Kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng

BVR&MT – Nội dung trên được hướng dẫn tại Thông tư số 21/2023/TT-BTC ngày 14/4/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
Kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước sẽ chi hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.

Thông tư số 21/2023/TT-BTC quy định, đối tượng hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thông tư số 21/2023/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể một số nội dung hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, bao gồm:
Một là, thuê, khoán hợp đồng bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư vùng đệm; thuê người bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh. Ban quản lý rừng đặc dụng xác định diện tích rừng cần thuê, khoán hợp đồng bảo vệ rừng.
Hai là, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ quản lý bảo vệ rừng gồm trang thiết bị dự báo, cảnh báo cháy rừng, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng và các công cụ, trang thiết bị khác phục vụ quản lý bảo vệ rừng.
Ba là, hỗ trợ các lực lượng tham gia truy quét bảo vệ rừng; hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên; tuyên truyền giáo dục pháp luật về lâm nghiệp đối với cộng đồng.
Bốn là, hỗ trợ chi phí quản lý phát triển cộng đồng vùng đệm, gồm: chi phí đi lại hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, họp với Ủy ban nhân dân cấp xã, thôn, bản.
Năm là, chi khác (nếu có).
Theo Thông tư số 21/2023/TT-BTC, mức hỗ trợ trung bình cho quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng là 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích khu rừng đặc dụng được giao Bộ, địa phương quản lý.
Hậu Thạch