Lai Châu: Bảo vệ rừng để phát triển kinh tế

BVR&MT – Xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) có diện tích rừng lớn với hơn 23.000ha. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân trong xã phát triển kinh tế từ rừng.

Sà Dề Phìn có khá nhiều yếu tố thuận lợi về thiên nhiên, cảnh quan, khí hậu, văn hóa đa dạng và đặc biệt là hệ sinh thái rừng phong phú. Từ nhiều năm qua chính quyền huyện đã định hướng cho xã phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên việc khai thác tiềm năng thế mạnh này của địa phương còn vấp phải một số trở ngại khách quan như: giao thông chưa thuận lợi, cơ sở hạ tầng còn thiếu, việc quảng bá thế mạnh địa phương chưa hiệu quả, dịch bệnh Covid-19… Do đó, ngành Du lịch trải nghiệm thiên nhiên, nghỉ dưỡng vốn là đặc trưng của xã vùng cao này chưa phát huy hết tiềm năng so với điều kiện hiện có. Nhưng về cơ bản, sinh kế từ rừng vẫn đóng vai trò chủ yếu, góp phần đảm bảo đời sống của người dân nơi đây.

Là xã vùng cao vốn có truyền thống giữ rừng nên độ che phủ rừng của Sà Dề Phìn luôn đạt mức trên 60%, cao hơn so với bình quân độ che phủ rừng trên toàn huyện (trung bình đạt hơn 42,12%). Đồng chí Giàng A Tung – Chủ tịch UBND xã cho biết: Công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của xã. Hàng năm, Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng của xã phối kết hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác bảo vệ rừng cho các thành viên, đồng thời tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên địa bàn. Nhằm nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm giữ rừng của người dân, Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng xã huy động bà con các bản tham gia vào công tác này; bầu các tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ có khoảng từ 8 – 10 hộ. Các tổ có trách nhiệm bảo vệ, quản lý diện tích rừng của bản. Mỗi tháng, khi họp giao ban tại UBND xã, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng sẽ báo cáo tình hình địa bàn mình quản lý và đề xuất với Ban Chỉ đạo, chính quyền xã kế hoạch hoạt động theo từng tháng, từng mùa.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ tuần tra kiểm soát rừng tại địa bàn xã Sà Dề Phìn.

Hệ thống sinh quyển rừng phong phú trên địa bàn xã Sà Dề Phìn có đặc trưng rất riêng và rừng đã gắn liền với đời sống của nhiều thế hệ người dân nơi đây nên dân bản tôn trọng, bảo vệ rừng bằng hương ước riêng từng bản. Những cánh rừng của xã trở thành xương sống ghép nối nhiều giá trị tại địa phương như: các di tích lịch sử, phong cảnh thiên nhiên, các vực thác, đồi chè, bản làng ẩn trong sương. Tất cả đã hòa nhập tạo nên sức hút lớn về du lịch.

Việc bảo vệ rừng cũng mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho người dân địa phương từ việc thu hoạch lâm sản phụ dưới tán rừng, trồng thảo quả, các loại cây dược liệu: sa nhân, nấm, chè cây cao… và hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020 toàn xã được chi trả hơn 5,3 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, một số hộ được chi trả trên 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, xu hướng phát triển du lịch của địa phương bị hạn chế do dịch bệnh Covid-19 nhưng tận dụng thời điểm này, xã tập trung hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, đường, cảnh quan để phục vụ du khách khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo anh Tẩn A Sửu, cán bộ Hạt Kiểm lâm Huyện Sìn Hồ phụ trách quản lý rừng tại địa bàn xã Sà Dề Phìn, các đội tuần tra bảo vệ rừng được xã thành lập đã triển khai sâu rộng các chủ trương về công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng để làm du lịch. Bên cạnh đó, còn hướng dẫn cho bà con kỹ thuật làm nương gắn với bảo vệ rừng, làm đường ranh giới cản lửa. Các hộ dân khi đốt nương phải báo cáo với tổ bảo vệ rừng, ký cam kết đảm bảo không để xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, tổ bảo vệ rừng còn tổ chức cắm mới, sửa chữa biển dự báo cấp độ cháy rừng và các biển cấm lửa, cảnh báo người dân…

Nhờ đó, ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân ngày càng được nâng cao. Ông Mùa A Dĩnh ở bản Ma Sao Phìn (xã Sà Dề Phìn) cho biết: Từ khi gia đình tôi được xã định hướng làm kinh tế từ rừng, tôi đã có thu nhập ổn định, không phải đi phá rừng làm nương nữa. Giờ cả bản tôi đều biết giữ rừng, trồng dược liệu, làm du lịch sẽ đảm bảo thu nhập bền vững. Vừa qua gia đình tôi thu được hơn 20 triệu đồng từ trồng dược liệu, 31 triệu đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thời gian tới nếu du lịch phát triển mạnh, có nhiều du khách tới địa phương, tôi sẽ mở thêm quầy hàng, bán đặc sản của địa phương như: chè, rượu ngô men lá và phục vụ ăn uống để tạo thêm thu nhập.

Cũng như gia đình anh Dĩnh, nhiều hộ dân trong xã đều được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, được định hướng phát triển kinh tế phù hợp. Số tiền bảo vệ rừng mà các hộ dân nhận được, nhiều hay ít phụ thuộc vào diện tích rừng giao khoán bảo vệ. Hằng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với xã, triển khai ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với các bản và từng hộ gia đình. Đa số các hộ dân sau khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, đều sử dụng hiệu quả vào đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, không ít hộ dân có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ trồng thảo quả, sa nhân tím dưới tán rừng…

Nếu năm 2019, thu nhập bình quân của xã chỉ đạt 20 triệu đồng/người/năm, thì năm nay ước đạt trên 23 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 7%/năm. Nhận thức được giá trị to lớn từ rừng, người dân xã Sà Dề Phìn càng gắn bó với rừng, bảo vệ để rừng thêm xanh.