BVR&MT – Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi có việc làm, thu nhập ổn định đời sống và sản xuất.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội khoá XV thảo luận về một số nội dung mới và còn ý kiến khác nhau. Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra khi tiếp thu, giải trình khá rõ những vấn đề đặt ra tại Kỳ họp thứ 6. Nhiều ý kiến cho rằng đến thời điểm này dự thảo Luật Đất đai đã khá hoàn chỉnh và có thể thông qua được.
Chăm lo cho người dân tái định cư
Đánh giá rất cao quy định tại Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Điều 110 về các dự án hỗ trợ, tái định cư, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá điều này thể hiện khá rõ yêu cầu của Nghị quyết 18 của Trung ương là việc bồi thường, hỗ trợ phải đảm bảo cho người dân có đất thu hồi có điều kiện chỗ ở và cuộc sống tốt hơn.
Từ quan điểm trên, ông đồng tình với điểm a khoản 2 Điều 110 là hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phải đạt tiêu chuẩn là khu nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị. Tuy nhiên, đây nên là tiêu chuẩn tối thiểu, vì có thể có địa phương xây dựng hạ tầng kỹ thuật cao hơn khu vực nông thôn mới, đạt như khu vực đô thị.
Ông cũng đánh giá cao và đồng tình với quy định tại khoản 3 Điều 110 là địa điểm tái định cư lựa chọn phải theo thứ tự ưu tiên là trước hết tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi và sau đó mở rộng đến các địa bàn của quận, huyện, thị xã, thành phố rồi đến các địa phương khác có điều kiện tương đồng.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch là đất ở, có vị trí thuận lợi nhất trên địa bàn được lựa chọn để hình thành khu tái định cư. Điều này để tránh tình trạng địa phương dành đất được quy hoạch, thuận lợi để đấu giá, còn tái định cư đẩy sang một vị trí khác không thuận lợi bằng.
“Tôi thấy dự án tái định cư đường vành đai 4 của Hà Nội đang lựa chọn địa điểm là khu đất có điều kiện thuận lợi để tái định cư nên người dân rất đồng tình. Đề nghị bổ sung thêm tiêu chí này vào khoản 3 Điều 110” – ông Hoàng Văn Cường nói.
Khoản 4 Điều 91 quy định “Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập ổn định đời sống và sản xuất”.
Đánh giá cao nội dung trên, vị đại biểu đoàn TP Hà Nội nói: “Chúng ta không bỏ rơi những người có đất được thu hồi, không mặc kệ họ có việc làm hay không. Phương án tốt nhất để giúp người ta có việc làm là chúng ta phải tạo ra sinh kế chứ không phải chỉ hỗ trợ bằng tiền. Nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất, kinh doanh thì chúng ta phải bố trí quỹ đất phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh để tạo cơ hội làm việc cho họ”.
Cũng thảo luận Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) tiếp tục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu ghi rõ trong luật nguyên tắc việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đây là nguyên tắc được quy định rõ trong Nghị quyết 18 của Trung ương và cần thể chế hóa trong Luật Đất đai (sửa đổi).
“Mặc dù các quy định trong dự thảo luật đã thể hiện cụ thể hóa nguyên tắc này, tuy nhiên tôi đề nghị cần quy định rõ trong luật để bảo đảm triển khai thực hiện được nghiêm túc, đầy đủ nguyên tắc này trong thực tiễn” – ông Nguyễn Đại Thắng nêu ý kiến.
Phải tách bạch rõ ràng trong thu hồi đất
Liên quan thu hồi đất, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, theo quy định của Hiến pháp 2013, để thu hồi đất thì các dự án phát triển kinh tế – xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: Thứ nhất phải là trường hợp thật cần thiết; thứ hai phải do luật định và thứ ba phải vì lợi ích quốc gia, công cộng.
“Đối chiếu với các yêu cầu này thì quy định tại Điều 79 và Điều 80 chưa thể hiện rõ tính chất thật cần thiết. Trên thực tế có trường hợp thu hồi đất nằm trong 31 trường hợp quy định tại Điều 79 và đáp ứng quy định của Điều 80 nhưng công trình sau đó lại bị bỏ hoang, lãng phí, không đi vào cuộc sống do không thật cần thiết đối với nhân dân, đối với sự phát triển kinh tế – xã hội” – ông Nghĩa nói và đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “thật cần thiết” vào phần mở đầu của Điều 79 dự thảo luật.
Cụ thể hơn, dẫn khoản 21 Điều 79 quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị xem xét, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư; người quản lý phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất.
“Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc gia, vì an ninh thì Nhà nước nên có thu hồi bằng cơ chế hành chính. Còn đối với các dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện về chủ trương hoặc tài chính thì cần phải thỏa thuận với người sử dụng đất, thu hồi đất theo cơ chế thị trường” – bà Thanh Lam nêu quan điểm.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu khoản 32 Điều 79 quy định: “Trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 đến khoản 31 của điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của luật này” và đánh giá cao nội dung này khi lần đầu tiên trong các luật ban hành chứa điều khoản bắt buộc khi phát sinh trường hợp mới bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung ngay trong luật.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế – xã hội phát triển nhanh, thay đổi chóng vánh và để đảm bảo kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn, ông Dương Khắc Mai đề nghị nghiên cứu có thể cân nhắc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trong trường hợp này và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
Không để chuyển đổi quá nhiều “bờ xôi, ruộng mật”
“Đến giờ, tôi vẫn băn khoăn, quan ngại về việc dự thảo luật chuyển thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng từ Thủ tướng Chính phủ về địa phương, mục tiêu nhằm tháo gỡ về thủ tục, tăng tính chủ động cho địa phương. Luật phải quy định nguyên tắc đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà cần phải tính toán kỹ lưỡng về xã hội, môi trường, không để lợi ích nhóm. Không để chuyển đổi quá nhiều “bờ xôi, ruộng mật”, “lỗ chỗ xôi đỗ”. Có những thứ mất đi có thể khắc phục được, nhưng với đất hai lúa, đất rừng tự nhiên mất đi thì không thể khôi phục lại như ban đầu, nên phải thực sự cần thiết thì mới cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng” – Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) |