BVR&MT – Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 15/2019/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh.
Theo đó, chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước tiến hành nghiệm thu khi hoàn thành các hạng mục hoặc kết thúc giai đoạn đầu tư. Thời điểm nghiệm thu phải được xác định cụ thể để đảm bảo tính chính xác của kết quả nghiệm thu.
Trong đó, thời điểm nghiệm thu bảo vệ rừng được tiến hành vào cuối năm kế hoạch. Trường hợp 100% diện tích rừng không bị tác động phá hoại được nghiệm thu hoàn thành 100% khối lượng công việc. Trường hợp rừng bị phá hoại (chặt phá, xâm lấn, phá, đốt rừng làm nương, rẫy…) sẽ căn cứ tình hình cụ thể sẽ xác định thanh toán giá trị thực hiện hợp đồng theo tỷ lệ:
Thứ nhất, trường hợp người nhận khoán bảo vệ rừng, người nhận kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng được giao phát hiện rừng bị xâm hại và báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền thì được coi là hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và được thanh toán tiền công theo hợp đồng.
Thứ hai, trường hợp người nhận khoán bảo vệ rừng, người nhận kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng được giao không phát hiện được rừng bị xâm hại hoặc phát hiện nhưng không báo cho cơ quan có thẩm quyền thì không được thanh toán tiền công bảo vệ rừng đối với diện tích rừng bị xâm hại, tùy theo mức độ sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Công trình lâm sinh là công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, được tạo thành từ việc thực hiện hoạt động đầu tư lâm sinh theo thiết kế, dự toán, gồm: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; nuôi dưỡng rừng tự nhiên; làm giàu rừng tự nhiên; cải tạo rừng tự nhiên; trồng rừng; chăm sóc rừng trồng; nuôi dưỡng rừng trồng. |
Văn Trì (tổng hợp)