BVR&MT – Mới đây, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa đưa ra “10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã”, nhằm khuyến khích các cơ quan chức năng có liên quan tích cực ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh từ ĐHVD.
Một trong 10 hành động cấp bách được nhấn mạnh là việc các cơ quan thực thi pháp luật cần phải tập trung các nỗ lực điều tra, truy tố và xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD lớn để triệt tiêu hoạt động của những đường dây này.
Bên cạnh việc xử lý các đối tượng cầm đầu, một số hành động cấp thiết khác cũng được đề cập như nâng cao hiệu quả răn đe nhằm giảm thiểu và phòng ngừa tội phạm; ngăn chặn tình trạng lạm dụng và vi phạm tại các cơ sở gây nuôi thương mại ĐHVD; xóa bỏ nạn tham nhũng trong hoạt động của cơ quan thực thi pháp luật và chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
“Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện cả 10 hành động cấp bách này” – bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV cho biết. “Chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực trên mọi phương diện. Nhiệm vụ trước mắt là kế thừa những kết quả đạt được và tiếp tục quyết liệt hành động cho tới khi Việt Nam không còn bị coi là quốc gia buôn bán, trung chuyển và tiêu thụ trái phép ĐVHD lớn trong khu vực.”.
“Chỉ cần nhìn vào kết quả xử lý tội phạm về ĐVHD áp dụng Bộ Luật Hình sự mới, tôi tin là chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Chúng ta đã thấy nhiều đối tượng phạm tội đã phải lĩnh án tù giam về tội buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép, trong số đó có cả 4 đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán với quy mô lớn. Mặc dù phía trước còn nhiều gian nan nhưng chúng ta có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được,” bà Quyên cho biết thêm.
Đấu tranh với nạn tham nhũng trong công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD và xử lý các vi phạm về ĐVHD vẫn là một trong những thách thức lớn trong cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD tại Việt Nam. Hành vi tham nhũng xảy ra ở nhiều nơi, từ việc “lót tay” để được thông quan tại các cửa khẩu hay sân bay, cấp phép thành lập các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD làm “vỏ bọc” cho việc nhập lậu ĐVHD từ tự nhiên cho tới việc tha bổng đối tượng phạm tội đáng ra phải bị bắt giữ và xử lý nghiêm. Tham nhũng đang là một vấn nạn lớn, làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tới xã hội và làm suy yếu hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh việc xử lý vấn đề tham nhũng, một trong những hành động cấp bách được xác định trong năm 2020 là việc ngăn chặn các mối đe dọa tới sức khỏe và sự an toàn của con người đến từ các loại virus có nguồn gốc từ động vật như Covid-19. ENV hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng mua bán trái phép ĐVHD thông qua Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để giảm nguy cơ bùng phát các đại dịch tương tự trong tương lai, ENV đề nghị các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương và các Bộ, ban ngành liên quan cùng chia sẻ trách nhiệm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại nguy hiểm của việc mua bán, tiêu thụ ĐVHD cũng như củng cố các nỗ lực quốc gia để kiểm soát nhu cầu tiêu thụ ĐVHD.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang đi đầu trong nỗ lực chấm dứt tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD tại khu vực Đông Nam Á. Chúng ta có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được”- bà Quyên nói. “Thành công trong cuộc chiến ngăn chặn buôn bán ĐVHD trái phép đang nằm trong tầm tay nếu Việt Nam tiếp tục nỗ lực và quyết tâm thực hiện 10 hành động cấp bách này”.
Hoàng Tôn