Không thể để những kẻ phá hoại nông sản “nhờn luật”!​

BVR&MT – Sự việc gần 1.500 cây dưa hấu ở xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bị kẻ xấu cắt gốc khi chỉ còn 10 ngày là thu hoạch, tiếp tục gây phẫn nộ dư luận trước hành vi hủy hoại tài sản, thành quả của người nông dân của những người xấu.​

Ngày 22 và 23/4, bà Nguyễn Thị Thiện, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam ra tưới nước cho 200 gốc dưa hấu trồng trên 250 m2 ở cánh đồng Gò Mù thì phát hiện ruộng dưa đã bị cắt gốc hết, dần khô héo.

Tương tự, hộ ông Bùi Bình và bà Lê Thị Thu ở cùng địa phương cũng bị kẻ gian cắt gốc dưa với tổng diện tích 1.500m2. Và tình trạng người nông dân bị kẻ xấu phá hoại cây trồng nông sản như: Chặt hết vườn cam, vườn keo, vườn bưởi, vườn chuối, vườn dứa, vườn tranh leo.. bấy lâu nay không còn là chuyện hiếm, nó đang rung lên hồi chuông báo động như một dạng vấn nạn mang tên hủy hoại tài sản nhắm vào những người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Thiện và vườn dưa hấu bị người xấu phá hoại.

Quan điểm của chuyên gia pháp lý cho rằng pháp luật cần phải mạnh tay hơn nữa đối với hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, không thể để những kẻ phá hoại “nhờn ” với pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho những người nông dân một nắng hai sương.

Những đối tượng có hành vi như vậy sẽ bị xử phạt như thế nào? Trả lời cho câu hỏi này, Luật sư Lê Lưu Phú, Công ty luật Gia Nguyễn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết:

Mọi hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác đều sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tùy từng tính chất, mức độ của hành vi thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, sẽ phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015:

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

– Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi thì mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội danh này là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tù.

Luật sư Lê Lưu Phú, Công ty luật Gia Nguyễn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội).

Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi còn phải bồi thường thiệt hại cho cá nhân do tài sản bị xâm phạm, bao gồm thiệt hại về tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015.

Để bảo vệ cho quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm, ngay khi phát hiện các vụ việc, người dân dân cần trình báo ngay sự việc cho cơ quan công an và phối hợp với cơ quan công an để làm rõ sự việc, truy bắt đối tượng hủy hoại.

“Có một thực tế là tình trạng hủy hoại nông sản diễn ra ở khá nhiều địa phương, trong đó có nhiều vụ không tìm được hung thủ, mặc dù pháp luật đã có những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi này nhưng những kẻ xấu tiếp tục tái diễn những hành vi vi phạm pháp luật như thể thách thức pháp luật. Vì vậy thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần phải có những hành động quyết liệt hơn nữa, trấn áp tội phạm nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của Pháp luật cũng như để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đang bị xâm phạm.

Ngoài ra, người dân cần có các biện pháp để tự bảo vệ tài sản của mình theo đúng Quy định của Pháp luật, tránh trường hợp do bị thiệt hại về tài sản mà dẫn đến những hành vi vi phạm Pháp luật đáng tiếc” – Luật sư Lê Lưu Phú cho biết./.