Kinh nghiệm từ xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Đắk Nông

BVR&MT – Đắk Nông đã có xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Kết quả này đã để lại nhiều kinh nghiệm quý trong xây dựng NTM của tỉnh.

Bài học về lòng dân

Thôn 15, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) có diện tích trên 1.000 ha. Đây là thôn rộng nhất xã. Trước đây, hạ tầng giao thông của thôn rất kém. Nhưng hiện nay, hầu hết đường trục thôn, nội thôn, đường vào khu sản xuất đều đã được bê tông hóa. Động lực từ hạ tầng giao thông đã tạo nên bước bứt phá mới của thôn 15. Thôn hình thành được các khu vực sản xuất, dân cư tập trung.

Các trục đường nội thôn 15, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đều được bê tông hóa từ sức dân.

Ông Nguyễn Thiện Trung, người đã sống tại thôn gần 20 năm nay. Ông từng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau và hiện là Bí thư Chi bộ thôn 15. Ông Trung cho rằng, thôn đã có bước phát triển mới trong 5 năm gần đây. Trong đó, sức dân là động lực chính để thôn hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao. Chỉ riêng về giao thông, bà con trong thôn đã đóng góp hàng tỷ đồng, hiến nhiều diện tích đất để xây dựng.

Từ năm 2022-2023, bà con đã đóng góp trên 3,6 tỷ đồng để cứng hóa 9,5 km đường trong thôn, chưa kể hiến đất đai, tài sản. Không chỉ hạ tầng giao thông, đời sống của người dân trong thôn 15 cũng được tăng lên, bền vững hơn so với trước đây. Gần như 100% diện tích trồng trọt gồm cà phê, hồ tiêu của bà con đã có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Trong đó, trên 500 ha cà phê đạt chứng nhận Nest’le, 4C, với giá bán luôn cao hơn so với mặt bằng chung thị trường.

Ông Trung khẳng định, để huy động được sức dân, thôn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. “Tuyên truyền để bà con hiểu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là cơ hội. Khi bà con hiểu thì mọi việc bà con chủ động làm, thậm chí làm rất tốt”, ông Trung cho biết.

Theo ông Phạm Khắc Vương, thôn 15, xã Đắk Wer, bản thân ông rất ủng hộ chương trình NTM. Bởi đây là chương trình làm cho dân được dân hưởng lợi. Vì thế, năm 2023, ông đóng góp trên 100 triệu đồng, hiến đất để góp phần hoàn thành nhiều tuyến đường nội thôn. Ông còn học tập, ứng dụng kỹ thuật mới để sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Không chỉ thôn 15, bộ mặt nông thôn xã Đắk Wer những năm gần đây đã có sự thay đổi vượt bậc. Từ giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… được hoàn thiện, đồng bộ.

Theo lãnh đạo UBND xã Đăk Wer, số vốn người dân đóng góp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng vốn thực hiện chương trình NTM. Cụ thể, tổng huy động các nguồn lực cho chương trình trên 42 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 12,2 tỷ đồng, chiếm 29,1%; ngân sách huyện trên 12,3 tỷ đồng, chiếm 29,3%; Nhân dân đóng góp trên 17,5 tỷ đồng, chiếm 41,5%.

Đường trục chính thôn 14, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp (Đắk Nông)

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo

Ông Võ Ngọc Anh, Quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Wer thông tin, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện NTM là yếu tố rất quan trọng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch từ Đảng ủy xã, chính quyền cho tới các chi bộ, thôn, bon…

“Các chỉ tiêu, nhiệm vụ, mục đích được xây dựng trên cơ sở bám sát thực tiễn. Những tiềm năng, thế mạnh, những hạn chế, khó khăn được địa phương phân tích kỹ càng để nghị quyết, kế hoạch có thể thực hiện được, chứ không phải là văn bản suông”, ông Anh cho biết.

Cũng theo lãnh đạo xã Đắk Wer, để xây dựng NTM nâng cao, địa phương đã tranh thủ tốt sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên. Từ đó, xã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành đối với các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể. Chính nhờ đó, Đắk Wer đã đạt 19/19 tiêu chí với 75 chỉ tiêu khác nhau theo Bộ Tiêu chí xã NTM nâng cao. Trong đó, nhiều tiêu chí được đánh giá đạt ở mức khá cao.

Đắk Wer đạt cao tiêu chí về trường học, giáo dục

Cụ thể như đối với tiêu chí về giáo dục đào tạo. Hằng năm, xã đầu tư xây dựng và sửa chữa trường lớp. Vì vậy, tỷ lệ trường học các cấp trên địa bàn có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đạt 100 %. Việc vận động con em trong độ tuổi đến trường đạt 99%; việc thực hiện xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả. Xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc THCS; số lượng giáo viên đạt chuẩn hóa 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT đạt 99%.

Công tác y tế chăm sóc sức khoẻ cho người dân cũng luôn được quan tâm đúng mức. Hiện nay, trạm y tế xã đã được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Công tác khám, chữa bệnh thường xuyên được duy trì bảo đảm theo quy định, thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh tại thôn, bon.

Tiêu chí văn hóa cũng đạt cao, với 10/10 thôn bon đạt và luôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Các giá trị văn hóa đặc trưng của bà con cồng chiêng, dệt thổ cầm được bảo tồn, phát huy tại bon N’doh. Đắk Wer còn đạt cao các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất, hộ nghèo. Kết quả thực hiện giảm nghèo có hiệu quả, năm 2020 có 106 hộ nghèo, 84 hộ cận nghèo.

Đến nay, xã giảm còn 63 hộ nghèo và 65 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người hiện trên 52 triệu đồng/người/năm. Xã có các chuỗi liên kết bền vững về hồ tiêu, cà phê, sầu riêng gắn với mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đắk R’lấp, Đắk Wer đạt NTM nâng cao là kết quả của cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương. Bên cạnh đó còn có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai của toàn Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể huyện; sự đồng hành cao của các phòng, ban.

Đắk Wer đạt cao tiêu chí về trường học, giáo dục

Ông Nguyễn Quang Tứ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết, một trong những kinh nghiệm cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới chính là tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát cơ sở giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mọi công việc đều có sự tham gia góp ý, giám sát của người dân.

Huyện phát huy tốt trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị. Để họ quy tụ được sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân, gây dựng được phong trào. “Xây dựng NTM phải bằng tư duy tiến bộ, hành động thực tiễn, hiệu quả thiết thực”, ông Tứ nhấn mạnh.

Đắk Wer đạt cao tiêu chí về trường học, giáo dục

Cũng theo ông Tứ, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng các tiêu chí. Địa phương đặt ra những mục tiêu, kế hoạch cao hơn cho mình. Song song với hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng cơ sở, huyện tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất gắn chuỗi giá trị cây chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, sầu riêng.

Đặc biệt, Đắk R’lấp chú trọng nâng tầm các sản phẩm OCOP của xã, chuỗi cà phê, sầu riêng của doanh nghiệp liên kết với nhà nông ở Đắk Wer .

Theo lãnh đạo UBND xã Đăk Wer, số vốn người dân đóng góp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng vốn thực hiện chương trình NTM. Cụ thể, tổng huy động các nguồn lực cho chương trình trên 42 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 12,2 tỷ đồng, chiếm 29,1%; ngân sách huyện trên 12,3 tỷ đồng, chiếm 29,3%; Nhân dân đóng góp trên 17,5 tỷ đồng, chiếm 41,5%.