Kit xét nghiệm của Việt Á và mong ước “kỷ nguyên mới về công nghiệp dược”

BVR&MT – Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, phải rà soát lại nghiêm túc vấn đề mua sắm, giá cả vật tư, trang thiết bị y tế tham gia chống dịch.

Vụ việc công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 một lần nữa dấy lên những lo ngại về hiện tượng tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm vật tư y tế, đặc biệt là trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Một vấn đề được đặt ra là làm sao minh bạch hoá công tác đấu thầu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, có phải do chế tài chưa đủ sức răn đe?

Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.BS – ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng: “Qua vụ việc vừa qua, tôi đồng ý với Quốc hội và Chính phủ là phải rà soát lại nghiêm túc vấn đề mua sắm, giá cả vật tư, trang thiết bị y tế tham gia chống dịch”.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, vụ việc vừa qua chắc sẽ có nhiều vấn đề, bởi xảy ra trong tình huống khẩn cấp, nhu cầu khám, chữa bệnh chống dịch quá cấp bách. Tuy nhiên, vị đại biểu này bày tỏ đây chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Với tư cách vừa là ĐBQH và là khoa học về y khoa, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Tôi rất mong muốn vụ việc nêu trên được xử lý đến nơi đến chốn, để nền công nghiệp dược ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Tháng 3/2020 tôi nghe tin ở Việt Nam đã có nơi sản xuất được test kit xét nghiệm PCR tôi rất vui và tự hào. Tôi vui bởi test kit PCR ra đời với nguyên lý của PCR là khuếch đại gen làm được thì một loạt các test kit khác theo nguyên lý này sẽ làm được. Như vậy, một kỷ nguyên mới về công nghiệp dược, công nghiệp sinh phẩm của Việt Nam chính thức được ra đời, trong nguy có cơ là ở chỗ đó”.

Thế nhưng, vị đại biểu này cũng ngậm ngùi không ngờ có loạt sai phạm liên quan đến test kit này. “Cần phải xem xét để xử lý nghiêm minh đúng người đúng tội, nhưng phải đảm bảo được để nền công nghiệp dược của Việt Nam phát triển”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết.

Kit xét nghiệm Covid của công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được xác định bán với giá 470.000 đồng/bộ.

Về thông tin xưởng sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 “lớn nhất cả nước” của Việt Á chỉ rộng 10m2, ĐBQH Nguyễn Anh Trí rất ngỡ ngàng, và đặt câu hỏi: “tại sao lại đơn sơ như vậy?”

“Tôi đặt ra nhiều câu hỏi: Thứ nhất, cơ sở vật chất của một đơn vị được cấp phép sản xuất một loại sinh phẩm rất đặc biệt này? Thứ hai, nguồn cán bộ ra sao? Thứ ba, nguồn nguyên liệu được đưa vào thế nào?”, đại biểu Nguyễn Anh Trí đưa ra một loạt câu hỏi và đề nghị nếu làm sai thì phải xử lý; đồng thời, sai ở đâu phải chỉ ra để chính đơn vị đó và các đơn vị khác không gặp phải sai phạm đó nữa, mục đích là làm cho nền công nghiệp dược của chúng ta có cơ hội được phát triển.

Liên quan đến sản phẩm kit test này của Việt Á, vào thời điểm tháng 4/2020, có rất nhiều thông tin từ các cơ quan chức năng khẳng định WHO chấp thuận được sử dụng rộng rãi. Trong đó, trang web của Bộ KH-CN nhiều lần đưa tin WHO đã chấp nhận, tuy nhiên đến nay tất cả đã không còn truy cập được.

 

Đảm bảo minh bạch trong mua bán, đấu thầu

Thời gian qua, rất nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật về việc thổi giá thiết bị y tế, nhìn nhận dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Trưởng Phòng Tranh Tụng, Công Ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội) cho biết, cơ chế quản lý về trang thiết bị y tế được quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 sẽ hết hiệu lực vào ngày 01/01/2022 và được thay thế bời Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8/22/2021 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Nghị định 98/2021/NĐ-CP bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế nhằm mục tiêu giải quyết các tồn tại, bất cập trong quản lý giá giai đoạn vừa qua như cùng một trang thiết bị y tế nhưng có nhiều mức giá, giá trúng thầu giữa các cơ sở y tế có sự khác biệt đáng kể, không có mức giá tham khảo để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu…

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Nghị định 98 là động thái tích cực nhằm tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sản xuất, mua bán trao đổi trang trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phòng chống dịch trở lên vô cùng cấp thiết. Trong giai đoạn này, không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực. Các vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh đã xuất hiện ở nhiều địa phương.

Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng, nghiêm túc triển khai các quy định trên thực tế, đồng thời tăng cường kiểm soát, giám sát tốt hơn quá trình mua bán này để không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch.

Từ những vụ việc liên quan đến giá thiết bị y tế, Luật sư Hùng cho rằng, thực tiễn công tác quản lý trang thiết bị y tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc mua bán trang thiết bị y tế trở lên cấp bách và áp dụng các biện pháp rút gọn hơn thì nguy cơ phát sinh tiêu cực cũng sẽ cao hơn. Thời gian qua có nhiều vụ án liên quan đến việc mua bán trang thiết bị y tế đã được cơ quan chức năng làm rõ.

“Để hạn chế những sai phạm trong lĩnh vực này, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, rà soát lại quy định pháp luật trong việc quản lý trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo sự minh bạch tài chính và thu chi và đặc biệt cần xử lý nghiêm minh nếu phát hiện ra sai phạm”, vị luật sư này nhấn mạnh.

Luật sư Hùng cũng bày tỏ, các vụ việc tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán trang thiết bị vật tư y tế. Nhất là khi cả nước đang gồng mình chống dịch, việc xuất hiện những vụ việc tham nhũng vật tư y tế, gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.

“Tham nhũng, trục lợi trong việc mua bán trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh,… đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh hết sức khó khăn như hiện nay, là hành vi vi phạm nghiêm trọng và cần phải xử lý kịp thời. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần làm sao kiểm soát, giám sát chặt chẽ đảm bảo sự minh bạch trong việc mua bán, đấu thầu trang thiết bị vật tư y tế.

Ngoài ra, cần siết lại các quy định về hệ thống cơ quan giám sát và tăng trách nhiệm của việc giám sát trong thu chi mua bán trang thiết bị y tế”, Luật sư Hùng nhấn mạnh.

Ngày 18/12, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương liên quan.

Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 bị can, trong đó, có ông Phan Quốc Việt (SN 1980)- người sáng lập đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19.

Cơ quan điều tra xác định, Công ty Việt Á đã cung ứng Kít xét nghiệm cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

Tags: ,
CHIA SẺ