Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp

BVR&MT – Báo cáo với Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu kiểm tra việc thực hiện chống khai thác IUU trên địa bàn, tỉnh Kiên Giang khẳng định đã tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, bài bản, đạt nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó còn nhiều hạn chế cần phải nỗ lực để khắc phục.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham gia Đoàn công tác có Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND, các sở, ngành tỉnh Kiên Giang.

Đoàn công tác đã đi kiểm tra hoạt động chống khai thác IUU tại cảng cá Tắc Cậu; kiểm tra tàu thuyền đang khai thác ngoài khơi tỉnh Kiên Giang; thăm ngư dân đang nuôi cá lồng bè tại xã đảo Hòn Nghệ, làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kiên Giang.

Do điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề khai thác hải sản khá phát triển. Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 9.858 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên. Các tàu khai thác hoạt động gần 20 loại nghề, thuộc 5 nhóm nghề chính: Lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Tổng sản lượng khai thác 9 tháng năm 2019 là 450.593 tấn, đạt 76,24 % kế hoạch và tăng 2,87% so cùng kỳ.

Kiên Giang cũng có lợi thế rất lớn về nuôi trồng thuỷ sản trên cả 3 thủy vực mặn, lợ, ngọt. Tổng sản lượng thu hoạch 9 tháng đạt 187.232 tấn, đạt 77,05% kế hoạch, tăng 7,88% so cùng kỳ. Riêng nuôi tôm nước lợ, sản lượng thu hoạch 9 tháng 67.833 tấn, đạt 89,70% kế hoạch và tăng 8,06% so cùng kỳ.

Quyết liệt triển khai chống khai thác IUU

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.

Để phối hợp kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài theo các khuyến nghị của EC, UBND các tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng ký Quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Hải đoàn 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản.

Các sở ngành đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển để tiến hành xử lý các tàu cá vi phạm và có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác thị sát cảng cá Tắc Cậu (xã Bình An, huyện Châu Thành). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đồn, trạm kiểm soát biên phòng, Hải đội 2 tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện nghề cá (nhất là số phương tiện đăng ký hành nghề khai thác xa bờ). Kiên quyết không lập thủ tục xuất bến cho các phương tiện không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định hoặc thiếu các loại giấy tờ cần thiết, hệ thống thông tin định vị và các trang thiết bị an toàn, cứu hộ, cứu nạn khác.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đã kiểm tra 799 phương tiện, tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 533 vụ.

Công an tỉnh đã tăng cường nắm tình hình, điều tra, phát hiện một số vụ việc tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Trong quá trình phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và công tác điều tra, xác minh từ từ tháng 1/2018 đến 9/2019 Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 55 vụ (55 đối tượng), 79 phương tiện với hành vi đưa tàu cá đi khai thác thuỷ sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, ra quyết định xử phạt với số tiền là 4,8 tỷ đồng. Tước giấy phép khai thác thủy sản 55 phương tiện, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng 16 đối tượng.

Hằng tháng Sở NN&PTNT tổng hợp công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, gửi các địa phương công bố công khai danh sách tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp trên thông tin đại chúng của địa phương; tiến hành điều tra, xác minh và xử lý vi phạm theo đúng quy định.

Về công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tính đến ngày 30/9/2019, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 2.932 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, chiếm 73,4%. Riêng tàu cá có chiều dài 24 m trở lên đã lắp được là 572 tàu, chiếm 92,5%.

Qua hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh, tất cả các tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển đều được Chi cục Thủy sản giám sát hàng ngày và điện thoại nhắc nhở các chủ tàu cá yêu cầu các thuyền trưởng đưa tàu cá quay về khi hoạt động vượt ranh giới của vùng biển Việt Nam hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình.

Tỉnh cũng đã kiểm soát chặt chẽ tàu cá cập cảng lên cá. 100% tàu cá khi cập cảng đều được kiểm tra, thu nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải, báo cáo khai thác theo quy định. Khi kiểm tra phát hiện tàu cá cập cảng nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU hoặc chưa được trạm kiểm soát biên phòng xác nhận, ban quản lý cảng cá từ chối không cho bốc dỡ thủy sản và báo cáo cho đoàn thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng xử lý theo quy định.

Sớm khắc phục tồn tại, hạn chế

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh những kết quả nêu trên, tỉnh Kiên Giang cũng nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục.

Mặc dù các sở, ngành và chính quyền địa phương đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động ngư dân cũng như triển khai các giải pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng cố tình đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng đến nay Kiên Giang vẫn còn xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Đáng chú ý, 9 tháng năm nay, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có chiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là vùng biển giáp ranh, chồng lấn.

Công tác xử lý các chủ tàu và thuyền trưởng cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép còn hạn chế so với số lượng tàu vi phạm. Công tác điều tra, xác minh và đưa ra khởi tố hình sự đối với các tổ chức, cá nhân móc nối với các nước để đưa tàu cá sang hoạt động khai thác trái phép đến nay vẫn còn chậm.

Tuy việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của tỉnh Kiên Giang đạt hiệu quả cao theo đúng tinh thần của Luật Thủy sản, nhưng vẫn còn nhiều tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh (đặc biệt là ở nhóm tàu lắp thiết bị movimar, số tàu kết nối không quá 50%).

Về kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn chưa nhịp nhàng, linh hoạt; năng lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu; một số nơi, một vài thời điểm công tác kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến còn sơ hở, chưa chặt chẽ. Công tác phối hợp giữa các lực lượng và sở, ngành trong việc cung cấp, trao đổi thông tin các vấn đề có liên quan đến việc tàu xuất, nhập bến cũng như việc ngăn chặn tàu cá vi phạm chưa được kịp thời và thường xuyên.

Vẫn còn một số tàu chủ tàu, thuyền trưởng tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá thực hiện chưa nghiêm việc ghi, nộp sổ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải; nếu có ghi thì chỉ ghi mang tính đối phó chưa có độ chính xác và chưa đầy đủ nên vẫn còn phải điều chỉnh. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản không mua nguyên liệu trực tiếp từ tàu cá cập cảng mà mua qua nậu/vựa hoặc mua từ nơi khác (không qua cảng cá).