Kiên Giang đầu tư xây dựng nhiều công trình ứng phó biến đổi khí hậu

BVR&MT – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và phục vụ sản xuất trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội như đê điều, đập, hồ chứa nước, cống thủy lợi, hệ thống cấp nước, cảnh báo thiên tai, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và cảng cá.

Công trình kè rọ đá chống sạt lở trên đoạn bờ biển thành phố Rạch Giá – Hòn Đất (Kiên Giang). (Ảnh tư liệu)

Tỉnh tập trung đầu tư hệ thống cống thủy lợi ven biển để từng bước khép kín toàn tuyến đê ven biển Tây, nhằm chủ động trong điều tiết nguồn nước, nâng cao năng lực phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn phục vụ sản xuất.

Đến nay, toàn tỉnh có 132 cống đã đưa vào vận hành khai thác; 14 cống đang xây dựng sắp hoàn thành; trong đó, có 3 cống thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé do Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 10 quản lý là Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô; 16 cống đang hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng. Theo đó, hệ thống cống đã xây dựng vận hành khai thác và các cống sắp xây dựng trên tuyến đê biển An Biên – An Minh khi hoàn thành kết hợp với hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé sẽ cơ bản kiểm soát được nguồn xâm nhập mặn từ biển Tây, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiếp đến, tỉnh đã đầu tư cơ bản đồng bộ hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng ở các vùng sản xuất trên địa bàn, đảm bảo cấp nước cho tổng diện tích trồng lúa hàng năm hơn 711.000 ha, nuôi trồng thủy sản khoảng 257.000 ha và diện tích trồng rau, màu, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày hơn 34.740 ha.

Mặt khác, tỉnh đầu tư hệ thống cảnh báo thiên tai trên địa bàn, với 8 trạm đo mưa tự động, 17 trạm đo mưa kết hợp đo mực nước, 3 trạm thủy văn cấp 3 (đo mưa, mực nước, nhiệt độ), 1 trạm khí tượng, 2 trạm khí tượng hải văn và 6 trạm đo mặn. Các trạm này xây dựng kiên cố, trang thiết bị quan trắc tự động, góp phần cho tỉnh cảnh báo, ứng phó với thiên tai, phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang được 13 khu neo đậu tránh trú bão, 1 cảng cá loại I và 10 cảng cá loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, đến nay, tỉnh đã hoàn thành 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là đảo Hòn Tre (Kiên Hải) và cửa sông Lình Huỳnh (Hòn Đất). Tỉnh đang triển khai xây dựng 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá gồm Cảng cá Thổ Châu và cảng cá mũi Gành Dầu (Tp. Phú Quốc), khu neo đậu tránh trú cho tàu cá cửa sông Cái Lớn – Cái Bé, dự kiến 3 công trình này hoàn thành trong năm 2021, góp phần nâng lên hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá, phục vụ phát triển ổn định, bền vững nghề khai thác đánh bắt trên ngư trường, phát triển kinh tế biển của tỉnh. Các khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá còn lại, tỉnh tập trung nguồn lực, bố trí vốn xây dựng giai đoạn 2021 – 2030.

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương phát triển rừng phòng hộ ven biển ngăn sạt lở, gia cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, bờ bao phòng chống triều cường phục vụ sản xuất vùng ven biển an toàn, hiệu quả.

Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn, tỉnh đang thực hiện 3 dự án gồm kè chống sạt lở khu vực Mũi Rãnh, huyện An Biên chiều dài 5.000 m, đã hoàn thành gần 3.200 m; kè chống sạt lở khu vực Kim Quy, huyện An Minh; kè chống xói lở bờ biển đoạn Kênh 9 – Kênh 7, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh huy động các nguồn vốn triển khai nhiều dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo vệ và ổn định sản xuất, đời sống nhân dân như xây dựng kè chống sạt lở bờ biển trên địa bàn các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương.

Trước mắt, tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng cấp bách kè chống sạt lở bờ biển trên địa bàn 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây, huyện An Minh, với tổng chiều dài hơn 50 km đang trong tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, kinh phí đầu tư khoảng 1.165 tỷ đồng.