Kiểm lâm Việt Nam 50 năm xây dựng và phát triển

BVR&MT – Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam được thành lập ngày 21 tháng 5 năm 1973 theo Nghị định số 101/CP của Hội đồng Chính phủ. Ra đời trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, gặp rất nhiều khó khăn, ban đầu mới có 3 tỉnh được thành lập là Tuyên Quang, Yên Bái và Vĩnh Phú. Chỉ một năm sau đó, lực lượng Kiểm lâm đã được thành lập tại hầu hết các tỉnh ở miền Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 tổ chức kiểm lâm được thành lập tại các tỉnh miền nam.

Trải qua 50 năm thành lập và phát triển, lực lượng kiểm lâm Việt Nam khẳng định được vai trò, vị trí trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trải qua 50 năm thành lập và phát triển, lực lượng kiểm lâm Việt Nam khẳng định được vai trò, vị trí trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Lực lượng kiểm lâm đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với phương châm “bám dân, bám rừng”. Đồng thời, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chủ trương xã hội hóa quản lý, bảo vệ rừng…

Tại hội thảo khoa học “Kiểm lâm Việt Nam 50 năm xây dựng và phát triển” do Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 19/5 tại Hà Nội, ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm nhấn mạnh: “Lực lượng kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng không thể một mình kiểm lâm có thể làm được hết mọi việc. Quan trọng nhất là xác định được trách nhiệm các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của những người chủ rừng và có sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Khi có được sự phối kết hợp tốt giữa các bên liên quan thì bảo vệ rừng trong thời gian tới sẽ được tốt hơn”.

Thời gian qua, kiểm lâm đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ rừng như: hệ thống thông tin cảnh báo sớm cháy rừng; ứng dụng công nghệ GIS trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám phát hiện nhanh các điểm có nguy cơ giảm diện tích rừng. Ngành đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng phần mềm SMART trong tuần tra, bảo vệ rừng; quản lý hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam…. Qua đó đã góp phần giảm thiểu số vụ vi phạm và diện tích bị thiệt hại trong bảo vệ và phát triển rừng. Số vụ cháy rừng giảm 1.236 vụ (-39%), diện tích diện tích bị ảnh hưởng giảm 4.358 ha (-34%) trong giai đoạn 2017-2022.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa, việc quản lý, bảo vệ và phát triển hơn 14 triệu ha rừng; bảo đảm tỉ lệ che phủ của rừng ổn định ở mức 42% là một trong những nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của lực lượng kiểm lâm. Bên cạnh đó, là xây dựng đội ngũ kiểm lâm kỷ cương, chuyên nghiệp, đạo đức, trách nhiệm.

Đứng trước yêu cầu đổi mới, nhất là giai đoạn hiện nay khi khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển đòi hỏi lực lượng kiểm lâm cần có sự đổi mới về tư duy, phương pháp quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công việc hiệu quả hơn. Điều này đòi hỏi ngành phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lực lượng kiểm lâm.

Hậu Thạch