BVR&MT – Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7 đã mở ra nhiều hướng đi mới gắn với những chính sách liên quan lần đầu được thông qua. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn từ việc ban hành Luật còn phụ thuộc vào cách thức tổ chức thực hiện của toàn hệ thống hợp tác xã trên cả nước.
Theo thống kê của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thực hiện chủ trương của Đảng về thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, cụ thể hóa các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới, đến nay, các cấp Hội Nông dân cả nước đã vận động thành lập gần 3.800 hợp tác xã và khoảng 20 nghìn tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề liên quan.
Đến nay, các cấp Hội Nông dân cả nước đã vận động thành lập gần 3.800 hợp tác xã và khoảng 20 nghìn tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề liên quan.
Bình quân hằng năm, doanh thu mỗi hợp tác xã và tổ hợp tác đạt lần lượt hơn 5,5 tỷ đồng và 400 triệu đồng. Ngoài ra, đã có hơn 700 hợp tác xã sở hữu sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%). Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Với sứ mạng và giá trị sâu xa của hợp tác xã là hỗ trợ và phục vụ nhu cầu các thành viên trên nền tảng hợp tác vì lợi ích chung, trải qua thời gian với nhiều thăng trầm khi được luật hóa và đưa vào thực tế sản xuất nông nghiệp, trong thực tế, kinh tế tập thể vẫn gặp không ít vướng mắc. Vận động thành lập hợp tác xã đã khó khăn, duy trì và phát triển sau đó càng không dễ.
Những bất cập chủ yếu xoay quanh khu vực hợp tác xã còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng và việc chậm chuyển đổi số, đổi mới, ứng dụng khoa học-kỹ thuật. Cùng với đó, phần lớn hợp tác xã còn bị động trong tiêu thụ sản phẩm, năng lực liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Đáng chú ý, nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chưa tham gia thị trường xuất khẩu (ước tính có tới 80% nông sản của hợp tác xã, tổ hợp tác chỉ tiêu thụ qua chợ truyền thống).
Ngoài ra, tình trạng hạn chế về nguồn kinh phí hoạt động còn khiến số hợp tác xã tiếp cận được các chính sách, nhất là về hỗ trợ tín dụng, giao đất, cho thuê đất, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng… vẫn chưa nhiều, hoặc nếu có thì cũng chỉ là các dự án quy mô nhỏ.
Vì vậy, các hợp tác xã chủ yếu hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, dựa trên các dịch vụ đầu vào; liên kết giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp còn yếu, sức cạnh tranh trên thị trường thấp, chưa đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thị trường hiện nay, sản phẩm cũng chưa tập trung vào nhu cầu của thành viên.
Mới đây, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước sẽ có 140 nghìn tổ hợp tác, 45 nghìn hợp tác xã với tổng cộng hai triệu thành viên.
Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng xử lý dứt điểm các hợp tác xã yếu kém kéo dài, ngừng hoạt động, chờ giải thể và những khoản nợ liên quan, thì việc có thêm hàng chục nghìn tổ hợp tác, hợp tác xã mới sẽ chỉ dừng lại ở con số “đẹp” thuần túy hình thức; thậm chí tiếp tục mở rộng số lượng hợp tác xã trì trệ cũng như kéo dài tình trạng chậm phát triển vốn có.
Để thực sự đổi mới mô hình hợp tác xã hiệu quả, hiện đại, cần tập trung phát triển theo cơ cấu, tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt, mang tính ngắn hạn của người nông dân; chú trọng đa dạng hóa ngành nghề, quy mô và chất lượng, hỗ trợ thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động của các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Các hợp tác xã cần đẩy mạnh tính liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác để khắc phục các bất cập, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh trật tự, an toàn xã hội, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.