BVR&MT – Mỗi năm, cứ vào độ giữa tháng 7, tháng 8 âm lịch, khi tiết trời thu mát mẻ, se lạnh tràn về cũng là lúc mùa na chín đến với người dân La Hiên (Võ Nhai, Thái Nguyên). Vào mùa này, La Hiên như một “vương quốc na” với hàng ngàn cây trĩu quả, tỏa hương thơm dìu dịu trong gió thu. Na La Hiên đã trở thành đặc sản, món quà quý mà trời đất ưu ái ban tặng cho vùng đất này.
Xưa nay, nói đến na là người ta nghĩ ngay tới na Chi Lăng (Lạng Sơn) – loại quả đã được xếp vào danh sách 50 đặc sản ngon nhất Việt Nam, mà ít người biết rằng, Thái Nguyên cũng có thứ na ngon không kém, đó là na Lân Hồng, thuộc xóm Hiên Bình, xã La Hiên. Na Lân Hồng quả to, trắng hồng, thưa hạt, ngọt đậm và hương thơm đặc biệt được chắt chiu từ đất đỏ như đất đỏ bazan cực kì màu mỡ, tươi tốt, lại hứng nắng và đón gió trên sườn núi.
Cây na trồng trên sườn núi bao giờ cũng cho quả ngon ngọt hơn na trồng dưới những vùng đất bằng phẳng. Cây và quả na nơi đây lớn rất tự nhiên, thơm ngọt đặc biệt mà không mất nhiều công chăm bón. Vậy nên, dù chỉ cách nhau 1, 2 km mà vị na đã khác hẳn, giá na Lân Hồng luôn đắt hơn na các vùng khác từ 3 -5 ngàn đồng/kg. Nếu so với na Chi Lăng, có thể nói, na Lân Hồng cũng ngon ngang ngửa, thậm chí có phần nhỉnh hơn về độ to và độ ngọt.
Không phải ngẫu nhiên mà La Hiên được coi là đất na. Bởi ở Thái Nguyên, na được trồng rải rác tại nhiều địa phương, nhưng chỉ có vùng đất La Hiên, na mới có được vị ngọt đậm, hương thơm khó quên không lẫn với bất cứ nơi nào. Na La Hiên quả to, múi căng, thưa hạt, bóc một lớp vỏ mỏng để lộ lớp cùi trắng ngần, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt đậm đà, mùi hương cũng rất đặc trưng, đó không phải là một mùi thơm nức mũi mà nhẹ nhàng, dìu dịu, tinh khiết. Mùa na chín, thương lái từ khắp nơi tấp nập đổ về đây mua na tạo nên sự đông đúc, nhộn nhịp suốt dọc hai bên đường quốc lộ 1B, đoạn qua xã La Hiên.
Cây na trở thành cây trồng chính, được người dân ưu ái gọi là cây “thoát nghèo” hay cây “nông thôn mới” của vùng đất này. Người dân nơi đây ít khi phải mang na ra chợ bán, thường lái buôn đến tận nhà đặt mua, thậm chí có những nhà, lái buôn đến đặt mua cả vườn từ khi na còn chưa mở mắt. Na La Hiên vì thế mà theo chân thương lái đi về khắp các chợ lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, xuôi về Thủ đô ngàn năm văn hiến, ra Quảng Ninh, Hải Phòng, và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Ngon ngọt là vậy nhưng na nơi đây chưa thực sự được nhiều người biết đến bởi chưa có thương hiệu trên thị trường. Na Lân Hồng nói riêng, na La Hiên nói chung đang rất cần được tạo dựng và quảng bá thương hiệu. Khi đã có thương hiệu thì công tác quản lý, kiểm soát nhãn hiệu na La Hiên cũng phải được triển khai phù hợp. Có như vậy, na La Hiên mới khẳng định được vị thế của mình trên thị trường. Được biết, ngoài việc tập huấn, phổ biến kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, tới đây xã La Hiên sẽ tiếp tục đề nghị ngành chức năng công nhận làng nghề trồng na góp phần nâng cao giá trị, đưa hương vị đặc sản của na La Hiên đến với nhiều người tiêu dùng hơn nữa và người trồng na nơi đây không còn rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa như hiện nay.
Hậu Thạch