BVR&MT – Tiếp tục câu chuyện về vấn nạn ô nhiễm môi trường từ việc hàng loạt các cơ sở sản xuất nhôm đúc mọc lên ở xã Hải Vân (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), những bất đồng trong quan điểm xây dựng kinh tế, những hệ lụy từ việc phát triển không định hướng, đang trở thành một trăn trở tại vùng đất này.
(Kỳ 1): Cuộc sống “ngột ngạt” bởi bụi và tiếng ồn
(Kỳ 2): Xã Hải Vân có xứng đáng đạt chuẩn Nông thôn mới?
Nhiều sai phạm vẫn đang diễn ra
Như ở 2 bài trước của loạt phóng sự này chúng tôi đã phản ánh, trên địa bàn xã Hải Vân một vài năm trở lại đây đã lần lượt có tổng cộng 28 cơ sở sản xuất nhôm đúc được mở ra.
Khi mà hoạt động này trở nên nhộn nhịp như một phong trào phát triển kinh tế, người dân địa phương bắt đầu cảm thấy những mối đe dọa mà họ sẽ buộc phải đón nhận. Khói bụi, tiếng ồn trở thành kẻ thù của môi trường nơi đây, và sự thật đang ngày ngày âm thầm gieo mầm cho những bệnh tật. Đã có những thay đổi đối với cuộc sống và môi trường sống của người dân nơi đây. Trước thực trạng trên, họ cùng nhau lên tiếng để hi vọng về một cuộc sống an toàn hơn.
Điều đáng nói là cả 28 cơ sở này đều không hề được cấp phép hoạt động. Tìm hiểu được biết, hầu như tất cả đều đã thực hiện việc đăng ký kinh doanh, trở thành các doanh nghiệp để thuận tiện cho quá trình hoạt động. Thế nhưng, các quy định về bảo vệ môi trường, các vấn đề buộc phải có để đủ tiêu chí hoạt động ngành nghề đúc kim loại, xây dựng xưởng sản xuất đúc nhôm hợp kim như cam kết, kế hoạch về bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý khói thải, hệ thống xử lý các nguy cơ ô nhiễm… thì gần như không một công ty, cơ sở nào có, hoặc có nhưng không đảm bảo theo quy định.
Chưa hết, việc xây dựng xưởng sản xuất một cách ồ ạt khiến khu vực này ngẫu nhiên trở thành một làng nghề trên địa bàn xã Hải Vân mà không được quy hoạch thành khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng là một điều đáng để bàn về chức năng quản lý của chính quyền địa phương nơi này. Ở một phạm trù quản lý khác, cơ quan chức năng liên quan của xã, huyện cũng đã và đang để cho việc xây dựng nhà xưởng mọc lên một cách ồ ạt, không giấy phép, không quản lý trên đất thuộc phạm vi đất nhà ở thổ cư và đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên về các vấn đề này ngày 20/4 vừa qua, ông Đỗ Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu không lý giải được tại sao lại để xảy ra các sai phạm ấy, cũng như không đưa ra được quan điểm nào của huyện này về việc xử lý sai phạm, trách nhiệm liên quan.
Chưa hết, người dân nơi đây còn cho biết, thực ra điều này đã được người dân cảnh báo từ trước nhưng chính quyền địa phương không để tâm chú ý đến. “Ngay như ở xóm tôi, xóm 4 có cơ sở Công ty Hoàng Anh do anh V.A làm chủ. Năm 2015 khi thấy họ bắt đầu hoạt động, dân đã phản đối và cơ sở này đã có văn bản cam kết với xã là không sản xuất đúc nhôm. Thế mà không hiểu xã quản lý thế nào hay là buông lỏng mà sau đó họ vẫn làm, gây ô nhiễm môi trường?” – Anh T, người dân xóm 4 xã Hải Vân bức xúc.
Dân khóc, dân cười, quan thì lúng túng?
Ở một góc nhìn tích cực thì xã Hải Vân đang đổi thay từng ngày. Câu chuyện phát triển kinh tế ở nơi đây có lẽ sẽ là một tín hiệu đáng mừng. Chỉ trong một vài năm, hàng loạt các công ty, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được mọc lên đem lại lợi nhuận cho người dân, nền kinh tế cho địa phương và đặc biệt là tạo công ăn việc cho nguồn lao động tại chỗ.
Những người dân – trực tiếp là nhiều những người đang trực tiếp có các cơ sở nhà xưởng ở đây, đã tìm thấy được những niềm vui, tiếng cười khi kinh tế gia đình được nâng cao, đời sống và vai trò xã hội cũng được thay đổi. “Nhiều nhà có xe hơi, có nhà to cao sau chỉ một vài năm làm nghề đấy chú ạ!” – bà L – một người dân chia sẻ.
Thế nhưng, cũng ở xã ấy, ở nơi ấy, khi mà có những tiếng cười ấy thì vẫn có những tiếng khóc âm thầm, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi vì cay xè khói bụi. Việc hầu hết các cơ sở nhà xưởng này không đám ứng được quy định tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường đã và đang góp phần bức tử không gian sống, những mầm hiểm họa đang được gieo rắc từng ngày. Sự thật, họ không muốn, chẳng ai muốn điều này xảy ra, chỉ là vô tình thôi. Nhưng hình như họ không muốn phải lựa chọn, hay đúng hơn, nhiều người dân nơi đây đang nhắm mắt chọn những gì trước mắt. Nghĩa là, họ chấp nhận bỏ quên ngày mai chỉ để có thể phát triển kinh tế của hiện tại.
Nhưng ở những bài trước chúng tôi đã phản ánh, người dân ở nhiều thôn xóm của xã Hải Vân thời gian qua đã và đang nỗ lực để có thể gửi lời kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Họ đã và đang sống trong một môi trường khó chịu, và quan trọng hơn hết, họ nhìn thấy những cái chết chậm đang diễn ra.
Gần 30 cơ sở hoạt động lớn nhỏ với hàng trăm tấn than, nhôm được đốt đúc hàng tháng, thực sự đang trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc sống của họ. Trong những nội dung đơn thư phản ánh, đa số người dân đều bày tỏ quan điểm rằng ủng hộ việc phát triển kinh tế địa phương, thế nhưng chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý đúng đắn, có định hướng và trên hết là phải đảm bảo được môi trường sống cho người dân.
Trả lời về các vấn đề trên, đại diện lãnh đạo huyện Hải Hậu – ông Đỗ Trung Kiên – Phó Chủ tịch huyện cho biết, địa phương này cũng đang bất ngờ, băn khoăn và chưa tìm được giải pháp để giải quyết. “Bây giờ dẹp đi thì không dẹp được, người dân làm kinh tế, địa phương cũng phát triển lên từng ngày, giờ mà dẹp bỏ đi thì ảnh hưởng nhiều đến các xưởng sản xuất ấy, người lao động cũng mất việc” – ông Kiên nói.

Khi được hỏi về giải pháp, ông Kiên cho rằng giờ huyện Hải Hậu cũng chỉ có thể chờ đợi vào việc tỉnh sẽ cho quy hoạch một khu công nghiệp để có thể di chuyển các xưởng sản xuất này ra nơi tập trung. Thế nhưng, việc có thể đưa ra một quy hoạch, cho đến khi quy hoạch ấy thành hiện thực thì lại là một bài toán khó, cũng cần không ít thời gian. Vậy trước khi điều ấy được thực hiện thì người dân sẽ tiếp tục phải sống chung với hiểm họa ô nhiễm môi trường hay chăng? Ông Phó chủ tịch đã không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho điều này.
Cũng trong buổi làm việc, lãnh đạo huyện Hải Hậu cho biết trong tuần tới sẽ tổ chức đoàn liên ngành để thanh kiểm tra các cơ sở hoạt động không phép này. Sau khi kiểm tra sẽ có những phương án cụ thể nhằm hạn chế tối đa có thể những hệ lụy, những cơ sở nào vi phạm nặng sẽ phạt hành chính, yêu cầu thực hiện các công tác bảo vệ môi trường, xử lý khói thải.
Và đó chính là hiện trạng, là sự thật về hiện trạng của huyện Hải Hậu ngày nay. Đây là một trong những đơn vị tiên phong đạt được danh hiệu nông thôn mới, và cũng là một đơn vị đang hướng tới việc hoàn thành NTM giai đoạn 2, trở thành một đơn vị NTM kiểu mẫu. Thế nhưng, nếu cho rằng vấn đề ở xã Hải Vân là một “góc khuất”, một “hệ lụy” từ việc phát triển kinh tế nông thôn, thì chính quyền địa phương huyện này đang lúng túng chưa tìm ra được giải pháp triệt để?
Tất nhiên, nếu đưa ra phương án về việc cứ đến đâu thì giải quyết đến đó, hoặc việc chờ đợi quy hoạch thì đúng là điều không nên. Ngay từ ban đầu, có lẽ huyện Hải Hậu nên lường trước và có được những giải pháp an toàn để có thể vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Thiên Thảo