Kinh tế đồi rừng – hướng làm giàu bền vững

BVR&MT – Tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế địa hình đồi núi, tỉnh Lào Cai đã xác định phát triển kinh tế đồi rừng là giải pháp giảm nghèo và hướng tới làm giàu bền vững cho người dân.

Diện tích trồng quế ở xã Vĩnh Yên (Bảo Yên) ngày càng mở rộng.

Những năm qua, tư duy sản xuất lâm nghiệp đã chuyển từ “bảo vệ và phát triển rừng” sang “phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học”, hoặc “phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững”. Kinh tế đồi rừng phát triển theo hướng đa dụng, ngoài sản phẩm là gỗ, thì lâm sản ngoài gỗ và các giá trị của hệ sinh thái rừng được khai thác ngày càng hiệu quả, như du lịch sinh thái gắn với rừng, dịch vụ môi trường rừng và tiến tới là tín chỉ các bon. Kinh tế đồi rừng đã tạo việc làm ổn định cho hơn 40.000 lao động của tỉnh; nhiều hộ vùng nông thôn các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bắc Hà… đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ kinh tế đồi rừng.

Câu chuyện làm giàu từ kinh tế đồi rừng của hộ ông Triệu Kim Thọ, dân tộc Dao đỏ, thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) là một ví dụ điển hình. Cuộc sống của cả gia đình ông chỉ trông chờ vào nương ngô, nương sắn, mỗi khi giáp hạt gia đình ông lại vất vả đi làm thuê để có tiền mua gạo. Trong lần đi làm thuê, ông nghe người ta kể về cây quế ở Văn Yên (Yên Bái) giúp người dân không chỉ đủ ăn mà còn làm giàu. Ông bàn với vợ vay mượn tiền mua cây quế giống trồng thay thế cây ngô, cây sắn trên nương. Thấy cây quế sinh trưởng nhanh, ông đề xuất với UBND xã giao cho phần đồi cằn để mở rộng diện tích. Thậm chí, ông còn thuyết phục các hộ nhượng lại diện tích canh tác sắn để trồng quế. Dần dần, gia đình ông đã có vài ha quế và mỡ. Mỗi năm, gia đình ông tỉa thưa cũng cho nguồn thu khoảng 100 triệu đồng. Năm 2014, gia đình ông quyết định khai thác trắng diện tích quế với khoảng 1 ha, thu được hơn 300 triệu đồng. Hiện gia đình ông Thọ có 10 ha quế, với giá thu mua vỏ quế như hiện nay, đến kỳ khai thác, mỗi ha quế mang lại cho gia đình 300 triệu đồng. Kinh tế đồi rừng đã giúp gia đình ông Thọ có cuộc sống dư dả, nhà ở xây khang trang, tiện nghi đầy đủ.

Nhiều hộ dân xã Nậm Đét (Bắc Hà) làm giàu từ trồng quế.

Thực tế cho thấy, ngoài sản xuất gỗ thì các sản phẩm ngoài gỗ và các giá trị dịch vụ của rừng đã đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, phát triển kinh tế đồi rừng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tỉnh xác định tập trung phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Phát triển kinh tế đồi rừng thực chất là phát triển rừng tốt, quản lý, bảo vệ rừng bền vững, sử dụng rừng hiệu quả, phù hợp, góp phần gia tăng giá trị từ rừng. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế đồi rừng; tăng cường sự lãnh đạo, vào cuộc, gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng bền vững, hiệu quả tại địa phương.

Tổ chức triển khai hiệu quả dự án trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Đối với vùng thấp, thúc đẩy phát triển sản phẩm quế, tiến tới đưa quế Lào Cai trở thành sản phẩm quốc gia; đối với vùng cao, nghiên cứu đưa các loài cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với vùng đồi núi và cho sản phẩm phụ để người trồng rừng có thu nhập. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng rừng tại những diện tích nương không hiệu quả, không để đất bỏ trống, hướng dẫn khai thác lâm sản hợp lý gắn với phát triển các loại lâm sản ngoài gỗ (tre, măng, trẩu, hồi…), lâm sản dưới tán rừng (dược liệu, cây lấy lá, lấy củ, lấy nhựa…). Song song với phát triển về số lượng, sẽ đẩy mạnh nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp thông qua chế biến, gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tạo ra các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường lâm sản, góp phần tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.

Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên gắn với khai thác và sử dụng tối đa các loại dịch vụ từ rừng, như dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học; quản lý chặt chẽ và hướng dẫn khai thác hợp lý các sản phẩm phụ từ rừng. Thúc đẩy việc triển khai, thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và khuyến khích phát triển du lịch sinh thái đồi rừng; xây dựng các mô hình kinh doanh rừng tổng hợp.

Gắn trách nhiệm phát triển rừng với quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động, huy động người dân tham gia liên kết trồng rừng, sản xuất lâm nghiệp; hướng dẫn người dân trồng rừng tạo ra các sản phẩm hữu cơ, có chứng chỉ FSC (FSC-FM, FSC-CoC, FSC-CW); hỗ trợ các chủ rừng xây dựng và triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; đề án cho thuê môi trường rừng…

Hỗ trợ, thúc đẩy việc thành lập các tổ hợp tác phát triển sản xuất và liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản, tạo tiền đề thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển trồng rừng, hình thành vùng nguyên liệu cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến và xuất khẩu. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản tại tỉnh, tạo sức bật cho ngành lâm nghiệp nói chung và kinh tế đồi rừng nói riêng.

Năm 2021, toàn tỉnh trồng mới 10.037,6 ha rừng, nâng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung đạt hơn 82.000 ha; đã có 5.730 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Sản lượng khai thác phục vụ các nhà máy chế biến lâm sản đạt 150.000 m3.