BVR&MT – Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, Trần Khắc Thẩm – chàng kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) đã “bén duyên” với vùng rốn lũ Nam Đàn (Nghệ An) từ giống dưa leo của đất nước Israel.
Liều mình lập nghiệp
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin, chàng trai sinh năm 1993 Trần Khắc Thẩm (SN 1993, trú xã Nam Phúc, Nam Đàn, Nghệ An),nhận thấy cuộc sống xa quê, thu nhập thấp nên Thẩm quyết định về lại quê nhà. Nung nấu ý định tự mình gầy dựng cơ ngơi để phát triển kinh tế. Thẩm bảo, giống dưa leo đến với Thẩm như là “duyên số” vậy.
Từ những kiến thức công nghệ đã có trên giảng đường Đại Học, Thẩm đã quyết định “liều mình” lập nghiệp trên chính đồng đất quê hương mình từ anh làm nông dân trồng dưa leo.
Mô hình trồng dưa áp dụng công nghệ Israel không còn là điều mới lạ ở vùng đất Nam Đàn, Nghệ An. Thế nhưng, vùng đất trũng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai ngập lụt như xã Nam Phúc thì lại là câu chuyện đáng để bất kỳ ai cũng phải quan tâm.
“Tại sao quê mình lại không áp dụng công nghệ này để vừa có năng suất cao lại an toàn, trong khi ở nước ngoài không có đất người ta vẫn sản xuất được nông sản sạch và mang lại giá trị kinh tế?”, Thẩm kể lại những ngày đầu tiên lập nghiệp.
Khi ra trường, Thẩm bắt đầu đi tham quan, tìm hiểu thêm các mô hình ứng dụng công nghệ Israel ở Đà Lạt, Sài Gòn, Đà Nẵng cho đến các mô hình ở trong tỉnh để triển khai ý tưởng. Sau nhiều phương án, chàng trai sinh năm 1993 quyết định đưa giống dưa leo Israel về trồng thử nghiệm.
Nắm bắt được chủ trương của địa phương về việc dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung của huyện Nam Đàn, Thẩm đã bàn với gia đình tích tụ, thuê vùng đất trũng ở xứ quê mình để xây dựng ước mơ tròng giống dưa leo theo công nghệ Israel.
Kể về những ngày đầu con trai lập nghiệp, ông Trần Văn Quyền (bố Thẩm) cho hay: “Khi nghe con trai nói về kế hoạch phát triển kinh tế tại vùng quê này tôi rất sợ. Bởi ở đây mỗi năm mất mấy tháng ngập nước, mùa hè thì gió Lào nóng nực”.
“Nhưng thấy con quyết tâm thì mình ủng hộ. Toàn bộ tiền cắm sổ đỏ, tiền tiết kiệm bao năm nay hơn nửa tỷ, tôi giao hết cho Thẩm để làm ăn”, ông Quyền giãi bày.
“Dám nghĩ dám làm”
Thu hoạch những lứa dưa chuột trĩu quả đầu tiên, Thẩm phấn khởi: “Nhìn kết quả bây giờ mới bớt lo, còn lúc mới đầu hễ có cây con nào bị bệnh chết là tôi lo mất ăn, mất ngủ”.
Nhìn những kết quả tích cực bước đầu cũng khiến Trần Khắc Quyền (bố Thẩm) cảm thấy đỡ lo, mừng cho con dù biết con đường sau này còn nhiều vất vả. “Có bắt tay vào làm cùng con thì mới thấy ngày nay làm nông nghiệp muốn giàu thì phải áp dụng khoa học, chứ không thể phụ thuộc vào trời như ngày xưa” – ông Quyền ngẫm nghĩ.
Một hệ thống nhà màng rộng 1.000m2 được dựng lên giữa đồng trước con mắt ngạc nhiên lẫn nghi hoặc của người dân trong xã. Những mầm xanh bén đất, nổi bật trên những tấm phủ ni lông rồi vươn mình leo lên dàn dây được treo sẵn… Hiện tại, khi đã vào giữa vụ, mỗi ngày mô hình của Thẩm trung bình mỗi ngày cho thu hoạch từ 250-300kg. Với mức giá trung bình 20.000 đồng/kg thì mỗi ngày. Dưa khi thu hoạch một phần được Thẩm cung ứng cho một số cửa hàng rau sạch ở Nam Đàn, TP Vinh. Phần còn lại được bán lẻ cho người dân trong vùng để ai cũng có cơ hội được dùng nông sản sạch.
Những sản phẩm dưa đáp ứng được phần lớn tiêu chí của sản phẩm sạch như không có dư lượng thuốc trừ sâu, trồng sử dụng phân vi sinh, đảm bảo an toàn cho môi trường… Bên cạnh đó, đất cũng đã xử lý trước khi trồng 1 tháng, sử dụng phân bón hữu cơ được nhập từ các nhà sản xuất uy tín nên loại bỏ hoàn toàn các mầm sâu bệnh, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đáp ứng các tiêu chí của thực phẩm sạch. Nhận thấy những thành công bước đầu của mô hình dưa, nhiều người dân trong, ngoài vùng đã đến tham quan học hỏi.
Luôn rộng cửa chào đón những người dân đến học hỏi, Thẩm hào hứng chia sẻ, làm mô hình này, trước hết là để thực hiện giấc mơ của bản thân nhưng bên cạnh đó cũng muốn bà con thấy được cái hay, cái lợi để làm theo. Quan trọng hơn, qua đây, chàng trai 25 tuổi này còn muốn những sản phẩm sạch có thể tiếp cận, phục vụ cho chính những người nông dân chân lấm tay bùn ở khắp các vùng quê.
Sắp tới em dự định mở rộng sang các nông sản khác như cà chua, bắp cải, rau… để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng”, Thẩm mạnh dạn chia sẻ về những dự định của mình.
Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Phan Văn Khánh cho biết, mô hình trồng giống dưa leo Israel của anh Trần Khắc Thẩm đã trở thành điểm đến học tập kinh nghiệm của nhiều hộ nông dân trong xã. Kết quả phát triển mô hình kinh tế đó đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đình Nguyên