Khu vực miền núi phía Bắc: Đặt mục tiêu 577 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa năm 2020

BVR&MT – Tính đến hết tháng 7/2019, đã có 10/14 tỉnh miền núi phía Bắc phê duyệt đề án triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dự kiến được chuẩn hóa năm 2020 là 577 sản phẩm, trong đó nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng, thị trường đón nhận, đã mang lại nhiều giá trị kinh tế cho nông dân.

Năm 2020, các tỉnh khu vực phía Bắc chuẩn hóa 577 sản phẩm OCOP.

Vừa qua tại hội nghị tổng kết chương trình 10 năm xây dựng nông thôn mới diễn ra tại tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – Bộ NN&PTNT cho biết, Chương trình OCOP ngày càng khẳng định tầm quan trọng xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi còn nhiều khó khăn hơn các vùng khác nhưng tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP là rất lớn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Xem thêm:

Hội nghị Tổng kết 10 năm Xây dựng nông thôn mới khu vực Miền núi phía Bắc

Mai Sơn – Sơn La: Kinh tế đi lên từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Vùng sản phẩm OCOP được hình thành

Chương trình Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, hướng sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn xuyên suốt.  Người dân và doanh nghiệp khu vực MNPB đang khai thác các thế mạnh, từng bước trở thành trung tâm cây ăn trái của cả nước.

Với 14 tỉnh miền núi phía bắc chia thành các tiểu vùng khí hậu đa dạng và vị trí địa lý thuận lợi nằm ngay sát thị trường xuất khẩu biên giới Trung Quốc, khu vực MNPB đã dần hình thành được các vùng cây ăn quả, hình thành vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn như: vải thiều – Bắc Giang, quả na, cá tầm – Sơn La, bưởi – Phú Thọ, Chè – Thái Nguyên, Mận – Sơn La…

Trong sản xuất nông nghiệp các tỉnh khu vực MNPB, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được chú trọng. Những khu vực môi trường đảm bảo, thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển thành vùng nông sản sạch có thể kể đến như Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình.

Đến nay, cũng đã có những vùng trồng dược liệu được hình thành như vùng trồng quế ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang; vùng trồng hồi ở Lạng Sơn, Cao Bằng, phát triển sản xuất dược liệu xen dưới tán rừng ở Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn.

Ông Bùi Công Khanh – Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới Lào Cai.

Đối với tỉnh Lào Cai, ông Bùi Công Khanh – Phó chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới, thành viên ban chỉ đạo tỉnh Lào Cai cho biết: Chương trình Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn của Đảng và nhà nước, sau 10 năm thực hiện tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả. Bộ mặt nông thôn, bản, làng được thay đổi rõ nét, đời sống, văn hóa tinh thần người dân được nâng cao. Trước khi xây dựng chương trình nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh rà soát được trung bình 6 tiêu chí bình quân trên xã. Đến hết tháng 7/2019, nâng lên rõ nét, trung bình là 13 tiêu chí/xã. Trước khi thực hiện tỉnh Lào Cai chưa có xã nào đạt được chuẩn nông thôn mới. Đến nay, đã đạt được 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thông tin về những khó khăn tỉnh Lào Cai gặp phải, Ông Khanh cho biết: Địa hình tỉnh Lào Cai bị chia cắt, như vậy phải có nguồn đầu tư lớn để xây dựng đường giao thông, điện, nước. Vấn đề môi trường trên địa bàn miền núi là hết sức khó khăn. Tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền vận động người dân bảo vệ môi trường đến tận bản, làng đến bây giờ cũng có những thay đổi rõ rệt.

Thẳng thắn nhận một số điểm hạn chế trong công tác lãnh đạo của một số cấp ủy chính quyền địa phương lúc đầu nhận thức về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới còn chưa sâu, chưa kỹ về lợi ích của chương trình khi thực hiện. Đến nay, đã nhận thức rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của chương trình là có lợi ích cho người dân thôn, bản. Trong xây dựng Chương trình OCCOP tỉnh Lào Cai đã có 57 sản phẩm được công nhận OCOP, chứng nhận an toàn thực phẩm, được tỉnh công nhận.

Xây dựng sản phẩm OCOP có thế mạnh, tăng thu nhập

Khu vực MNPB còn nhiều huyện, xã đặc biệt khó khăn đã chủ động tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh tại địa phương. Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, đồng thời tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các địa bàn nghèo.

Trong giai đoạn từ 2011 -2020 ngân sách trung ương bố trí cho các tỉnh miền núi phía bắc với tổng số kinh phí 37.063,206 tỷ đồng trong đó vốn đầu tư phát triển 27.789,337 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 9.273,869 tỷ đồng để thực hiện các dự án thuộc Chươn trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ nghèo chung của cả nước từ 1-2% theo từng giai đoạn.

Bên cạnh đó các địa phương cũng chú trọng phát triển cây ăn quả, đặc sản. Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên của nước ta đã thành lập được hiệp hội OCOP với 93 hội viên tham gia.

Ông Nông Ngọc Huấn – Phó Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn.

Trả lời phỏng vấn  Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nông Ngọc Huấn – Phó Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn cho biết: Là một tỉnh miền núi, kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp, đây là một khó khăn nhưng cũng là một lợi thế nếu biết cách phát huy trong quá trình phát triển kinh tế. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nhiều các sản phẩm đặc sản như: gạo bao thai, gạo nếp nương, miến dong, khoai sọ, hồng không hạt, rượu men lá, thịt hun khói.

Từ năm 2016 tỉnh đã thành lập ban điều hành đề án, tổ chức điều tra các sản phẩm theo 6 nhóm ngành của Chương trình OCOP để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu phục vụ xây dựng đề án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 136 tổ đăng ký 173 sản phẩm tham gia OCOP.

Để hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, Trung ương và các tỉnh thực hiện nhiều chương trình chính sách lồng ghép. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

Nhiều tỉnh kiến nghị, Bộ NN & PTNT cần sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo đồng bộ thống nhất thực hiện trên cả nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm quan các gian hàng nông sản tiêu biểu của các tỉnh phía Bắc.

Cũng tại hội nghị tổng kết chương trình 10 năm xây dựng nông thôn mới diễn ra ngày 3/8 tại tỉnh Hòa Bình, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ nêu điển hình là tỉnh Sơn La đã nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, xuất nhập khẩu trái cây của miền núi phía Bắc.

Nhiều mô hình nông nghiệp được trồng ở Sơn La nhờ phát triển các mô hình liên kết sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mà nhãn, na, thanh long ruột đỏ, chanh leo… đã trở thành đặc sản của Sơn la. Bước đầu đã nhận được nhiều kết quả về sản lượng, xuất khẩu sang nước ngoài, gia tăng thu nhập cho người dân miền núi, xây dựng hình ảnh nông thôn, bản làng.

Kết quả đã đạt được, Chương trình OCOP, chỉ sau 1 năm triển khai, toàn vùng đã xây dựng được 577 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm nổi tiếng, có chất lượng, giá thành hợp lý. OCOP chính là một trong những động lực mang lại sức sống mới tiếp của Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới.

Văn Trì