Kim Ngọc mùa rừng thay lá

BVR&MT – Đưa tôi đi thăm đồi quế, ông Hoàng Thế, thôn Nậm Vạc, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) cho biết: “Bán chục cây quế 6 năm tuổi trong vườn đã bằng chặt bán cả đồi keo rồi. Cây quế sẽ phải thay thế cây keo bấy lâu nay trồng tại đất Nậm Vạc thì dân mới khá lên được. Lợi ích từ cây quế hiện nay rất lớn, trồng quế bán được cả gốc lẫn ngọn chẳng bỏ đi cái gì. Lá quế chặt tỉa bán tại đồi cũng thu được ít nhất là 1,5 – 2 ngàn đồng/kg; vỏ quế bóc xong bán ngay cho khách cũng không dưới 25 – 30 ngàn đồng/kg; riêng thân cây quế đã bóc lấy vỏ cũng rất đắt hàng và đang được bán với giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/m3. Như vậy, nếu có 1 ha quế, trồng được từ 6 – 10 năm tuổi sẽ mang lại cho người trồng ít nhất là tiền tỷ đấy anh ạ…”.

Vườn quế trồng cuối năm 2021 của gia đình anh Triệu Văn Khương, thôn Minh Tường.

Phong trào chuyển đổi trồng cây quế thay thế cây keo đang mang lại rất nhiều hy vọng cho người dân Nậm Vạc, người dân Kim Ngọc trong thời gian gần đây. Các thôn Nậm Vạc, thôn Mâng, thôn Mái đều đã chuyển đổi rừng keo thành rừng trồng quế. Anh Seo Văn Dũng, cán bộ xã Kim Ngọc cho biết: Năm 2021, gia đình anh đã phát dọn toàn bộ vườn, đồi trồng gần 7 ha quế thay thế cây keo. Nếu, tính cả xã Kim Ngọc, năm qua cũng đã có ít nhất 2 lần tổ chức trồng hàng trăm ha quế. Trước khi chuyển đổi trồng cây quế, thay cây keo, UBND xã Kim Ngọc đã ứng ngân sách xã tổ chức cho người dân đi Yên Bái, về tận các vùng trồng quế trọng điểm để tận mắt tham quan, học hỏi. Chính thấy lợi ích thiết thực từ cây quế ở Yên Bái, ở Văn Yên nên người dân Nậm Vạc đã đi đầu chuyển đổi; nhà có ít đất trồng ít, nhà có nhiều đất trồng nhiều. Hiện tại, thôn Nậm Vạc có trên 80 hộ thì đã có tới 79 hộ chuyển hầu hết diện tích trồng rừng, sang trồng cấy quế thay thế cây keo; mật độ trồng quế khoảng 1 vạn cây/ha. Dự tính chỉ 3 năm nữa, người dân Nậm Vạc đã có lứa quế đầu tiên được tỉa thưa để bán.

Trao đổi với tôi, Bí thư Đảng ủy xã Kim Ngọc, Nguyễn Doãn Thiện cho biết: Xã Kim Ngọc có trên 2.100 ha rừng. Trong đó, diện tích rừng thuộc xã quản lý là 1.500 ha. Trước đó, toàn bộ diện tích rừng của xã đều được người dân trồng keo, bán gỗ nguyên liệu. Mỗi ha trồng keo được 6 năm tuổi, thu hoạch bán cho các cơ sở chế biến gỗ bóc hoặc băm nhỏ, bán gỗ răm nguyên liệu giấy. Tuy nhiên, giá trị trồng cây keo mang lại còn thấp, mới chỉ khoảng 80 – 100 triệu đồng/ha/6 năm trồng. Mức thu nhập trên chỉ bằng bán khoảng 20 cây quế, có tuổi trồng 6 năm là đủ. Còn nếu trồng 1 ha quế (1 vạn cây quế), thì 6 năm trồng, người dân sẽ có 2 lần được bán tỉa thưa để lấy tiền mà rừng quế vẫn còn ít nhất là 2.000 cây chưa chặt bán. Riêng, giá bán thân, lá cây quế tỉa thưa đang được thương lái tìm mua và trả từ 1,5 – 2 ngàn đồng/kg. Và nếu trồng 1 ha quế sau 10 năm, người nông dân sẽ thu về ít nhất là tiền tỷ. Lợi nhuận từ trồng quế mamg lại cho người dân là rất lớn, vì thực tế khi Đoàn công tác của xã đưa người dân trong xã đi tham quan, học hỏi tại Văn Yên, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái mọi người trong đoàn đều thấy rất rõ. Sản phẩm chế biến từ quế là tinh dầu, vỏ, thậm trí là từ thân cây quế làm ra đều được tận thu, tận chế và có thị trường rất rộng lớn. Chỉ riêng với gỗ cây quế sau khi bóc lấy vỏ dùng làm đồ mộc gia dụng hiện cũng đang được bán rất đắt hàng, đắt giá và đắt khách. Thấy được lợi ích, lợi thế trên, UBND xã Kim Ngọc quyết định chọn cây quế để trồng thay thế cây keo trên toàn bộ diện tích rừng hiện có. Chỉ riêng trong năm 2021, Kim Ngọc đã 2 lần phát động phong trào ra quân trồng quế. Tính sơ bộ, cả 10 thôn bản ở Kim Ngọc đã trồng được khoảng 150 – 200 ha quế thay thế cây keo tại rừng, vườn của các gia đình. Phương pháp trồng thay thế là, thu hoạch rừng keo đến đâu, phát dọn, trồng quế đến đó. Đầu năm 2022, xã Kim Ngọc đã nhận được người dân trong các thôn đăng ký trồng hàng chục ha quế. Phấn đấu trồng từ nay đến năm 2025, Kim Ngọc sẽ trở thành vùng trồng cây quế lớn nhất huyện Bắc Quang. Tương lai, đến năm 2030 hình thành một làng nghề chế biến các sản phẩm làm từ cây quế trồng tại vườn, rừng.

Cũng là chuyển đổi cây trồng để làm kinh tế rừng, anh Triệu Văn Khương, thôn Minh Tường lại chọn cho mình cây Gáo vàng, trồng thay thế cây keo. Khương cho biết, cây Gáo vàng có thời gian sinh trưởng nhanh, rất phù hợp để trồng lấy gỗ. Giá bán gỗ Gáo vàng đang dao động từ 2 – 2,5 triệu đồng/m3. Trồng Gáo vàng chỉ mất 6 năm là cho thu hoạch. Dự kiến, mỗi ha trồng Gáo vàng sẽ cho thu khoảng 120 – 150 m3. Giá trị kinh tế trồng Gáo vàng sẽ lợi hơn rất nhiều trồng keo hiện nay. Trên thực tế, cây Gáo vàng tại vườn rừng của Khương đang phát triển rất tốt. Khương đang hy vọng mấy năm nữa cây Gáo vàng sẽ mang lại lợi ích kinh tế và mở ra cho anh, người dân Kim Ngọc một hướng làm ăn mới để vươn lên làm giàu.

Trước khi rời rừng Gáo vàng của gia đình anh Khương tôi chợt nhận thấy: Rừng ở Kim Ngọc mùa này đang trút bỏ những cánh lá khô cuối cùng để tạm biệt mùa Đông lạnh giá. Mùa Xuân về đang ngập tràn khắp muôn nơi, gió Xuân nhẹ mơn man từng cánh lá non trên rừng. Phải rồi, ở Kim Ngọc mùa này, rừng đang thay lá…