Ký sinh trùng đường ruột đe dọa loài tê giác

BVR&MT – Trứng và ký sinh trùng đường ruột được tìm thấy phố biến trên tê giác ở Vườn quốc gia Chitwan, Nepal. Nguyên nhân được cho là do sự gia tăng dân số của loài, dẫn đến việc gia tăng tiếp xúc của loài với vật nuôi ở khu vực bên ngoài Vườn. Nghiên cứu mới đây công bố trên Tạp chí Annals of Parasitology cho hay.

Nhiều thập kỷ trước, tê giác trong Vườn quốc gia Chitwan tại Nepal hiếm đến mức những khách du lịch mạo hiểm đến đây với hy vọng tận mắt nhìn thấy tê giác thường phải thất vọng trở về.

Nhờ những nỗ lực bảo tồn, số lượng tê giác một sừng (Rhinoceros unicornis) của Vườn quốc gia đã tăng vọt, từ khoảng 100 con vào năm 1970 lên tới 694 con vào năm 2021.

Tê giác ở vườn giờ nhiều đến mức chúng còn xuất hiện ở cả các khu vực vùng đệm bên ngoài vườn quốc gia và trên các cánh đồng chăn thả gia súc như trâu bò. Số lượng và phạm vi sinh sống ngày càng tăng của tê giác được ca ngợi là một thành tựu trong tác bảo tồn, nhưng cũng dẫn đến một hậu quả không mong muốn. Một nghiên cứu mới đây cho rằng: sự tương tác ngày càng tăng giữa tê giác và vật nuôi có thể làm lây lan các ký sinh trùng đường tiêu hóa có hại cho tê giác.

Tác giả nghiên cứu, bà Prashamsa Paudel, Đại học Tribhuvan, Kathmandu (Nepal) chia sẻ: “Chúng tôi đã tìm thấy sự phổ biến của 13 giống ký sinh trùng thuộc bốn lớp khác nhau ở tê giác. Chúng tôi không nghĩ lại có thể tìm thấy nhiều loại ký sinh trùng như vậy ở các cá thể tê giác tại Chitwan.”

Tê giác ở Vườn quốc gia Chitwan, Nepal (Ảnh: bobosh_t via Flickr CC BY-SA 2 )

Các nhà chức trách Nepal – được ca ngợi vì những thành tích trong cuộc chiến chống săn trộm – lo ngại rằng các mối đe dọa đối với loài vẫn tồn tại khi những cá thể loài này chết với số lượng lớn với những tác nhân không liên quan đến con người.

Từ năm 2004 đến năm 2014, 81 cá thể tê giác đã chết vì những nguyên nhân như: tuổi già hay đấu tranh sinh tồn, trung bình khoảng 7 cá thể tê giác qua đời mỗi năm. Con số đó tăng vọt kể từ năm 2015 đến năm 2017, có tới 60 cá thể tê giác tử vong trong giai đoạn này, tương đương 20 cá thể mỗi năm. 43 cá thể tê giác đã chết trong năm tài chính 2018-2019 và 26 cá thể trong năm tài chính 2019-2020. Từ tháng 7 năm 2021 đến nay, đã có 32 con tê giác chết vì những tác nhân không liên quan đến con người. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nhưng vẫn chưa có kết luận chính xác để giải thích cho vấn đề này.

Để phục vụ cho nghiên cứu của mình, Paudel và các đồng nghiệp đã phân tích 100 mẫu phân tê giác. Họ tìm thấy một hoặc nhiều ký sinh trùng trong 91 mẫu; 87 mẫu chứa giun tròn (giun đũa), 45 mẫu chứa sán lá (giun dẹp), 16 mẫu chứa sán (sán dây) và 9 cá thể có động vật nguyên sinh (ký sinh đơn bào).

Bà Paudel cho biết: “Những ký sinh trùng được tìm thấy ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hoá của tê giác. Mặc dù không giết chết động vật nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và là nguyên nhân gây bệnh trong điều kiện căng thẳng.”

Tê giác đi uống nước ở Vườn quốc gia Chitwan, Nepal (Ảnh: Wonker/Flickr)

Một ca nhiễm ký sinh trùng ở tê giác Sumatra tại Trung tâm Bảo tồn tê giác Sungai Dusun, Malaysia, năm 2003 được coi là một lời cảnh báo với các nhà bảo tồn xem nhẹ vấn đề này. Thời điểm đó, toàn bộ quần thể tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) nuôi nhốt ở Bán đảo Malaysia đã chết trong vòng ba tuần. Khám nghiệm cho thấy có sự phát triển đột biến của vi khuẩn E. coli và K. pneumoniae dẫn tới nhiễm trùng và sự hiện diện của ký sinh trùng trypanosome (Trypanosoma evansi) trong máu của động vật. Đàn trâu bên ngoài hàng rào với Trung tâm được cho là ổ chứa dịch bệnh.

Amir Sadaula, bác sĩ thú y của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Chitwan, cho biết: “Chúng tôi quan sát thấy rằng, ký sinh trùng đường tiêu hóa đã trở nên phổ biến ở tê giác một sừng với kích thước lớn hơn. Hầu hết các cuộc khám nghiệm trên tê giác, chúng tôi đều tìm thấy sự phổ biến của ký sinh trùng. Trong môi trường hoang dã, chúng tôi không được phép sử dụng thuốc chống lại những ký sinh trùng này”.

Một nghiên cứu về tê giác một sừng ở Vườn quốc gia Kaziranga ở Ấn Độ đã chứng thực những phát hiện của Sadaula. Nghiên cứu công bố hồi năm 2018 cho thấy trứng ký sinh trùng được tìm thấy ở tê giác hoang dã chủ yếu là sán lá, giun tròn và giun sán. Tất cả các mẫu lấy được đều chứa trứng sán, 94% có trứng giun tròn và 56% là trứng giun.

Nhà ký sinh trùng học Janak Raj Subedi,  Đại học Tribhuvan, đồng tác giả nghiên cứu Chitwan cho biết: “Chúng ta cần hiểu rõ hơn về nguồn gốc của ký sinh trùng và biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này”. “Các nghiên cứu gần đây chỉ xác định  ký sinh trùng ở cấp độ chi, chúng tôi cần một nghiên cứu phân tử chi tiết hơn để xác định các loài có liên quan. Do đó, chúng tôi cần thêm các nguồn lực và kinh phí” ông chia sẻ thêm. Nghiên cứu của Kaziranga cũng khuyến nghị như vậy.

Sadaula cho biết việc xác định các loài ký sinh trùng có liên quan sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu được quá trình lây nhiễm ký sinh trùng từ động vật hoang dã sang gia súc và ngược lại, từ đó xác định các giải pháp để ngăn chặn sự lây lan của ký sinh trùng.

Paudel cho biết, các khu vực rừng vùng đệm có cả gia súc và động vật hoang dã thường xuyên lui tới có thể là không gian cho quá trình lây nhiễm này. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần thực hiện các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn sự lây nhiễm trong khi chờ các nghiên cứu phân tử tiếp theo.

Huyền Trang (Theo Mongabay)

CHIA SẺ