Kiểm lâm Điện Biên tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ rừng

BVR&MT – Là tỉnh có diện tích rừng lớn, địa bàn rộng với phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen sinh sống, sản xuất phụ thuộc rừng cho nên nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của lực lượng Kiểm lâm Điện Biên rất vất vả.

Cán bộ kiểm lâm tuyên truyền biện pháp bảo vệ rừng đến người dân xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

Song nhờ chủ động triển khai các biện pháp: Tuần tra, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng (BVR); tăng cường lực lượng về các “điểm nóng” thường xảy ra phá rừng và xử lý nghiêm các vi phạm xâm hại rừng… Kiểm lâm Điện Biên đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trò chuyện với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên Hà Lương Hồng cho biết: Trong tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp (694.000ha) của tỉnh Điện Biên, hiện có hơn 407.000ha rừng tự nhiên, rừng trồng. Hầu hết diện tích rừng ở Điện Biên trải khắp các huyện, thị, thành phố. Trong khi đó, dân số ở địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số: H’Mông, Thái, Hà Nhì, Dao, Kháng… có thói quen sống, tập quán gắn bó với rừng khiến rừng ở Điện Biên luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại, chặt phá.

Bên cạnh đó là con số trên 27 nghìn người lao động từ các địa phương khác trở về do mất việc làm, thu nhập không ổn định vì dịch Covid-19 trong 2 năm (2020 và 2021), càng khiến nguy cơ xâm hại rừng ở Điện Biên trở nên nghiêm trọng hơn. Thực tế, tại các xã: Nà Khoa, Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Nậm Chua thuộc huyện Nậm Pồ và 2 xã (Quảng Lâm, Nậm Kè) thuộc huyện Mường Nhé đã xảy ra nhiều vụ phá rừng do người dân không có việc làm, thu nhập, hiểu biết pháp luật quản lý, BVR còn nhiều hạn chế.

Nhận thức đầy đủ các nguy cơ, thực trạng ảnh hưởng đến rừng, ngay từ đầu năm 2022, Chi cục Kiểm lâm Điện Biên đã chủ động xây dựng chương trình công tác, kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm cả năm, kế hoạch nhiệm vụ cụ thể hằng quý, hằng tháng triển khai đến toàn lực lượng. Trong thời kỳ cao điểm BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng (thường từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) là mùa sản xuất trên nương của nhân dân cho nên lực lượng kiểm lâm phải căng mình thực hiện tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp BVR; không chặt phá rừng, không đốt rừng làm cháy lan sang rừng.

Để thực hiện hiệu quả biện pháp phòng, chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Điện Biên thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo Khí tượng Thủy văn Điện Biên và thông tin cảnh báo cháy rừng trên trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm để kịp thời thông báo dự báo cấp dự báo cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị và chủ rừng. Tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn có cán bộ trực điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin cảnh báo cháy rừng và các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tuần tra BVR được Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thường xuyên, nhất là thời điểm trước mùa khô hằng năm. Trong 5 tháng đầu năm 2022, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức tuần tra 2.021 lượt với 12.060 người tham gia, tập trung tại các khu vực có nguy cơ phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản. Việc tuyên truyền nâng cao ý thức của hộ gia đình, cá nhân cùng được lực lượng kiểm lâm các cấp quan tâm triển khai. Qua đó, có 5.713 người tham gia các buổi tuyên truyền quản lý, BVR do lực lượng kiểm lâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức.

Với các địa bàn là “điểm nóng” về phá rừng tại các xã: Nà Khoa, Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Nậm Chua (huyện Nậm Pồ) và 2 xã: Quảng Lâm, Nậm Kè (huyện Mường Nhé), Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường cán bộ về cơ sở hỗ trợ kiểm lâm địa bàn tổ chức họp dân tuyên truyền quy định pháp luật quản lý, BVR; thường xuyên tổ chức tuần tra các khu vực giáp ranh nương sản xuất của người dân và các khu rừng hẻo lánh có nguy cơ bị xâm hại.

Theo chỉ đạo từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hằng tháng Hạt Kiểm lâm 2 huyện Nậm Pồ và Mường Nhé đều có văn bản báo cáo tình hình địa bàn và tham mưu UBND huyện đôn đốc, chỉ đạo các xã tăng cường quản lý, BVR; thành lập các tổ quản lý, BVR thôn, bản đồng thời cắt cử người luân phiên tuần tra, canh gác, kịp thời thông báo, tố giác các vụ vi phạm về rừng đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Về phương tiện, trang thiết bị Chi cục cũng dành sự ưu tiên cho các địa phương này.

Ông Hà Lương Hồng cho biết: Không chỉ tăng cường nhân lực cho các địa bàn “điểm nóng” về tình trạng phá rừng, Chi cục còn trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, như: Flycam, hệ thống máy định vị GPS, máy tính hiện đại, đồng bộ cho lực lượng kiểm lâm địa bàn. Các thông tin, văn bản chỉ đạo quản lý, BVR đều được cập nhật kịp thời đến kiểm lâm cơ sở…

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, nhất là giải pháp tăng cường nhân lực, phương tiện cho các “điểm nóng” cho nên công tác quản lý, BVR ở Điện Biên có nhiều chuyển biến tích cực. 5 tháng qua, toàn tỉnh không ghi nhận vụ cháy rừng nào; địa điểm ghi nhận biến động tăng diện tích rừng lên tới 2.210 điểm (12.112ha) trong khi biến động diện tích rừng giảm chỉ ghi nhận tại 377 điểm (451,5ha). Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, chủ đầu tư dự án các công trình: Đường giao thông, thủy điện, đường điện… có sử dụng đất rừng được lực lượng Kiểm lâm Điện Biên thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, kịp thời; không để xảy ra tình trạng lấy lý do làm dự án để xâm hại rừng.