Kim Bảng (Hà Nam): Người dân tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động của các công ty mỏ đá ở Bút Sơn

BVR&MT – Khói bụi bám đầy tường, xe tải trọng qua lại, bụi mù, đường giao thông quá tải, không dọn dẹp vệ sinh đầy đủ… là những nội dung được người dân thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) bức xúc phản ánh đến cơ quan báo chí.

Người dân nơi đây thể hiện sự bức xúc khi gần chục năm trở lại đây, trên địa bàn thôn, hoạt động sản xuất, khai thác của các nhà máy, công ty, mỏ… bất chấp quy định về bảo vệ môi trường xả thải khói, bụi gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường khu vực lân cận.

Cụ thể, bà Trần Thị Vân (trú tại khu vực Cổng trời, thôn Bút Sơn) cho biết: Nhiều năm qua, hàng loạt các mỏ, nhà máy, công ty đẩy mạnh các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng: như vôi, xi măng, cát đá…. trên địa bàn thôn Bút Sơn. Nhưng công tác bảo vệ môi trường dường như chưa thực sự triệt để, và các doanh nghiệp, các lò vôi đang sản xuất khai thác ở đây cũng không nghiêm túc với điều đó

Dẫn chứng cho điều này, bà Vân bức xúc cho biết: hằng ngày, tuyến đường này có tới hàng trăm lượt xe tải chạy qua. Ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa thì đường lầy lội. Xe tải chạy trên đoạn đường này chủ yếu chở vật liệu xây dựng, hoạt động vận tải ra vào của Nhà máy Xi măng Bút Sơn, Công ty Savina, và Công ty Tiến Sơn cùng một số các mỏ lò tư nhân khác…

Người dân thôn Bút Sơn cho biết, hôm nào bụi bẩn quá thì thấy người ta chỉ tưới qua một lần nước, khoảng 15 đến 20 phút đường lại khô, khi xe chạy qua bụi bẩn lại quấn vào nhà dân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khổ nhất là người già và trẻ nhỏ, ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến đường hô hấp, sinh ra bệnh tật.

Chia sẻ với Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn, bà Trần Thị Vân nói rằng: được biết hàng tháng các doanh nghiệp này, mỗi đơn vị đều có nộp về xã số tiền khoảng 3,5 triệu đồng gọi là chi phí vệ sinh môi trường. Nhưng người dân cho rằng hoạt động quét dọn rất ít, dường như chỉ quét gọi là cho có chứ thực ra không đảm bảo được gì cho công tác vệ sinh môi trường.

Con đường dẫn vào khu vực có Công ty Savina, Công ty Cường Phát và Nhà máy Xi măng Bút Sơn thì có những chỗ đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nhưng không hề được các doanh nghiệp này quan tâm sửa chữa.

Nhắc đến vấn đề này khiến người dân quan ngại nhất về ô nhiễm môi trường, bà Vân cho biết: cách đây khoảng hơn 20 năm trước đến nay thì có mỏ đá của ông Đinh Văn Hồng, mỏ đá ông Thuần Quân, mỏ đá Lương Sác, Công ty Savina, Công ty Tiến Sơn và một số mỏ đá lò vôi khác. Trong đó, cơ sở của Công ty Savina đang cho Công ty Cơ khí Ngọc Việt thuê lại để sử dụng.

Trong đó, bà Vân cho rằng mỏ đá của ông Đinh Văn Hồng (tức mỏ đá của Công ty Thi Sơn) là mỏ đá gây ra nhiều quan ngại nhất. Mỏ đá này hoạt động đã ít nhất khoảng 20 năm, có giấy phép và nổ mìn nhưng lại không làm đường, không thực hiện nghiêm việc che chắn. Người dân nơi đây chỉ đề nghị rằng công tác bảo vệ môi trường được làm tốt hơn nữa, nghiêm túc hơn nữa. Thậm chí, người dân cho rằng thay vì nộp tiền cho xã thì các công ty và lò mỏ nên chuyển số tiền đó cho người dân để họ trực tiếp thực hiện việc quét dọn, bảo vệ môi trường.

Hoạt động của các lò mỏ, các công ty nơi đây đang khiến cho môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm trầm trọng. Cát bụi trắng xóa cả một vùng, những hôm trời nắng thì cát bụi tứ tung nhiều khi đứng cách một vài mét là không nhìn thấy nhau.

Hiện trạng này đem lại sự lo lắng sợ hãi cho người dân về nguy cơ bệnh tật và sức khỏe. Đời sống người dân khu vực Cổng trời của thôn Bút Sơn cũng bị ảnh hưởng, phải đóng cửa 24/24, thậm chí không thể hoạt động kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê nhà trọ vì không khí sống, môi trường sống không an toàn.

Chia sẻ về nguyện vọng của mình, người dân khu vực Cổng trời, thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn mong muốn chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, các lò mỏ đang hoạt động sản xuất khai thác tại đây cần nghiêm túc hơn, quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn và nâng cấp đường giao thông, không gian sống an toàn cho người dân.

Trong quá trình tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường, Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã tiệm cận và tìm hiểu về một số vấn đề còn tồn tại, thậm chí là có dấu hiệu vi phạm của một số doanh nghiệp, lò mỏ tại khu vực này trước các quy định về bảo vệ môi trường. Những điều này có thể trở thành vấn đề tạo ra các nguy cơ mất an toàn trong môi trường sống của người dân xã Thanh Sơn ở thời điểm hiện tại và có thể gây nhiều hệ lụy trong tương lai.

Để có thêm nhiều thông tin hơn về vấn đề này, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND xã Thanh Sơn, UBND huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Thiên Thảo – Vũ Trà