng tôi đến thăm Trường THCS xã Sì Lở Lầu – xã biên giới xa nhất của huyện Phong Thổ. Đầu năm học này, tỷ lệ học sinh ra lớp của trường đạt trên 95%, toàn trường có 475 học sinh với 13 lớp, trong đó có 103 học sinh được hưởng chế độ nuôi dưỡng bán trú. Theo lời chia sẻ của thầy giáo Phạm Xuân Trường – Hiệu trưởng Trường THCS xã Sì Lở Lầu, những năm trước đây, công tác vận động học sinh ra lớp khối THCS rất vất vả; đường giao thông đi lại giữa các bản khó khăn; nhiều bản cách trung tâm xã hơn 10km đường rừng. Mặt khác, do phong tục tập quán cùng trình độ dân trí thấp nên nhiều gia đình không cho học sinh đến trường. Hộ nào đông con, đứa lớn bồng đứa bé, rồi phụ giúp bố mẹ lên nương cấy lúa, trồng ngô đảm bảo bữa ăn hàng ngày. Mấy năm nay, qua tuyên truyền, người dân hiểu phần nào của sự học sẽ làm thay đổi vùng đất nghèo biên giới, nên công tác vận động dễ dàng, các em đến trường đều đặn hơn. Ngoài ra, các thầy cô giáo trong trường thường xuyên quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm để học sinh có thêm sách, vở, quần áo đến trường; phụ huynh yên tâm.

Huyện Phong Thổ có 12 xã biên giới thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Những năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của các trường học, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Đồng chí Tẩn Chin Lùng – Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San cho hay: Ngay từ đầu năm học, xã kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục của xã; chỉ đạo các thành viên trong Ban tích cực phối hợp với các trường học đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động. Phát huy vai trò, tiếng nói của những già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ. Đồng thời duy trì, phát triển quỹ khuyến học của xã để hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập.

Từ nhiều giải pháp đó, công tác vận động học sinh ra lớp ở các xã vùng biên huyện Phong Thổ đạt được kết quả tích cực trong đầu năm học 2021-2022. Cụ thể, bậc mầm non có 12 trường, 189 lớp, 4.279 trẻ, tỷ lệ trẻ ra lớp đạt 97,3% (tăng 0,8% so với đầu năm học trước). Toàn huyện có 9 trường tiểu học, 9 trường THCS, 5 trường tiểu học và THCS; trong đó khối tiểu học có 256 lớp với gần 7 nghìn học sinh, tỷ lệ học sinh đến lớp 98,7%; khối THCS có 130 lớp 4.717 học sinh, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 94,7% (tăng 3,4% so với năm học 2020-2021).

Kết quả công tác vận động học sinh ra lớp ở các xã vùng biên đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ về lĩnh vực giáo dục của toàn huyện; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường.