Không để tái diễn phá rừng tại Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn

BVR&MT – Thời gian gần đây, nhiều vụ đốt, phá rừng tự nhiên và rừng trồng tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn) xảy ra với diện tích lớn. Tuy nhiên, các vụ vi phạm đều chưa được làm sáng tỏ khiến người dân và nhóm hộ tham gia liên kết sản xuất cũng như chính quyền địa phương hết sức bất bình.

Phá rừng diễn biến phức tạp

Theo Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn, từ tháng 12/2021 đến nay, đã xảy ra 6 vụ đốt, phá rừng tự nhiên và rừng trồng do đơn vị quản lý. Tổng diện tích rừng bị cháy và thiệt hại lên tới hàng chục ha, nhiều vụ có quy mô lớn. Đơn cử như vụ phá rừng tự nhiên ở khu vực khe Bần, thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn (Lục Nam) diễn ra vào tháng 12/2021 với diện tích rừng bị phá lên tới hơn 12 ha. Ngày 5/3/2022, Hạt Kiểm lâm Lục Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân và Công an huyện Lục Nam tiếp tục điều tra, làm rõ.

Hiện trường vụ cháy rừng tự nhiên tại Khe Muỗng, thôn Vĩnh Hồng ngày 14/4/2022.

Nếu như trước đây, người dân chỉ đốt, phá rừng tự nhiên để chiếm đất trồng rừng kinh tế, thì nay kẻ xấu còn phá hoại cả rừng sản xuất (rừng liên kết sản xuất giữa Công ty với nhóm hộ). Đó là vụ cháy rừng trồng xảy ra ngày 4/5/2022 tại Khe Muỗm, thôn Vĩnh Hồng (Lục Sơn), diện tích bị cháy khoảng 10 ha của nhóm hộ 5 thành viên, do ông Cao Bá Lưu, thôn Hòn Ngọc, xã Tam Dị, huyện Lục Nam làm trưởng nhóm.

Theo phản ánh của thành viên nhóm hộ, đây là vụ phá rừng có chủ đích vì cùng một thời điểm bùng phát nhiều điểm cháy khác nhau. Trước đó, ngày 14/4/2022, khoảng 20 ha rừng bạch đàn (hơn 2 năm tuổi) của nhóm hộ này cũng bị cháy. Nguyên nhân xác định ban đầu là do người dân đốt rừng tự nhiên làm cháy lan sang.

Sau khi báo nêu, tối 19/4, ông Nguyễn Hữu Huế ở thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện (Lục Nam) nhận được điện thoại của ông Tơ Văn S, thôn Vĩnh Hồng (Lục Sơn), nội dung đe doạ ông Huế (theo ông Trần Quang Huy, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn, ông S là người đầu tiên hợp đồng khoán trồng rừng với đơn vị, sau đó bán cho ông Lưu năm 2019). Ông Huế cho rằng mình bị đe doạ là bởi trước đó, ông đã thông tin cho phóng viên Báo Bắc Giang vụ việc đốt, phá rừng tự nhiên gây cháy rừng trồng của mình. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Ông S có phải là người gây ra các vụ cháy rừng nêu trên hay không?

Ngày 20/4/2022, đại diện Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn, Hạt Kiểm lâm Lục Nam, UBND xã Lục Sơn và nhóm hộ đến hiện trường kiểm tra, lập biên bản vụ cháy rừng xảy ra ngày 14/4/2022.

Tuy nhiên, đại diện nhóm hộ trồng rừng có mặt trong buổi kiểm tra là ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam đã không ký biên bản vì cho rằng việc thống kê diện tích, cây trồng bị thiệt hại không đúng với thực tế. “Vụ cháy rừng xảy ra ngày 4/5/2022, chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Công an xã Lục Sơn và Công an huyện Lục Nam nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc”, ông Huế nói.

Khắc phục những bất cập

Việc người dân đốt phá, lấn chiếm đất rừng do Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn quản lý diễn ra từ nhiều năm nay với hàng trăm ha rừng tự nhiên đã bị xâm lấn. Theo Luật Lâm nghiệp, chịu trách nhiệm chính, trước tiên thuộc về đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng (BVR). Điều này cho thấy doanh nghiệp (DN) này không đủ năng lực quản lý, bảo vệ các diện tích rừng được giao.

Bên cạnh đó, việc giao khoán BVR cho các nhóm hộ tại địa phương vẫn còn bất cập. Hiện DN đang giao toàn bộ diện tích rừng tự nhiên (hơn 80 ha) trên địa bàn thôn Vĩnh Hồng cho nhóm hộ do bà Triệu Thị Khanh, trú tại thôn Vĩnh Hồng làm tổ trưởng quản lý, BVR.

Thế nhưng, trong khi bà Khanh được giao làm tổ trưởng tổ BVR thì con trai bà là Nguyễn Quang Đ (SN 1987) vừa bị UBND huyện Lục Nam xử phạt vi phạm hành chính 121 triệu đồng vì thực hiện 2 vụ khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép tại thôn Vĩnh Hồng từ ngày 12 đến 16/2/2022. Việc này khiến dư luận trong nhân dân hết sức bất bình.

Trước thực trạng các vụ đốt, phá rừng tại xã Lục Sơn, đặc biệt là diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn quản lý diễn biến phức tạp, ngày 20/4/2022, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam đã có văn bản phê bình Giám đốc Công ty trong việc chậm thực hiện thông tin báo cáo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Đồng thời yêu cầu DN tăng cường lực lượng BVR; kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay các hành vi vi phạm. Tuyệt đối không để xảy ra các vụ việc mới. Ngày 26/4, UBND huyện Lục Nam đã thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại buổi làm việc về công tác quản lý, BVR trên địa bàn xã Lục Sơn.

Trong đó, đề nghị Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, mô hình, cơ chế hoạt động, bảo đảm có đủ điều kiện, năng lực quản lý điều hành. Tuyệt đối không để cán bộ, công nhân của Công ty thông đồng, tiếp tay cho người dân phát, phá rừng, lấn chiếm đất do DN quản lý.

Đồng chí Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết, vừa qua, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Phó Trưởng Công an huyện làm Tổ trưởng nhằm phối hợp, hỗ trợ Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn sớm làm rõ, xử lý các vụ việc.

Trước mắt, UBND huyện Lục Nam yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn rà soát toàn bộ hợp đồng khoán liên doanh trồng rừng kinh tế tại xã Lục Sơn với các hộ, nhóm hộ; gắn trách nhiệm cụ thể của các bên trong công tác quản lý, BVR và PCCCR để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất; thanh lý hợp đồng với các hộ, nhóm hộ nhận khoán liên doanh trồng rừng kinh tế không đúng đối tượng.

Rà soát các diện tích lấn chiếm, trồng cây trái phép mới và các diện tích lấn chiếm đã đến chu kỳ khai thác cùng các đối tượng thực hiện để có biện pháp ngăn chặn, di dời, xử lý đúng quy định. UBND xã Lục Sơn chỉ đạo chi bộ, Ban quản lý thôn Đồng Vành 2 xây dựng mô hình điểm “Toàn dân tham gia quản lý, BVR và PCCCR”, sau đó nhân rộng ra các thôn, xã khác.

Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn được chuyển đổi từ Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn (tháng 8/2010), là DN 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh làm chủ sở hữu, hiện có gần 20 cán bộ, công nhân đang làm việc. Công ty được giao quản lý hơn 2,4 nghìn ha rừng, trong đó có 780,4 ha đất rừng trồng, còn lại là rừng tự nhiên.