Khu bảo tồn gấu Cát Tiên: Ngôi nhà bình yên cho những chú gấu bất hạnh

BVR&MT – Với nhiệm vụ cứu hộ và bảo tồn gấu trước nguy cơ tuyệt chủng, thời gian qua, Khu bảo tồn gấu Cát Tiên (Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai) đã trở thành “ngôi nhà bình yên” của nhiều chú gấu bất hạnh.

Sau một ngày nghỉ ngơi, khám phá những kỳ thú quanh Vườn như đi xem Trung tâm bảo tồn thú hoang dã nguy cấp nằm bên trái Hạt Kiểm lâm Cát Tiên hay tham gia tour ngắm thú đêm xuyên rừng. Ngày hôm sau, nhóm chúng tôi lại cùng nhau vào thăm quan Khu bảo tồn gấu sau khi liên hệ được với chị Thương, nhân viên chăm sóc gấu tại đây.

Đúng hẹn, chiếc xe điện lanh lẹ đón tôi và mọi người trong đoàn cùng đến thăm quan tại địa điểm đã hẹn. Suốt dọc đường đi, tôi vừa ngắm vừa xuýt xoa khen khung cảnh của Cát Tiên thật là ấn tượng. Hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, rễ chen rễ, lá đan lá cứ bện vào nhau rợp bóng xuống mặt con đường. Đoạn xe chạy qua gốc cây kơ nia, tôi ồ lên kinh ngạc khi có con chồn chạy qua. Rồi lại chăm chú vào câu chuyện của chị Thương với nội dung về thế giới của những chú gấu.

Dăm ba câu chuyện, đoạn đường đến nhà gấu trở lên ngắn ngủi hơn biết bao. Thời tiết độ này trong ấy vẫn gắt đối lập với ngoài Hà Nội lại đang rét ngọt. Với dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn, lại thân thiện, bước chân thoăn thoắt đúng chất của những người làm công tác bảo hộ động vật, chị Thương nhiệt tình giải đáp những thắc mắc của tôi mặc dù chị đang rất mệt vì chiều qua mới bị đàn ong chích.

Theo lời chị, bên trong Vườn Quốc gia Cát Tiên, có một quần thể công trình được dùng làm mái ấm cho 47 chú gấu ngựa và gấu chó được giải cứu từ những đường dây buôn lậu. Trước khi dẫn chúng tôi tới ngôi nhà chung đó, chị Thương mời mọi người thăm quan phòng thú y. Mọi người trong đoàn chủ yếu toàn là những người lần đầu tiên được quan sát qua cửa kính những khu đặc biệt như này,  tôi tạm gọi là khu bệnh xá cho gấu, lọt giữa rừng cây rậm rạp, nên ai nấy cũng đều tỏ ra rất tò mò và ngạc nhiên khi thấy những vật dụng y tế dành cho gấu như ống tiêm, tai nghe, thuốc hạ sốt, bình ô xi, dao, kéo… được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và khoa học trong phòng cách ly y chang như bệnh viện dành cho người.

Phòng thú y được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ y tế.

Ngôi nhà bình yên cho những chú gấu

Dưới cái nắng oi ả, men theo con đường mòn, chị Thương dẫn đoàn đến thăm quan nơi trú ngụ của gấu ngựa và gấu chó. Trước khi vào ngôi nhà bình yên của gấu, mọi người phải nhúng qua gót giày vào chậu nước khử trùng được bố trí sẵn ngay tại cửa để phòng tránh lây nhiễm bệnh từ bên ngoài hoặc từ khu cách ly ra.

Các nhân viên Trung tâm cứu hộ gấu Cát Tiên đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ gấu tại Củ Chi.

Năm 2002, Trung tâm tiếp nhận 5 cá thể. Mỗi con gấu khi đến đây, mỗi con một mảnh đời, số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng đều mang trên mình một nỗi đau chung là chịu sự tra tấn, dày vò, hành hạ dã man, đau đớn từ thể xác lẫn tinh thần bởi hoạt động hút mật, săn bắt động vật hoang dã của con người trong suốt một thời gian dài.

Giữa bao la xung quanh toàn là cây, ngôi nhà bình yên cho những con gấu nằm núp mình trong đó. Gọi là ngôi nhà bình yên của gấu cũng đúng bởi chỉ có đây mới là nơi an toàn, lí tưởng để gấu được bảo vệ, quan tâm, yêu thương, chăm sóc, vỗ về, bù đắp lại nỗi đau  phần đời bất hạnh còn lại của chúng.

Thấy người lạ, chú gấu đen khổng lồ với bộ lông đen óng bắt đầu gầm gừ, gằn giọng, mắt trợn trừng đứng dạng hai chân, lắc lư tự vệ. Có vẻ như chúng vẫn bị ám ảnh bởi sự tàn ác và nhẫn tâm của con người trong những lần kẹp sắt, trói buộc, bẻ răng, chặt tay, phóng dụng cụ để hút mật. Cái thứ mà con người hay nghĩ rằng nó là loại thần dược, thuốc tiên, có công dụng siêu thần kì như giảm sưng đau do va đập, tăng cường sinh lực, chữa ung thư… nên sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để săn tìm mua bằng được mà đâu ai hiểu rằng phía sau đó là cả đau đớn, tiếng gầm rú đau thương, khóc lóc van xin tha mạng, bất lực của gấu.

Truyền nhau công dụng thần kì là thế nhưng thực tế chưa có một nghiên cứu có cơ sở nào chỉ ra sự hiệu quả 100%. Hơn nữa, đây còn là tư duy chữa bệnh cổ hủ, lạc hậu, tàn nhẫn. Không những vậy, hầu hết các cá thể đều có vấn đề sức khoẻ do bị nuôi nhốt trong chuồng cũi chật hẹp, môi trường sống bị ô nhiễm, nguồn nước kém vệ sinh và không được cấp đủ cộng thêm chế độ dinh dưỡng không phù hợp dẫn đến nhiều cá thể bị bệnh béo phì, cao huyết áp, các bệnh liên quan đến tim, túi mật, gan, khớp, răng miệng và hô hấp… Cùng với phương pháp hút mật thô sơ, dụng cụ hút mật kém chất lượng không được bảo quản, tiệt trùng nên những túi mật cũng bị nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu con người sử dụng.

Nghiêm trọng hơn, uống mật gấu còn chính là tiếp tay cho hành động sát hại gấu để lấy mật cần lên án. Gấu là loài động vật có trí thông minh, có những đặc tính như con người, cũng biết yêu thương, giận hờn. Vì vậy, khi thấy những những chủ trang trại, gia chủ với khuôn mặt vô cảm, lăm le cầm ống xilanh trong tay hút mật mình trong tình trạng bị nhốt chặt trong chiếc lồng sắt không thể cựa quậy, chẳng màng đến sự đớn đau tột cùng thì chúng rất căm hờn và bị kích động. Đã có những con tự đánh vào bụng mình, nơi chi chít những vết thương hở trên bụng từ hoạt động lấy mật vĩnh viễn không thể lành được hoặc lao vào tường mà tự sát.

Thực tế, mật gấu có tác dụng gì thì chưa ai có thể đảm bảo nhưng tác hại từ mật gấu nếu sử dụng sai cách và hệ lụy đau thương để lại cho những con gấu, thì ít nhất 49 chú trong ngôi nhà bình yên này đang là minh chứng sống bởi sự tàn ác của con người.

Nhác thấy con gấu nằm chình ình đu đưa trên võng, con ở dưới thì cũng đang phơi mình như nghe ngóng, bụng ăn no căng tròn. Con thì đang chui khỏi cái cửa nhỏ để ra tắm nắng, vận động một cách linh hoạt, tôi tủm tỉm và nghĩ trông hắn thật vô tư vì nó cũng đã cảm nhận được tình người nơi đây mà yên tâm an yên khi có người lạ tới. Nơi người ta cũng đến tìm hiểu nhưng không phải là những cuộc ngã giá tay đôi tay ba, đến để cầm những ống xi lanh rút mật mà chỉ đến để hiểu, để thức tỉnh và cảm thông mà phẫn nộ trước những hành vi tàn sát động vật hoang dã một cách man rợ.

Tình yêu động vật, nhiệt huyết với công việc

Theo chị Thương, hiện trung tâm có 9 nhân viên chăm sóc động vật. Công việc một ngày của chị cũng như bao người thường được bắt đầu từ lúc 7 giờ 15 và kết thúc vào lúc 17 giờ. Được biết, gấu sau khi tiếp nhận, cứu hộ về sẽ được chăm sóc tại khu cách ly kiểm dịch trong 3 tuần. Trong thời gian này, được cho ăn với chế độ ăn điều chỉnh, tùy theo thể trạng cuả từng con gấu mà nhân viên chăm sóc sẽ tính toán, chuyển dịch dần dần sang chế độ ăn tiêu chuẩn của gấu ngựa và gấu chó.

Phải mất một thời gian rất dài gấu mới có thể hòa nhập được với thế giới bán hoang dã.

Đặc biệt, trong thời kì cách ly, nhân viên chăm sóc cần xây dựng niềm tin với động vật để hiểu tường tận từng nết ăn nết ngủ của từng cá thể. Gấu sẽ được khám sức khoẻ để xác định bệnh nếu có và phác đồ điều trị phù hợp. Cũng trong giai đoạn này được giới thiệu dần các đồ làm giàu môi trường, giúp gấu tránh bị nhàm chán, khuyến khích các hành vi tự nhiên của loài. Các hành vi của gấu với môi trường mới được nhân viên chăm sóc và ghi chép lại làm cơ sở dữ liệu giúp việc chăm sóc phục hồi sức khoẻ hiệu quả hơn.

Tiếp đến, sau thời gian cách ly, gấu được cho ra khu bán hoang dã nhỏ, có sàn chơi, hồ bơi, cây cối. Đây là giai đoạn gấu làm quen dần với khu bán hoang dã và học về hệ thống điện (do khu bán hoang dã được bao quanh bởi rào điện 1 chiều, đủ an toàn không gây thương tích cho động vật và đảm bảo động vật không xổng ra ngoài).

Ở giai đoạn này, chế độ ăn của gấu được điều chỉnh về chế độ ăn tiêu chuẩn và được cân hàng tháng để kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Chế độ làm giàu môi trường được triển khai hàng ngày theo lịch được quản lý do trung tâm xây dựng. Nhân viên chăm sóc quan sát hành vi và báo cáo cập nhật tình hình hàng ngày cho quản lý trung tâm đảm bảo các vấn đề về sức khoẻ một cách nhanh chóng và kịp thời.

Sau đó, gấu có thể được chuyển lên các nhà gấu khác với khu bán hoang dã rộng hơn, có thể được ghép đàn tuỳ thuộc vào tương tác giữa các cá thể với nhau. Việc khám sức khoẻ được thực hiện hàng tháng do đội ngũ bác sỹ thú y có kinh nghiệm và tay nghề cao trong nước và quốc tế đảm nhận. Chăm sóc đúng quy trình, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về an toàn, bất kỳ các vấn đề phát sinh cần thông báo ngay cho quản lý, người phụ trách, không được tự ý giải quyết.

Tại nhà gấu, mỗi cá thể gấu được ở riêng từng phòng. Nếu thấy các cá thể “ăn ý” với nhau thì nhân viên sẽ mở cửa ngăn các phòng để các bạn chơi chung. Tại đây, mỗi phòng đều có cửa mở thông ra khu bán hoang dã để các bạn có thể ra vào nhà thoải mái trong khung thời gian quy định.

Thành thạo trèo từng bậc thang lên trên nóc chuồng một cách an toàn, ngắm nhìn những chú gấu đang thong dong trên những trảng cỏ xanh mướt. Là người gắn bó một thời gian dài với công tác cứu hộ tê tê và gấu, chị Thương bồi hồi chia sẻ với phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường về những kỉ niệm mà chị nhớ mãi: “Nhớ chuyến cứu hộ đầu tiên là khi tham gia cứu hộ tê tê tại Thanh Hoá chỉ có 3 người, hay lần đi cứu hộ tê tê với số lượng lớn nhất trong năm, toàn bộ số tê tê đang nằm trong túi lưới, phân bám kín túi (do bị nhồi nước và bột ngô) khi đưa về trung tâm cứu hộ mới phát hiện ra có 1 cá thể tê tê mẹ đang cuộn tròn 1 cá thể con. Lần khác, một cá thể gấu tại một trang trại nuôi nhốt gấu lấy mật trước đây, ngồi cúi gằm đầu trong một góc chuồng sợ sệt, hay hai cá thể gấu lờ đờ trong hai cũi sắt dưới tầng hầm không chút ánh sáng tự nhiên lọt vào trong nhiều năm liền. Một cá thể gấu đang hoảng loạn lắc lư liên lục đến mức bị tróc da đầu, hay hai cá thể gấu con ôm nhau khư khư và đang khát sữa kêu rên vì đói và sợ. Sau thời gian được chăm sóc tại trung tâm cứu hộ, đã dần phục hồi cả sức khoẻ thể chất và tinh thần, vui chơi tự do, được yêu thương và có những cá thể đã được về nhà an toàn”.

Khó khăn trong công tác chăm sóc, bảo tồn

Theo quan sát, cơ sở bảo tồn gấu Cát Tiên có những tiêu chuẩn về phúc lợi động vật rất cao, có đội ngũ chuyên gia chăm sóc động vật có kinh nghiệm, đây là một trong những thuận lợi của cơ sở. Nhưng hiện nay, không chỉ riêng Khu bảo tồn gấu Cát Tiên mà còn nhiều trung tâm cứu hộ và bảo tồn thiên nhiên khác nữa, cũng đang gặp rất nhiều thách thức.

Chị Thương cùng đồng nghiệp đang khám bệnh cho gấu.

Đó là, sự nhận thức và hợp tác của người dân khi giao nộp động vật. Thường thì gấu sẽ có tuổi đời từ 35 – 40 năm nếu sống hoang dã, còn tại những khu nuôi nhốt, gấu do khai thác đến sức cùng lực kiệt nên chỉ sống được khoảng 10 năm. Bởi vậy, khi người dân tự nguyện đến giao nộp gấu, đều trong tình trạng sức khoẻ kém, nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, công tác cứu hộ khá tốn kém, nhân sự mỏng và nguy hiểm do phải di chuyển đường trường, giấy tờ thủ tục còn rườm rà mất thời gian. Việc phục hồi sức khoẻ cho động vật cũng cần nguồn chi phí lớn, nhân sự lại phải có chuyên môn cao, dày kinh nghiệm mới đáp ứng đủ tính chất công việc được giao.

Chỉ tay về phía con gấu đang nằm cạnh hồ bơi. Chị Thương cho biết, đó là chú gắn bó lâu nhất với trung tâm từ năm 2003. Hỏi về dự kiến ngày về, chị Thương băn khoăn. Việc tái thả cũng không hề đơn giản bởi cần phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khoẻ của động vật, khả năng thích nghi với môi trường sống. Khu vực tái thả cần được đảm bảo an toàn tuyệt đối, có đủ nguồn lực để tái thả và quy trình tái thả phù hợp với loài. Do đó, trong giai đoạn này và tương lai gần, Trung tâm vẫn tập trung cho việc cứu hộ và phục hồi sức khoẻ và bản năng của loài, song song đó là nghiên cứu thực địa và xây dựng lộ trình trước tái thả cũng như tìm kiếm nguồn lực để chuẩn bị cho công tác tái thả được phù hợp. Hệ sinh thái rừng Cát Tiên phù hợp với tập tính sinh sống của loài gấu, nhưng trước sự săn lùng của những kẻ bất nhân, và các loại bẫy của phường săn đang rình rập có lẽ đường về nhà của những chú gấu vẫn còn đó những điều bất khả thi. Thả gấu về rừng đồng nghĩa với việc đưa gấu vào cõi chết một lần nữa.

Những chú gấu chó và gấu ngựa đang an yên tắm mát trong hồ bơi của chúng.

Chứng kiến những cá thể gấu bị suy sụp cả về sức khỏe lẫn tinh thần khi mới được đưa về Khu bảo tồn gấu Cát Tiên. Mới thấy, chỉ vì muốn thỏa mãn đẳng cấp, những nhu cầu xa xỉ, phản khoa học mà con người có thể vô cảm trước sự gào thét, van xin bất lực từ thế giới động vật và thiên nhiên.

Ở Việt Nam có 2 loài gấu là gấu chó và gấu ngựa. Cả 2 loài này đều có tên trong Sách đỏ với nguy cơ tuyệt chủng được Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ xếp vào nhóm IB, nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Hiện nay, công tác thực thi pháp luật và bảo vệ loài gấu nói riêng và động vật hoang dã nói chung còn tồn tại nhiều chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quản lý, thực thi. Nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực từ phía chính quyền Nhà nước về xử phạt nghiêm trọng những hành vi vi phạm pháp luật về buôn bán trái phép động vật hoang dã cùng với công tác tuyên truyền tích cực, trực quan sinh động về mối nguy hại khi sử dụng sản phẩm từ động vật mà hiện nay, nhận thức và tư duy của người dân cũng dần thay đổi…

Thông qua bài viết này, Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường mong muốn truyền tải thông điệp tới bạn đọc “ĂN CỦA RỪNG, RƯNG RƯNG NƯỚC MẮT” và “HÃY NÓI KHÔNG VỚI SẢN PHẨM TỪ ĐỘNG VẬT HOANG DÓ.

Quỳnh Anh

Động vật hoang dã là gì?

Động vật hoang dã là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp; quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng; động vật rừng nguy cấp; quý; hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các điều ước quốc tế.

Mua bán động vật hoang dã bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điều 244 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, hành vi mua bán động vật hoang dã có thể bị truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp; quý, hiếm.

Khung 1

Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • Săn bắt; giết; nuôi; nhốt; vận chuyển; buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp; quý; hiếm được ưu tiên bảo vệ;
  • Tàng trữ; vận chuyển; buôn bán trái phép cá thể; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;
  • Ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;
  • Săn bắt; giết; nuôi; nhốt; vận chuyển; buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;
  • Tàng trữ; vận chuyển; buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú; từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim; bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;
  • Buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ; vận chuyển; buôn bán trái phép cá thể; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c; d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung 2

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

  • Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim; bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
  • Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 08 cá thể đến 11 cá thể lớp thú, từ 11 cá thể đến 15 cá thể lớp chim; bò sát hoặc từ 16 cá thể đến 20 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
  • Từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi; tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi; tê giác; từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu; hổ;
  • Ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
  • Có tổ chức;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
  • Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
  • Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;

Khung 3

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

Từ 03 cá thể voi; tê giác trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 03 cá thể voi; tê giác trở lên; 06 cá thể gấu; hổ trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 06 cá thể gấu; hổ trở lên;

Ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.”;

Buôn bán; vận chuyển qua biên giới;

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại có thể bị phạt tiền từ 300.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn; cấm kinh doanh; cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn trong khoảng thời gian theo luật định.

Kết luận

Như vậy, hành vi buôn bán động vật hoang dã là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này cần phải được xử lý triệt để. Cá nhân; tổ chức phát hiện đối tượng nào có hành vi này, thì cần tố giác với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn…