BVR&MT – Hiện tỉnh Gia Lai có 22 ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH), được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ gần 330.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Được chuyển đổi từ các lâm trường quốc doanh, các ban QLRPH ở Gia Lai được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ.
Thế nhưng, những năm gần đây, mô hình này đã bộc lộ nhiều bất ổn gây thất thoát ngân sách, mất rừng và chiếm dụng đất lâm nghiệp. Không những để người dân lấn chiếm, một số cán bộ lãnh đạo ban quản lý cũng tham gia xâu xé đất rừng…
Chỗ nào cũng sai phạm
Thanh tra đến đâu sai phạm đến đó là thực trạng đang xảy ra tại nhiều ban QLRPH tại Gia Lai. Hậu quả là hàng nghìn héc-ta rừng bị mất trắng, nhiều tỷ đồng ngân sách nhà nước bị các đơn vị chủ rừng trục lợi. Năm 2018, qua thanh tra tại 10 đơn vị quản lý, bảo vệ rừng (gồm bảy ban quản lý rừng và ba công ty lâm nghiệp), lực lượng chức năng phát hiện 5.100 ha rừng bị mất; hàng chục nghìn mét vuông đất được hợp thức hóa thành đất của cán bộ, nhân viên ban quản lý; hàng chục tỷ đồng ngân sách chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đã bị làm chứng từ khống, có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi. Đáng kể, trong số này Ban QLRPH Bắc Biển Hồ để mất hơn 2.400 ha rừng, sử dụng trái phép gần 95.000 m2 đất lâm nghiệp và có dấu hiệu tham nhũng, để ngoài sổ sách gần 2,5 tỷ đồng; Ban QLRPH Ia Grai để mất gần 400 ha rừng, gây thất thoát hơn 12 tỷ đồng, giả mạo chữ ký trong giao khoán trồng rừng để trục lợi gần bảy tỷ đồng; Ban QLRPH Bắc An Khê để rừng bị mất, lấn chiếm hơn 1.266 ha; Ban QLRPH Ya Hội để mất và bị xâm canh hơn 800 ha. Ban QLRPH Ayun Pa để mất hơn 500 ha rừng và chi sai nguyên tắc hơn 1,6 tỷ đồng. Mới đây nhất, kết quả của ngành thanh tra đã chỉ ra sai phạm tại Ban QLRPH Đắk Đoa với số tiền chi sai hơn 5,4 tỷ đồng, Ban QLRPH Ia Grai có dấu hiệu tham nhũng 16,5 tỷ đồng.
Không chỉ các cán bộ lâm trường lợi dụng chức quyền lấn chiếm đất rừng mà do quản lý lỏng lẻo, người dân, doanh nghiệp ngang nhiên chiếm đất rừng. Trường hợp hai Ban QLRPH Ia Puch và Ia Mơ (địa bàn huyện Chư Prông) là thí dụ. Ban QLRPH Ia Puch được giao quản lý 16.763 ha (trong đó 13.538 ha đất có rừng). Kiểm tra các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao-su, đoàn thanh tra phát hiện từ năm 2008 đến nay để mất 1.228 ha tại 20 tiểu khu, trong số này có 868 ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm đất để làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp; 359 ha bị một số doanh nghiệp chặt phá, lấn chiếm đất để trồng cây cao-su. Điều đáng nói, mặc dù diện tích rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm số lượng lớn, diễn ra liên tục nhiều năm, song Ban QLRPH Ia Puch chỉ lập biên bản vi phạm đối với hơn 62 ha; 1.166 ha còn lại bị người dân, doanh nghiệp phá rừng, lấn chiếm đất, Ban QLRPH Ia Puch không phát hiện và lập biên bản vi phạm cũng như không báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Ban QLRPH Ia Mơ được giao quản lý, bảo vệ rừng gồm 15 tiểu khu. Kết quả kiểm tra thực tế tại 10 trong số 15 tiểu khu, diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm, làm nương rẫy là 545,33 ha. Tuy nhiên, Ban QLRPH Ia Mơ chỉ lập biên bản vi phạm 237,88 ha, xác định được 125 đối tượng lấn chiếm 29,6 ha đất rừng. Còn lại 297,48 ha chỉ mới được thống kê, rà soát, chưa lập biên bản vi phạm, chưa xác định được đối tượng lấn chiếm.
Quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện các ban QLRPH làm chứng từ khống và trục lợi tham nhũng tiền từ ngân sách chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ban QLRPH Đắk Đoa là đơn vị vừa bị Thanh tra tỉnh Gia Lai phanh phui sai phạm tài chính và có dấu hiệu tham nhũng gần 5,4 tỷ đồng (giai đoạn 2013-2018). Trong số này có trường hợp, đơn vị này hợp đồng với ba hộ dân ở xã Hải Yang, xã Đắk Sơ Mei và xã Hà Đông để nuôi dưỡng khoảng 100 ha rừng với số tiền 453 triệu đồng, nhưng xác minh thực tế thì ba hộ dân này chỉ thực nhận 43 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt người dân địa phương được đưa vào danh sách nhận tiền để làm công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng, nhưng qua xác minh thì các hộ đều khẳng định không biết, không nhận tiền và cũng không phải chữ ký của họ. Tương tự như ở Ban QLRPH Đắk Đoa nhưng quy mô lớn hơn là tại Ban QLRPH Ia Grai với số tiền có dấu hiệu tham nhũng lên đến hàng chục tỷ đồng trong giai đoạn 2001-2017. Điển hình, giai đoạn này, đơn vị được giao trồng và chăm sóc 717 ha rừng với số vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế Ban QLRPH Ia Grai chỉ trồng và chăm sóc gần 280 ha, gây thiệt hại và lãng phí tài sản nhà nước số tiền hơn 12,4 tỷ đồng; giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng không đúng đối tượng, không đúng quy định pháp luật nhưng vẫn thanh toán tiền giao khoán với số tiền 4,1 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, Ban quản lý rừng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để nhờ ký hộ các thủ tục hoặc giả mạo chữ ký trên các phiếu chi thanh toán chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Kiên quyết xử lý
Theo Kết luận thanh tra số 06/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Gia Lai, có tổng cộng gần 85.000 m2 của Ban QLRPH Bắc Biển Hồ đã bị lấn chiếm, hợp thức hóa thành đất cá nhân. Trong số này, cá nhân ông Nguyễn Đức (nguyên Trưởng Ban QLRPH Bắc Biển Hồ) chiếm dụng gần 17.000 m2; ông Tưởng Tín (nguyên Trưởng Ban QLRPH Bắc Biển Hồ) chiếm 10.400 m2; bà Mai Thị Ngọc Thỏa (cựu viên chức tại Ban QLRPH Bắc Biển Hồ), nhờ có sự tiếp tay của một số cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Pleiku đã được cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai thửa đất có tổng diện tích hơn 30.277 m2 (tại xã Diên Phú, TP Pleiku). Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận, diện tích này đã được bà Thỏa chia ra, chuyển nhượng cho các cán bộ, lãnh đạo của Ban QLRPH Bắc Biển Hồ. Cụ thể, ông Đặng Văn Cườm (kế toán) nhận chuyển nhượng hơn 10.000 m2; ông Đặng Xuân Thu (Phó Trưởng Ban QLRPH Bắc Biển Hồ) nhận gần 10.200 m2; 10.000 m2 còn lại bà Thỏa chuyển nhượng cho một người khác. Ngày 2/4/2019, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ra Cáo trạng số 04/CT-VKS-P3 truy tố chín bị can trong vụ án này.
Sai phạm của các ban quản lý rừng đang cho thấy có quá nhiều bất thường, bất ổn mang tính hệ thống, cần phải được làm rõ. Theo kế hoạch của UBND tỉnh Gia Lai, trong năm 2019, sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra toàn diện bảy ban QLRPH. Theo Phó Chánh thanh tra tỉnh Gia Lai Trần Thùy Thanh, hầu hết hồ sơ sai phạm của các đơn vị sau khi phát hiện đều đã được chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ điều tra để xử lý sai phạm một số vụ việc khá chậm. “Ngoài vụ việc ở Ban QLRPH Bắc Biển Hồ đã khởi tố, một vụ mới chuyển, còn hai vụ Ban QLRPH An Khê và Ya Hội đã được chuyển sang Công an tỉnh Gia Lai để điều tra, xử lý thì chưa có kết quả, dù vụ việc kéo dài mấy năm” bà Thùy Thanh nói. Ngoài ra, số tiền sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng tại các Ban QLRPH chủ yếu là từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo bà Thùy Thanh, bất cập là trong khi các ban quản lý rừng đã có nguồn ngân sách dùng cho chi thường xuyên thì hằng năm vẫn được cấp số tiền rất lớn từ nguồn dịch vụ môi trường rừng. Cùng với sự buông lỏng quản lý của ngành chủ quản thì các quy định về quản lý thu chi đối với nguồn tiền này cũng chưa chặt chẽ, tạo điều kiện cho các ban QLRPH dễ dàng tham nhũng. “Trong quá trình thanh tra chúng tôi thấy nhiều ban QLRPH chi nguồn tiền này vô tội vạ. Do không quy định rõ ràng cho nên mới tạo cơ hội cho tham nhũng phát sinh”, bà Thùy Thanh cho biết thêm.
Những sai phạm được các cơ quan chức năng phát hiện tại các Ban QLRPH ở Gia Lai đã quá rõ ràng. Mặc dù việc điều tra, xử lý vẫn còn chậm, tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Gia Lai, dư luận hy vọng tới đây các vụ việc ở các ban quản lý rừng sẽ được xử lý nghiêm minh.