BVR&MT – Nghiên cứu mới đăng trên Nature Ecology & Evolution đã chỉ ra các khu vực mà các hành động bảo tồn có thể tối đa hóa việc bảo vệ đa dạng sinh học, trữ lượng carbon và chất lượng nước.
Năm nay, các nhà lãnh đạo và ra quyết định sẽ tập hợp để thảo luận về các cuộc khủng hoảng liên quan đến mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu tại một số hội nghị toàn cầu quan trọng bao gồm Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) và Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26). Trong đó, việc cân nhắc và quyết định nơi ưu tiên bảo tồn là một thách thức.
Nhóm các nhà nghiên cứu từ hơn 40 tổ chức đã phát triển một cách tiếp cận mới nhằm xác định nhất quán các khu vực cần bảo tồn nhằm “giảm thiểu số lượng loài bị đe dọa, tối đa hóa việc lưu giữ carbon và điều tiết chất lượng nước, đồng thời xếp hạng các ưu tiên bảo tồn trên cạn trên toàn cầu”.
Martin Jung, tác giả chính nghiên cứu và là học giả tại Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) cho biết: “Cách tiếp cận của chúng tôi mới ở chỗ có thể tích hợp các giá trị khác nhau của tự nhiên vào một bản đồ duy nhất. Các nghiên cứu trước đây đã xem xét các yếu tố môi trường riêng lẻ và chồng chéo các kết quả khiến các phát hiện có thể bị xem nhẹ”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy để bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, các dãy núi trên thế giới cũng như phần lớn quần xã sinh vật Địa Trung Hải và Đông Nam Á có tầm quan trọng đặc biệt. Bên cạnh đó, cần lưu ý tới các khu vực khác như miền tây Trung Phi, Papua New Guinea, cao nguyên Tây Tạng và rừng nhiệt đới Đông Úc.
Piero Visconti, đồng tác giả nghiên cứu, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu đa dạng sinh học, sinh thái và bảo tồn tại IIASA cho biết: “Chúng tôi cần tìm ra những địa điểm quan trọng trên toàn cầu. Sự mất mát của chúng đồng nghĩa với việc mất đi sự đa dạng sinh học toàn cầu một cách không cân xứng”.
Cũng theo Visconti, đây là phân tích đầu tiên thuộc loại này bao gồm một mẫu đại diện của các loài thực vật ở quy mô nhỏ cùng với động vật.
Với các loài thực vật được đưa vào phân tích, một số khu vực có thể bị bỏ qua đã được tiết lộ là các khu bảo tồn ưu tiên cao, chẳng hạn như đồng cỏ Cerrado ở Brazil, vùng thực vật Cape ở Nam Phi và Tây Úc.
Trong số các khu vực được xếp hạng hàng đầu về lưu trữ carbon toàn cầu thì Đông Canada, lưu vực Congo và Papua New Guinea chiếm khoảng 10%.
Miền đông Hoa Kỳ, Congo, phần lãnh thổ Nga thuộc châu Âu và miền đông Ấn Độ được xếp hạng trong số các khu vực quan trọng nhất về điều tiết chất lượng nước.
Các tác giả không tính đến yếu tố con người trong các phân tích và bỏ qua chỉ số mật độ và tăng trưởng dân số. Visconti cho biết đây là một lựa chọn có chủ ý vì “chúng tôi tin rằng các phân tích toàn cầu không bao giờ có thể đạt được mức độ chính xác thích hợp khi xem xét dữ liệu kinh tế – xã hội hoặc tác động của địa phương đối với con người. Thực sự sẽ khá nguy hiểm nếu làm hoặc ngụ ý điều đó là khả thi vì nhiều lý do”.
Các tác giả cho biết chỉ cần quản lý được 10% các khu vực quan trọng hàng đầu được lập bản đồ trong nghiên cứu là đã có thể đạt được các mục tiêu bảo tồn cho 42,5% tổng số loài được xem xét cũng như bảo tồn được 26% tổng lượng cacbon và 22,1% nguồn nước sạch tiềm năng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, bài báo không nêu rõ bao nhiêu đất cần được bảo vệ hoặc áp dụng các phương pháp tiếp cận nào.
“Chúng tôi không đặt câu hỏi bao nhiêu là đủ”, Visconti nói. Thay vào đó, các tác giả đã đưa ra một bảng xếp hạng về tầm quan trọng mà Visconti nói là “bất khả kháng đối với các mục tiêu chính trị để bảo tồn dựa trên khu vực”.
Một mục tiêu “dựa trên khu vực” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo thế giới là “30 x 30” – một kế hoạch bảo vệ 30% đất và biển toàn cầu vào năm 2030 thông qua các biện pháp bảo tồn dựa trên khu vực như thiết lập các khu bảo tồn và vườn quốc gia. Kế hoạch này nằm trong dự thảo gần đây của Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) như 1/20 chiến lược sau năm 2020 nhưng vấp phải sự chỉ trích từ một số nhóm bản địa và đồng minh – những người ước tính có tới 300 triệu người có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp bảo tồn dựa trên khu vực – những biện pháp buộc họ phải rời khỏi nơi cư trú tổ tiên.
“Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi không bao giờ ủng hộ việc bảo vệ nghiêm ngặt những địa điểm mà chúng tôi đánh dấu là quan trọng dựa trên phân tích định lượng. Thay vào đó, nghiên cứu xác định các khu vực phù hợp cho “quản lý bảo tồn” bao gồm việc sử dụng bền vững dưới bất kỳ hình thức quản lý phù hợp nào tại địa phương, trong đó có cả các khu bảo tồn bản địa”, Visconti cho biết.
Cũng theo Visconti, sử dụng các biện pháp từ trên xuống hoặc dùng bạo lực để bảo vệ một khu vực đều không có chỗ đứng trên thế giới này. Ngoài việc đảm bảo việc bảo tồn được thực hiện công bằng bằng cách trao quyền cho người dân địa phương, chúng ta cần nhận ra các mối đe dọa đối với người dân địa phương và bản địa từ các hoạt động khai thác hợp pháp và bất hợp pháp. Các khu bảo tồn được quản lý công bằng và hiệu quả có thể cứu sống con người.
“Chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của những khu vực này đối với đa dạng sinh học và phúc lợi của con người. Hiểu được tầm quan trọng toàn cầu của bất kỳ địa điểm nào sẽ giúp khu vực đó được bảo vệ tốt hơn”, Visconti kỳ vọng.
Ý Nhi (Theo Mongabay)